13/05/2013 04:34 GMT+7

Khốn khổ phải học nhờ, học tạm

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Theo thống kê của ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL, ở bậc học mầm non, mẫu giáo có đến 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ, chiếm gần 30% số phòng học hiện có.

YUJKZ5DJ.jpgPhóng to
Không có nước máy nên mỗi ngày cô Lư Thị Huấn phải xách nước sông cho các em rửa tay - Ảnh: Minh Tâm

Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng học xuống cấp cần được xây dựng mới. Việc thiếu phòng học đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy...

Thành phố cũng phải học nhờ, học tạm...

"Bất tiện lớn nhất là không có nước máy, mà các em lại hay đùa nghịch... nên mỗi ngày giáo viên phải xách nước sông lên lóng phèn để các em rửa tay chân. Mình cực không nói gì, mà chỉ lo cho các em bởi dùng nước sông không vệ sinh như nước máy..."

Cô giáo Lư Thị Huấn

Tuy là trung tâm của ĐBSCL nhưng nhiều điểm trường mẫu giáo ở các quận, huyện của TP Cần Thơ phải chịu cảnh học nhờ, học tạm. Diện tích phòng học chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, cột kèo cũ mục, mái tôn thấp lè tè, lỗ chỗ thủng khiến mùa nắng nóng hầm hập, mùa mưa dột khắp phòng. Sân trường nhỏ hẹp khiến các em không có sân chơi. Đó là tình cảnh chung của các điểm trường mẫu giáo học nhờ, học tạm.

Điểm trường Vàm Đình của Trường tiểu học Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ là một ví dụ. Diện tích phòng chỉ vỏn vẹn 24m² mà sĩ số lớp học lại tới 21 em. Phòng đã chật chội, khoảng sân bên ngoài cũng chỉ 8m², mỗi ngày giáo viên chỉ dám cho các em chơi nửa tiếng từ 7g30-8g. Còn từ 8g trở đi nắng rọi xuống sân rất gắt! Khi chúng tôi đến khoảng 9g, hơi nóng đã phả từ mái tôn xuống hầm hập. Cô giáo Trần Thị Kim Loan than: “Giờ còn đỡ, chứ khoảng 14g nóng dữ lắm khiến em nào cũng nhễ nhại mồ hôi”...

Điểm trường Thạnh Mỹ của Trường tiểu học Thường Thạnh cũng rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Đây là một trong những điểm trường được xây tạm trên mảnh đất mượn của dân. Phòng học này được xây cất bằng vật liệu xin lại từ các trường tiểu học khác. Hai bên vách lá những cây cột đã cũ. Mái lợp tôn nhiều tấm gỉ sét lại đầy lỗ thủng, khi mưa lớn nước trên dột xuống, các bên vách tạt vào.

Cô Đặng Thị Kim Hoàng, giáo viên lớp mầm điểm Thạnh Mỹ - người đã gắn bó 10 năm từ khi điểm trường được thành lập, than thở: “Cũng may ở giữa không bị dột nên cô trò bắc ghế ngồi chùm nhum lại. Tội nghiệp các bé vào những ngày mưa không thể nào học được...”. Không chỉ riêng quận Cái Răng mà còn nhiều trường mầm non ở các quận huyện khác như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nhiều nhất là ở huyện Vĩnh Thạnh, huyện có đến 19/21 trường mầm non, mẫu giáo phải học nhờ tại các trường tiểu học khác...

TP Cần Thơ đã vậy, các tỉnh khác cũng tương tự. Chẳng hạn, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cũng rơi vào cảnh học nhờ học tạm. Trường mẫu giáo Hoa Hồng có điểm trường Nàng Chanh, Tân Kiều... đang học nhờ, học tạm. Điểm Nàng Chanh đang học ké Trường tiểu học Trần Quang Diệu cũng mái lợp tôn nóng hầm hập, đồ chơi thì chỉ là vài món sơ sài... Thương học trò, cô giáo Lư Thị Huấn chỉ biết lượm những hũ yaourt, mua rổ mủ đem vô cho các em chơi. Nhà có máy photo, thấy bức tranh nào đẹp cô Huấn photo đem vô lớp, làm riết máy hư luôn... Cô Huấn tâm sự lớp học “ké” nên cũng ngài ngại, sợ giờ ra chơi các em làm ồn ảnh hưởng việc học của các anh chị lớp tiểu học kế bên, nên cô sắp xếp các em ra chơi trùng với giờ ra chơi các anh chị lớp tiểu học.

QtY2fDC1.jpgPhóng to
Điểm trường Thạnh Mỹ mái lợp tôn, thấp lè tè, nắng nóng hầm hập, mưa dột tứ bề - Ảnh: Minh Tâm

Tìm nhiều nguồn để xóa học tạm, học nhờ

Run... khi dẫn các em đi vệ sinh

Nhiều điểm trường không có nhà vệ sinh như điểm trường Phú Mỹ của Trường tiểu học Thường Thạnh kéo theo nhiều bất tiện khác. Trong lớp mỗi khi có em nào muốn đi vệ sinh, cô giáo phải cho các em khác chơi những trò xếp hình, tô vẽ... rồi mới dẫn đi nhờ cầu cá hộ dân lân cận. Đi trên thân cây, các em rất sợ té. Cô giáo vừa nắm tay dẫn đi vừa trấn an các em nhưng trong bụng lại hơi run, sợ có rủi ro gì...

Hiện toàn TP Cần Thơ có 536 phòng học, còn thiếu 244 phòng học; có năm phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo; 13 trường chưa có cơ sở vật chất riêng, phải học nhờ trường tiểu học và nhà dân; ba huyện chưa có trường trọng điểm. Tỉnh Hậu Giang hiện có 13 xã, phường của các huyện, thành phố còn chịu cảnh các trường mầm non, mẫu giáo phải học nhờ các trường tiểu học. Riêng các điểm trường mẫu giáo, mầm non nhà tranh vách lá, mái tôn xuống cấp, phải cất tạm trên đất dân, tập trung nhiều nhất ở huyện Long Mỹ với 27 điểm trường.

Việc thiếu phòng học, phải học nhờ học tạm đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nên mỗi tỉnh thành đều tìm hướng giải quyết. Ông Lê Hồng Tươi - giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Hậu Giang, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2013 sở sẽ giải quyết dứt điểm chuyện học nhờ, học tạm cũng như xóa các điểm trường tranh vách lá. Cụ thể, sở sẽ sử dụng 62 tỉ đồng gồm tiền ngân sách là 23,2 tỉ đồng và số còn lại do ngân hàng, công ty xổ số kiến thiết hỗ trợ để xây mới các trường mầm non, mẫu giáo. Còn các điểm trường là những phòng học tạm bợ, nhà tranh vách lá ở huyện Long Mỹ, sở dự kiến sẽ bồi hoàn đất, sáp nhập, xây mới trường. Những điểm nào học nhờ trên đất mượn tạm của dân, nếu không đạt chất lượng hoặc nằm lẻ mẻ, choi loi khó quản lý, tỉnh sẽ gom sáp nhập vào những điểm trường trọng điểm.

Ông Trần Trọng Khiếm - giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - cho biết UBND TP Cần Thơ vừa bổ sung 96 tỉ đồng cho giáo dục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với UBND thành phố vận động các nguồn xã hội hóa để có kinh phí xây mới các trường mầm non, tiến tới năm 2015 không còn tình trạng học nhờ, học tạm ở những ngôi trường tạm bợ...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên