05/05/2013 08:37 GMT+7

Cô học trò mở lớp học tình thương

VĂN KỲ
VĂN KỲ

TT - Hơn bốn năm qua, Nguyễn Thị Thu Dâng, học sinh lớp 12B4 Trường THPT ISchool Ninh Thuận, cùng nhóm bạn âm thầm tổ chức một lớp học tình thương cho hàng chục trẻ em lang thang cơ nhỡ, bán hàng rong ở vỉa hè.

yTjrBDFf.jpgPhóng to
Dâng dạy học cho những trẻ em bán hàng dạo, bán vé số - Ảnh: Nguyễn Đức Thạch

Cách đây bốn năm, khi Dâng còn là học sinh lớp 9, trong một lần cùng nhóm bạn tổ chức sinh nhật ở công viên 16-4 (TP Phan Rang - Tháp Chàm), có một vài em bán hàng rong đến mời Dâng và nhóm bạn mua kẹo cao su, mua vé số.

Nói chuyện qua lại, Dâng thấy những đứa trẻ này không biết chữ và thiếu kỹ năng ứng xử văn hóa. Dâng với nhóm bạn bàn nhau dành mỗi tuần ba buổi ra công viên để vui chơi cùng các em, dạy cho các em một số trò chơi dân gian và cách ứng xử văn hóa.

Lúc đầu chỉ có năm em tham gia, nhưng sau đó những đứa trẻ truyền tai nhau “có mấy chị thương tụi tao lắm, chơi với tụi tao còn cho tụi tao bánh kẹo” nên nhóm cứ đông dần.

Nhịn ăn sáng để mở lớp

"Nguyện vọng của em là thi vào một trường cao đẳng ở Ninh Thuận trong năm nay để lớp học tình thương tiếp tục được duy trì"

NGUYỄN THỊ THU DÂNG

“Nhóm ngày càng đông nên em bàn với nhóm bạn tổ chức một lớp dạy chữ cho các em. Em và chín bạn nữa họp lại quyết định mở lớp học tình thương, với kinh phí là... tiền ăn sáng hằng ngày ba mẹ cho” - Dâng kể.

Vậy là lớp học tình thương được tổ chức ở một ngôi chùa tại phường Mỹ Bình, với 12 học viên đủ mọi lứa tuổi. Dâng và nhóm bạn lên một kế hoạch dài hơi cho lớp học, soạn giáo án, tổ chức kinh phí duy trì hoạt động của lớp.

Cả nhóm thống nhất nhịn ăn sáng, mỗi thành viên dành dụm được 10.000 đồng/ngày. Mỗi tháng cả nhóm tiết kiệm được 3 triệu đồng, thành lập quỹ do Dâng quản lý để mua sách, vở, viết và cả... bánh kẹo để “dụ” các em đến lớp.

Lúc đầu chỉ có mấy đứa nhỏ bán hàng dạo, sau này lớp học còn nhận thêm một số học sinh ở Trường tiểu học Mỹ Bình muốn học thêm nhưng nhà nghèo. Em Huỳnh Thị Kim Quý, học sinh lớp học tình thương, cho biết: “Tình cờ con đi bán vé số và gặp được cô Dâng. Cô Dâng hỏi con có thích đi học không, con kêu thích. Vậy là cô Dâng dẫn con về học”.

“Mấy em ham chơi nên tụi em phải dành nhiều thời gian làm công tác tư tưởng, tổ chức đi bán vé số, bán kẹo dạo cùng tụi nhỏ. Lúc đầu nhiều gia đình không tin tưởng tụi em nên nhóm phải đến nhà tụi nhỏ chơi, phụ giúp ba mẹ tụi nhỏ làm việc, thuyết phục mới được” - Dâng cho biết.

Tổn thương

Mới đây, phóng viên NTV đến liên hệ với Dâng để làm phóng sự gương người tốt việc tốt. Lúc đầu Dâng và nhóm bạn nghĩ nếu được phát trên đài tỉnh sẽ có nhiều người biết đến hoạt động của nhóm và sẽ có nhiều mạnh thường quân ủng hộ về vật chất và tinh thần.

Khi phóng sự quay gần xong, do yêu cầu của phóng sự cần cảnh đông học sinh nên Dâng có đến trình bày với hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Bình để nhờ mấy học sinh mà nhóm của Dâng dạy học đến ngồi lớp để quay.

Tuy nhiên cô hiệu trưởng không đồng ý chuyện quay phim, yêu cầu Dâng dừng ngay việc này. Cô hiệu trưởng đã báo cáo với chủ tịch UBND phường Mỹ Bình về việc này và phía phường cũng có chỉ đạo không được quay phim.

Việc này khiến Dâng bị tổn thương, suy sụp vì việc tốt của nhóm bốn năm nay bị phủ nhận.

Có sự hiểu nhầm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Tỵ, hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Bình, cho biết: “Dâng có đến trình bày xin mượn học sinh trong trường để quay phim, gửi đi nước ngoài xin từ thiện. Tôi thấy có yếu tố nước ngoài rất phức tạp nên không đồng ý và đã gọi điện báo cho chủ tịch phường. Tôi không hề biết làm phim để phát sóng trên NTV. Mãi sáng hôm qua (ngày 3-5), Dâng có tới gặp tôi và trình bày lại là làm phim để phát sóng trên NTV, và nói rằng do lúc đầu trình bày không rõ nên khiến tôi hiểu nhầm. Nhưng tôi thấy em này trình bày trước sau không thống nhất nên tôi không đồng ý”.

Ông Nguyễn Đăng Mười, chủ tịch UBND phường Mỹ Bình, cho biết: “Tôi có nghe cô Tỵ gọi báo là quay phim để gửi đi nước ngoài xin tiền nên tôi nói không được. Tôi cũng cho cán bộ cấp dưới đi xác minh nhưng chưa thấy báo cáo lại”. Theo ông Mười, học sinh mà gây dựng được một lớp học tình thương như nhóm của Dâng là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, ông Mười cho rằng do hoạt động bốn năm mà phường không nắm được nên không có kế hoạch giúp đỡ hoạt động của nhóm.

“Nếu em Dâng báo cáo lên phường thì phường sẵn sàng tạo điều kiện về cơ sở dạy học và hỗ trợ kinh phí từ sự vận động các mạnh thường quân trong phường. Em Dâng cứ lên trực tiếp gặp tôi, tôi sẽ giải quyết ngay. Còn phóng sự về em phát trên đài tỉnh là quá tốt chứ sao lại cấm. Đây có thể chỉ là hiểu nhầm thôi” - ông Mười cho hay.

Hi vọng đúng như lời giải thích của chính quyền địa phương: “Đây chỉ là sự hiểu nhầm”, để Dâng và nhóm bạn tiếp tục thực hiện nguyện ước của mình.

Đề xuất khen thưởng

Anh Lê Phan Minh Nhật, bí thư Đoàn Trường THPT ISchool Ninh Thuận, cho biết khi biết được việc làm của Dâng thì rất nhiều giáo viên trong trường cảm thấy bất ngờ và ban giám hiệu nhà trường cũng đã đề xuất đoàn thanh niên xem xét để tuyên dương, khen thưởng em trong buổi tổng kết cuối năm như một tấm gương tiêu biểu của trường.

VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên