Phóng to |
Cô Đỗ Thanh Thúy trong tiết dạy tiếng Anh ngoài lớp học cho học sinh lớp 5A Trường tiểu học Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Khi dạy bài “Nghề nghiệp” cho HS lớp 5, hầu hết giáo viên tiếng Anh đều chọn những nghề nghiệp thật dễ miêu tả như nghề giáo, nghề bác sĩ, công nhân... Cô Thúy thì khác. Cô tìm tới vài nhà dân trong xã hỏi cách trồng lúa rồi xin hạt giống về tự trồng. “Thú thật, tôi cũng chưa bao giờ biết người nông dân đã trồng nên cây lúa và làm ra hạt gạo ra sao. Mọi thứ trước đây chỉ là lý thuyết. Tôi muốn thử và muốn HS của mình cũng thử để biết về nghề trồng lúa nước, nghề truyền thống lâu đời nhất của người dân Việt”.
Giờ học “tích hợp”
Trồng thành công, cô đem hạt giống vào lớp học và phát cho các HS của mình, hướng dẫn các em cách gieo hạt lúa: ngâm hạt giống trong nước 24 tiếng, vớt ra ủ trong vải ướt 24 tiếng rồi gieo vào đất. Sau một tuần, mỗi HS mang một chậu nhựa với những đám lúa xanh non đến lớp.
Các HS lần lượt chia sẻ kinh nghiệm của mình bằng tiếng Anh, chọn đất thế nào, gieo hạt ra sao. Có em buồn rầu bảo “cô ơi, cây lúa của con bị chuột cắn hư rồi”. Có em trồng thiếu ánh sáng nên lúa héo úa, vàng vọt. Cô giáo tự nhận mình tham lam khi muốn “tích hợp” thật nhiều thứ vào bài giảng: HS được hiểu rõ về nghề trồng lúa nước, HS có thể diễn đạt bằng tiếng Anh về nghề này, HS biết được người nông dân phải khổ cực để làm ra hạt thóc và từ đó biết quý trọng bát cơm mình ăn hằng ngày.
"Tôi rất ấn tượng khi được tham dự giờ dạy của cô Thúy. Tôi thật sự thích cách cô Thúy tích hợp tiếng Anh qua bài học, cô tạo ra một lớp học tuyệt vời mà HS là trung tâm. Cô cũng liên tục khen ngợi HS một cách rất chân thành, tạo ra một động lực khiến HS ham mê học tiếng Anh hơn. Thúy với tình yêu dành cho giảng dạy, cùng với cách mà cô chăm sóc, mang lại cảm hứng cho người học và cô ấy là người chiến thắng xứng đáng của giải thưởng Star năm nay" Ông David Kaye |
Giờ ngoại khóa. Cô Thúy cho HS trang trí lớp học thành một... nhà hàng đọc (reading restaurant). Là nhà hàng nên có thực khách, có nhân viên, thực đơn là những mẩu chuyện, cuốn sách bằng tiếng Anh. Khách hàng đi chung, gọi chung một “món” và nhân viên sẽ phục vụ bằng cách đọc thật trôi chảy “món” mà khách chọn.
Học trò thích thú khi được đội nón, thắt lưng, mang tạp dề y như đang làm việc ở một nhà hàng thật sự. Các em chào hỏi nhau và đóng vai rất đạt. Cô Thúy chia sẻ: “HS hiện nay hơi lười đọc nên đây là cách giúp các em đọc và nhớ các câu chuyện trong sách. Việc sắm vai cũng khiến HS dạn dĩ hơn, giao tiếp tốt hơn”.
Đổi mới từ những điều giản đơn
Mỗi giờ học của cô Thúy như một cuộc chạy đua với thời gian khi cô giáo thay đổi vị trí liên tục, đặt câu hỏi liên tục và khuyến khích HS giơ tay thật nhanh, lên bảng thật nhanh, phát biểu thật nhanh. Nhờ vậy lớp học trở nên sôi động và luôn làm HS phấn khích hẳn lên vì những trò chơi, những câu đố vui hay những hoạt động kết hợp vận động như hát và múa. HS nhớ từ vựng tốt hơn khi chơi trò “Rung chuông vàng”, cả lớp sẽ đoán từ bằng gợi ý của giáo viên. Trả lời sai sẽ bị loại và bước ra khỏi vòng tròn, nhưng luật chơi cũng thật “dễ thương” khi thí sinh đã bị loại xung phong trả lời đúng sẽ được quay lại “sàn đấu”.
Để HS biết cách đặt câu, cô Thúy đưa ra một mệnh đề: “Có hai mùa ở TP.HCM”. Mỗi HS sẽ nối những câu tiếp theo để thành một bài văn. “Hai mùa đó là mùa mưa và mùa nắng”. Một HS khác nói: “Tôi thích mùa nắng”. HS tiếp theo hào hứng: “Vì tôi được đi tắm biển”. “Và cả thả diều nữa”...
Lớp học trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Cô giáo đem vào lớp cả bộ đồ chơi bowling, HS nào trả lời đúng câu hỏi sẽ được ném bóng và ghi điểm. Hay trò chơi “đi tìm mật thư” mà cô giáo đã bí mật dán lên các cột ở sân trường, trò đi tìm người bạn cùng sở thích...
Đó là những sáng tạo mà mỗi ngày cô Thúy mang đến cho lớp học của mình. Cô nói: “Chỉ cần giáo viên chịu khó áp dụng những kiến thức đã được tập huấn hay học những kinh nghiệm của các đồng nghiệp giỏi cho bài dạy của mình thì đó chính là đổi mới chứ không phải những thứ cao xa nào khác”.
Trong đầu cô giáo ngoài 40 tuổi này luôn có câu hỏi: “Ngày mai mình sẽ mang điều gì đến lớp? Làm sao để HS thích học tiếng Anh?”. Thương học trò trường huyện ít cơ hội tiếp cận người bản ngữ, cô mạnh dạn mời một người bạn là giáo viên người Anh đang giảng dạy ở một trung tâm ngoại ngữ lớn tại TP.HCM về giao lưu một buổi với HS của mình. “Khỏi phải nói các em vui thích như thế nào”, cô Thúy kể lại trong niềm hân hoan.
Cứ như thế, cô tận tụy mang những điều giản dị ấy đến với học trò của mình như con ong cần mẫn.
Cô Đỗ Thanh Thúy - giáo viên Trường tiểu học Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM - vừa xuất sắc đoạt giải quán quân Hội thi tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học tại TP.HCM (Star Award), vượt cả những giáo viên dạy tiếng Anh ở các quận trung tâm, với giải thưởng là một chuyến tham quan Anh do Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge tài trợ. Cô Thúy là giáo viên đạt được cùng lúc bốn tiêu chí của giải thưởng Star: sáng tạo (sensitivity), tinh thần tập thể (teamwork), ý thức dạy học (awareness) và tính trách nhiệm (responsibility). Ông David Kaye, giám đốc phát triển đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (Tập đoàn giáo dục Pearson), giám khảo của cuộc thi Star Award, đã phải quay lại Trường Xuân Thới Thượng thêm một lần nữa để được dự giờ dạy của cô Thúy và biết thêm về những điều mới lạ mà cô mang đến cho HS của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận