29/06/2013 09:15 GMT+7

Lao đao vì chương trình không phép

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Nhiều chương trình đào tạo trái phép, sai phép đã bị Bộ GD-ĐT xử phạt và đình chỉ đào tạo. Sinh viên theo học các chương trình này không chỉ mất tiền mà còn phải vất vả tìm chỗ học mới.

Ad268tTW.jpgPhóng to
N.T.T. chi 7 triệu đồng để giáo viên trong trường làm bằng tốt nghiệp THPT giả, cuối cùng “mất cả chì lẫn chài” - Ảnh: M.Giảng

Trớ trêu nhất là nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bị mất “cả chì lẫn chài” khi theo học trung cấp tại cơ sở “chui” của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (SAIMETE) mở ở huyện Nhà Bè. Nguyễn Thị Tuyết (Bắc Ninh) - công nhân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước - cho biết giờ mình và nhiều người đã nghỉ học. Học phí, công sức bỏ ra học tập hơn một năm coi như đổ sông đổ biển.

Đứt gánh giữa đàng...

Đầu năm 2010, trên đường đi làm về, Tuyết thấy băngrôn tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp của Công ty cổ phần Đào tạo tin học và quản lý doanh nghiệp quốc tế, học tại Nhà Bè, bằng do SAIMETE cấp. Lớp này tuyển sinh người tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT. Hơn 50 công nhân khác đã nộp hồ sơ theo học. Tuyết cho biết khi học được một thời gian, người của công ty tư vấn nếu học sinh “chạy” được bằng tốt nghiệp THPT thì chương trình học sẽ chỉ còn hai năm. Một học sinh trong lớp đã giới thiệu hai học sinh khác với giáo viên N.V.C. để mua bằng tốt nghiệp THPT với giá 7 triệu đồng/bằng. Sau hai tuần ông C. đã giao bằng cho các học sinh.

Sau khi học được khoảng một năm, đầu năm 2011 nhận thấy một số dấu hiệu bất thường, học sinh lên cơ sở chính của SAIMETE khiếu nại thì tá hỏa khi được trả lời tất cả học sinh ở đây đều không có tên trong danh sách trúng tuyển của trường. Học sinh khiếu nại, SAIMETE bị thanh tra và bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Một học sinh có bằng tốt nghiệp THPT cho biết sau gần năm tháng khiếu nại và chờ đợi, SAIMETE mới giải quyết và chuyển học sinh về cơ sở chính để học. Hằng ngày, sau giờ làm việc, học sinh phải lặn lội từ Nhà Bè lên quận Phú Nhuận để học. Trong khi đó, những trường hợp không có bằng tốt nghiệp THPT như Tuyết thì không được giải quyết và mất tất cả tiền cùng công sức học tập đã bỏ ra.

“Mình ở quê vào Sài Gòn làm công nhân được ba năm. Sáng đi làm, tối mịt mới về, tiết kiệm thì cũng còn dư chút ít. Vì không có điều kiện học hành nên mới đi làm công nhân. Đi làm mấy năm, dành dụm được chút ít tiền nên cũng muốn đi học để thay đổi công việc cho đỡ vất vả hơn. Khi thấy trường tuyển sinh trung cấp cả người chưa có bằng tốt nghiệp THPT, mình đã đăng ký học. Ngày đi làm, tối đi học, rất mệt nhưng cũng phải ráng. Ai ngờ đâu chẳng được gì mà còn bị mất hết số tiền dành dụm. Học phí đã đóng hơn 10 triệu đồng. Đơn khiếu nại đã gửi khắp nơi nhưng chẳng ai giải quyết việc trả lại học phí. Tiền dành dụm mất, giờ muốn đi học cũng khó” - Tuyết chia sẻ thêm.

Năm 2011, N.Thúy (TP.HCM) tốt nghiệp trung cấp dược Trường trung cấp Quân y 2 (Q.9, TP.HCM). Đi làm một thời gian, Thúy đăng ký ôn thi và dự thi liên thông CĐ dược chính quy do Trường CĐ Asean tổ chức tại TP.HCM. Học được vài tháng, chương trình này bị đình chỉ đào tạo do chưa có phép. Thúy cho biết giờ nghỉ học nên chỉ ở nhà phụ giúp gia đình chờ trường giải quyết để tính phương án học tập tiếp theo. Điều đáng nói là Thúy tốt nghiệp loại trung bình khá, khi nhận hồ sơ, trường không yêu cầu xác nhận thâm niên công tác nên khi chương trình bị ngừng đào tạo, Thúy thuộc diện “chưa đủ điều kiện dự thi” nên sẽ không được tiếp tục học.

“Lúc nộp hồ sơ, thầy cô khẳng định chắc nịch là cấp bằng chính quy nên mình nỗ lực ôn thi, cả tháng trời không đi làm chỉ lo ôn để mong thi đậu. Lúc trước chưa có trường nào ở TP.HCM đào tạo CĐ dược nên mình chấp nhận đi đường vòng, học trung cấp rồi liên thông lên. Khi đậu rồi rất mừng, mặc dù phải lặn lội từ Q.7 ra tận Thủ Đức để học nhưng mình vẫn rất vui. Ai ngờ đâu chương trình bị dừng đào tạo. Tiền bạc, công sức bỏ ra cả năm qua coi như chẳng được gì” - Thúy chia sẻ.

H6mt4X9w.jpgPhóng to
Ban giám hiệu Trường CĐ Asean đã có buổi đối thoại với sinh viên lớp liên thông CĐ dược tại Trường trung cấp Vạn Tường (TP.HCM) vào tối 11-5 để tìm hướng giải quyết cho chương trình không phép này - Ảnh: M.G.

Nháo nhào tìm chỗ học

Đến thời điểm này, hàng trăm sinh viên các lớp liên thông không phép từ trung cấp lên CĐ do Trường CĐ Asean tổ chức tại TP.HCM vẫn chưa biết số phận mình như thế nào sau khi các chương trình liên kết này bị thanh tra và đình chỉ đào tạo. Một sinh viên theo học chương trình liên thông liên kết giữa Trường CĐ Asean và Trung cấp Vạn Tường (TP.HCM) cho hay phương án ra cơ sở chính ở Hưng Yên để tiếp tục theo học không khả thi bởi đa số mọi người đều đang làm việc ở đây, chỉ đi học vào buổi tối và cuối tuần nên không thể bỏ việc làm để đi học. Trong khi đó trường vẫn chưa thông báo sẽ chuyển sang trường nào tại TP.HCM để tiếp tục học. Sinh viên Lê Thị Hiền cho biết tuy học trung cấp dược ra nhưng phải làm việc trái ngành. Do đó Hiền muốn học liên thông CĐ dược để có thể làm việc đúng chuyên ngành đã học. Sự việc vỡ lở, Hiền cùng nhiều sinh viên quyết định rút hồ sơ để chờ thời điểm ôn thi và dự thi vào trường khác. Học phí có thể được hoàn trả nhưng công sức ôn thi, học tập mấy tháng qua coi như đổ sông đổ biển.

Sinh viên N.A.T. cho biết mình theo học ở Trường Raffles (một trường của Singapore mở tại TP.HCM) được khoảng một năm thì chuyển sang học tại Melior. Mới học được một học kỳ thì Melior đóng cửa, giám đốc bỏ trốn. T. nói: “Sau khi Melior đóng cửa, những bạn có điều kiện đã chuyển đến Singapore để tiếp tục học, một số bạn chuyển sang học CĐ một chương trình nước ngoài tại VN. Điều kiện gia đình không cho phép nên hiện mình đang tạm ngưng, tìm chương trình phù hợp để có thể chuyển điểm, nếu không được thì tiền bạc và công sức học tập của mình coi như mất trắng”.

Cũng rơi vào cảnh chưa biết đi đâu về đâu, hơn 100 sinh viên ngành CĐ điều dưỡng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang phải vừa học vừa chờ chuyển sang trường khác. Do trường tuyển sinh ngành này khi chưa được phép nên Bộ GD-ĐT yêu cầu trường phải dừng đào tạo và chuyển sinh viên sang trường khác tiếp tục đào tạo. Do sinh viên muốn chuyển sang trường công lập nhưng khu vực TP.HCM không có cơ sở đào tạo CĐ ngành điều dưỡng nên trường đang liên hệ với một số trường ở khu vực miền Trung để chuyển sinh viên. Bộ GD-ĐT đã đồng ý phương án cho trường này chuyển sinh viên ra một số trường CĐ y tế khu vực miền Trung là Thanh Hóa, Huế. Tuy nhiên đang học ở TP.HCM, con đường di chuyển ra tận Thanh Hóa, Huế để học tiếp không phải là sự lựa chọn của các sinh viên.

Chánh thanh tra Bộ GD-ĐTNguyễn Huy Bằng:

Trường phải tự giải quyết hậu quả do mình gây ra

Bộ GD-ĐT yêu cầu trường nào liên kết không phép, sai phép phải tự liên hệ với các cơ sở đào tạo để chuyển sinh viên sang cơ sở đó tiếp tục đào tạo, cấp bằng, bộ không làm thay chuyện này. Cần lưu ý là trường có chương trình liên kết không phép, sai phép phải tự liên hệ và thương thảo các điều kiện với đơn vị được phép đào tạo ngành đó để chuyển sinh viên sang nhằm đảm bảo quyền lợi người học.

Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Vang:

Người học cần tỉnh táo...

Những chương trình liên kết, đào tạo với nước ngoài nếu không có phép thì bằng cấp sẽ không được Bộ GD-ĐT công nhận. Người học cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các chương trình liên kết tại VN. Nếu chương trình không có giấy phép thì không nên học, bởi bằng cấp của các chương trình này không được thừa nhận tại VN. Những chương trình liên kết nghiêm túc khi thông báo tuyển sinh đều ghi rõ quyết định cho phép.

Hàng ngàn sinh viên theo học chương trình không phép

* Trường CĐ Asean: Tháng 5-2013, Trường CĐ Asean bị thanh tra các chương trình đào tạo không phép, buộc phải ngưng đào tạo các chương trình liên kết ở các địa phương, trong đó có TP.HCM. Sau đó trường này bị xử phạt hành chính và đình chỉ tuyển sinh năm 2013. Tổng số có hơn 1.700 sinh viên đang theo học các chương trình không phép này.

* Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Năm 2011, Trường ĐH Công nghiệp tuyển hơn 100 sinh viên bậc CĐ ngành điều dưỡng khi chưa được phép. Giấy báo nhập học do hiệu trưởng Tạ Xuân Tề ký. Bộ GD-ĐT yêu cầu trường dừng ngay việc đào tạo bậc CĐ ngành điều dưỡng và liên hệ với các cơ sở đào tạo thích hợp để bàn giao sinh viên cho cơ sở tiếp tục đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định.

* Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (SAIMETE): Theo kết luận thanh tra năm 2012 của Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Phạm Phố - hiệu trưởng SAIMETE - ký quyết định thành lập nhiều cơ sở đào tạo, trong đó có cơ sở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), có hơn 50 học sinh trung cấp đang theo học. Tuy nhiên, cơ sở trên không có văn bản chấp thuận của Bộ GD-ĐT, vi phạm điều lệ trường CĐ. SAIMETE bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 và 2013.

* Trường Melior: Tháng 5-2012, Công ty TNHH Melior VN (gọi tắt là Trường Melior) bị Bộ GD-ĐT xử phạt hành chính vì tuyển sinh ĐH, CĐ trái phép. Tháng 11-2012, trường đột ngột đóng cửa, giám đốc biến mất. Hơn 300 sinh viên đang theo học ở đây mất tiền, việc học bị ngưng đến nay.

* Trường SIBME: Cho đến bây giờ, một phụ huynh có con học tại Trường SIBME (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết sau khi trường bị thanh tra, bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh và buộc trả lại học phí cho sinh viên, bà đã nhiều lần đến trường đòi học phí nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trước đó tháng 5-2012, Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (gọi tắt là Trường SIBME) bị Bộ GD-ĐT xử phạt hành chính vì tuyển sinh ĐH, CĐ trái phép, đình chỉ tuyển sinh, buộc hoàn trả học phí cho người học. Có hơn 100 sinh viên đang theo học tại trường này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên