04/05/2013 06:56 GMT+7

"Nghệ sĩ nghề" ra tay thi thố

Q.LINH - B.THANH - H.THI
Q.LINH - B.THANH - H.THI

TT - Phần thi thực hành của 13 nghề trong khuôn khổ Hội thi học sinh giỏi nghề lần 5-2013 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức đã khép lại với sự tranh tài quyết liệt của gần 500 học sinh.

yLaKE9Qc.jpgPhóng to
Thi thực hành nghề điện tử tại Hội thi học sinh giỏi nghề lần 5-2013 - Ảnh: Q.LINH

Cuộc thi thố là cơ hội để một lớp thợ trẻ trình diễn kỹ năng nghề qua thao tác, và đã được nhiều giám khảo đánh giá tốt, dự báo có những người thợ trẻ tài hoa yêu nghề trong tương lai.

Mồ hôi trên sàn đấu

Không gian phòng thi nghề điện lạnh nóng hầm hập. Trước khi thi lắp ráp máy lạnh, thí sinh được kiểm tra tay nghề gia công ống đồng. Mỏ hàn bắn lửa phù phù, thí sinh mồ hôi nhễ nhại dù cả chục chiếc quạt máy mở hết công suất. Thao tác gọn gàng, bạn Huỳnh Phước Nghiệp (Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) cho biết dù đã luyện tập kỹ nhưng vẫn hơi hồi hộp và tự tin sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Phòng thi điện công nghiệp cũng nóng không kém với bài thi bốn tiếng rưỡi. Bạn Nguyễn Văn Thông (Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) cho biết có ba tuần để luyện tập theo bài thi được công bố trên mạng. “Bài thi thực tế có một số yêu cầu rõ ràng hơn lúc tập luyện, thêm một số thao tác mới buộc thí sinh phải nhanh tay hơn mới kịp giờ” - Thông cho biết. Và Thông là một trong hai thí sinh hoàn thành sớm nhất bài thi, trước thời gian quy định 50 phút.

Trong khi đó, đôi tay Nguyễn Trường Giang (Trường trung cấp nghề Nhân Đạo) cũng tỉ mẩn hàn từng mối hàn li ti trên bo mạch điều khiển đèn tín hiệu giao thông trong bài thi thực hành nghề điện tử. Phòng thi máy lạnh mà bạn nào cũng toát mồ hôi. “Phải ráp nhanh, các mối hàn đẹp và quan trọng là phải chính xác để mạch có thể vận hành được sau khi hoàn thành” - Trường Giang nói.

Giám khảo đã nói

* “Nghề điều dưỡng luôn có nhu cầu cao, cơ hội việc làm rộng mở vì không chỉ phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại bệnh viện mà còn ở các hộ gia đình. Điều dưỡng viên cũng có cơ hội xuất khẩu lao động, làm việc tại các nước Nhật, Đức, Canada”.

PGS.TS CAO VĂN THỊNH(trưởng khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

* “Chúng tôi có thay đổi một chút trong bài thi chính thức so với đề đã được gửi trước cho các bạn luyện tập. Điều đó giúp đánh giá được thao tác cũng như kỹ năng xử lý của thí sinh trong quá trình thi”.

ThS NGUYỄN THÁI BÌNH (Trường cao đẳng Nghề TP.HCM)

* “Trong làm nghề, kỹ năng, thao tác của người thợ phải được luyện tập một cách thuần thục để trở thành kỹ xảo là yêu cầu quan trọng. Bài thi chính là cơ hội để các bạn luyện tập thao tác thành thói quen, kỹ xảo”.

ThS ĐỖ CHÍ PHI(Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng)

Khác với các nghề khối kỹ thuật, khu vực thi nghề điều dưỡng lặng yên đến có thể nghe được từng tiếng bước chân rất nhẹ. Lần đầu tiên được tổ chức nhưng có đến 30 thí sinh dự thi thực hành các kỹ thuật băng bó, chăm sóc vết thương, tắm, thông tiểu... cho bệnh nhân. Do mỗi khâu chỉ có thời gian năm phút nên ai cũng tập trung cao độ, mắt chăm chú, tay thoăn thoắt thực hiện thao tác. Thở phào nhẹ nhõm bước ra khỏi phòng thi, Lâm Văn Minh (Trường trung cấp Quang Trung) cho hay các kỹ thuật thi đều sát với chương trình học và thực hành nên vượt ải khá tốt.

Tự tin chọn nghề

Dự thi nghề hướng dẫn viên du lịch, bạn Nguyễn Thị Trang (Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) cho biết sau khi không đậu đại học, Trang đã nộp hồ sơ vào hệ trung cấp ngành này và giờ bạn tự tin: “Tôi đã lựa chọn đúng, phù hợp sở trường của mình, quan trọng là có thể nhanh chóng đi làm phụ giúp gia đình”. Còn Lâm Văn Minh vốn mê làm bác sĩ nhưng sức không đủ vào đại học nên chọn ngành điều dưỡng vì “công việc này cũng giúp tôi được gắn bó, chăm sóc người bệnh đúng như ước nguyện từ hồi bé”.

Bạn Văn Tuấn Hùng (Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm) thú nhận ham chơi hơn ham học nên dở dang việc học từ năm lớp 9. Thế rồi đi tìm hiểu thấy học điện công nghiệp xong có thể thi công các công trình điện trong các tòa nhà cao tầng, hệ thống điện gia đình cũng hay hay nên quyết định theo nghề.

Với chàng trai Ngô Hồng Quân (trung cấp nghề ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chỉ vì muốn mày mò khám phá xem những chiếc máy hát, loa thùng có gì trong đó mà đã chọn nghề điện tử. “Càng học càng khám phá thêm những điều mới, trả lời được những thắc mắc của mình trước đó nên càng khoái hơn nữa” - Quân bày tỏ.

Quệt mồ hôi sau khi hoàn tất phần thi nghề công nghệ ôtô, bạn Phan Hòa Thanh (Trường cao đẳng Nghề TP.HCM) cho biết gia đình chỉ muốn bạn học ngành kinh tế nhưng bạn quyết chỉ theo học nghề. “Đơn giản là do thích thôi, nghĩ đến việc hằng ngày được thao tác trên xe hơi, thấy thích thích nên đăng ký, càng học càng thấy hay” - Thanh gãi đầu kể.

Đầu tư tốt cho nghề

Kiên nhẫn ngồi đợi, khi thấy học trò ra khỏi phòng thi, ông Thái Kim Trọng (Trường trung cấp nghề Nhân Đạo) không vội hỏi kết quả mà tận tay đưa học trò từng chai nước và động viên vì học trò đã hoàn thành bài thi. “Cũng không có nhiều thời gian tập luyện nên tôi dặn các em phải thật bình tĩnh, cố gắng hết khả năng, vì hội thi không chỉ để tranh tài mà còn là cơ hội học hỏi thêm từ bạn bè các đơn vị khác” - ông Trọng chia sẻ.

Năm chàng trai đội tuyển thi điện công nghiệp của Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức được thầy trưởng khoa điện - điện tử Tôn Ngọc Triều dẫn đi thi. Ông Triều cho biết đã có nhiều vòng thi cấp trường để chọn ra năm thành viên đội tuyển với tiêu chí: “không chỉ học giỏi mà còn phải có tác phong, đạo đức đúng mực”.

Trong khi đó, để giúp đăng cai phần thi nghề điện lạnh, lãnh đạo Trường cao đẳng Nghề TP.HCM đã quyết định sắm luôn gần chục dàn máy lạnh mới cho thí sinh thi phần lắp ráp máy. Còn ngày thi thực hành điện công nghiệp, trừ giáo viên có giờ lên lớp, còn lại tất cả giáo viên khoa điện - điện lạnh (Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) đều được huy động để phục vụ các phòng thi. Ông Nguyễn Công Thành (trưởng khoa điện - điện lạnh) cho biết: “Dù không có thù lao nhưng chúng tôi xác định phải tổ chức thật tốt, không để bất kỳ sơ suất nào suốt quá trình thi. Không chỉ thí sinh đi thi mới được học mà chính cán bộ, giáo viên trẻ của khoa khi coi thi cũng có cơ hội học thêm từ thực tế để bổ sung cho bài giảng của mình”.

Vinh danh 75 học sinh giỏi nghề

Thành đoàn TP.HCM cho biết: có 75 học sinh đã đoạt giải tại hội thi “Học sinh giỏi nghề” lần 5-2013 với 13 giải nhất, 13 giải nhì, 14 giải ba và 35 giải khuyến khích. Hội thi năm nay có 448 học sinh của 36 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và học sinh hệ trung cấp nghề một số trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM cùng tham gia tranh tài.

Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã xuất sắc giành giải nhất tập thể, giải nhì là Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, giải ba được trao cho Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cùng hai giải khuyến khích thuộc về Trường trung cấp Phương Nam và Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm.

Các thí sinh xuất sắc sẽ được vinh danh và trao giải vào tối 5-5 trong khuôn khổ ngày hội “Hướng nghiệp, dạy nghề” lần 1-2013 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên diễn ra cùng ngày.

Q.LINH

Q.LINH - B.THANH - H.THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên