18/02/2013 08:00 GMT+7

Tôi không giật mình câu Thủ tướng hỏi

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - “Câu hỏi của Thủ tướng nhắc nhở chúng tôi cần khảo sát, nghiên cứu cách thức tổ chức thực hiện tốt hơn để chính sách đã có thì phải đến được với bản thân các cháu, hỗ trợ thiết thực cho việc học tập của các cháu”.

o64oqSwT.jpgPhóng to

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: NAM LONG

Bà PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện học sinh thiếu gạo ăn. Bà Chuyền nói:

- Tôi cho rằng câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 hôm 7-1 khiến mỗi người có trách nhiệm đối với trẻ em khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người phải suy nghĩ và trăn trở tìm lời giải.

“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. Đó là câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 7-1.

Câu hỏi của Thủ tướng ngay sau đó đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ. Ngày 26-1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan kiểm tra sự việc Tuổi Trẻ nêu, nếu đúng phải có biện pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25-2.

Theo quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học trong các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này được hỗ trợ tiền ăn hằng tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá chín tháng/năm học. Nếu tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá chín tháng/năm học. Với mức lương tối thiểu chung năm 2012 là 1.050.000 đồng thì hằng tháng mỗi cháu được hỗ trợ tiền ăn là 420.000 đồng và nếu phải tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ thêm 105.000 đồng. Với mức hỗ trợ tiền ăn như vậy thì nếu nhà trường, địa phương có phương án tổ chức tốt, các cháu không phải mang gạo, mang mì tới trường.

* Được biết, bộ trưởng đã đi thực tế sau khi Thủ tướng nêu ra câu chuyện này?

- Ngày 18-1 vừa qua, tôi cùng đoàn công tác của Phó chủ tịch nước thăm và tặng quà gia đình người có công, người nghèo tại xã Pa Vệ Sủ - một xã nghèo thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại đây, khi thăm trường nội trú, tôi thấy trường có cách tổ chức rất hay cho đời sống, sinh hoạt của các cháu. Với hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước, các thầy cô đứng ra tổ chức nấu ăn cho học sinh. Ngày 28-1, tại hội nghị rà soát các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội và dạy nghề khu vực Tây Bắc tổ chức tại Yên Bái, phó chủ tịch tỉnh Yên Bái cũng cho biết tỉnh quy định mỗi lớp học có dưới 30 học sinh bán trú thì thầy cô giáo lo giúp việc tổ chức ăn uống, sinh hoạt cho các cháu. Đối với lớp có trên 30 học sinh thì tỉnh cho một biên chế hợp đồng giúp nấu ăn cho các cháu.

Như vậy là chính sách đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện để chính sách có hiệu quả. Để các cháu được chăm sóc tốt hơn từ chính sách của Nhà nước thì phải có sự chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức như nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương và từ chính gia đình các cháu.

* Liệu việc đi thực tế của bộ trưởng như vậy có nắm bắt được hết tình hình không khi mà có thể địa phương đã bố trí cho bộ trưởng tới những nơi đang thực hiện tốt, trong khi báo chí phản ánh vẫn có những nơi bữa ăn của các cháu không được bảo đảm?

- Mỗi chuyến công tác địa phương thời gian không được dài và chỉ có thể đến được một vài nơi. Thực tiễn cuộc sống là phong phú và đa dạng. Các nhà báo có điều kiện đi được nhiều nơi và nhiều nhà báo thì đi được rất nhiều nơi nên phản ánh của báo chí chắc là sẽ toàn diện và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đến thăm được những nơi thực hiện tốt cũng là rất hay vì chính sách tốt cần có cách thực hiện tốt. Từ phát hiện của báo chí về những nơi chưa thực hiện tốt và từ phát hiện của chúng tôi về những cách thực hiện tốt sẽ giúp cho việc đúc kết mô hình, chỉ đạo để địa phương làm chưa tốt triển khai tốt hơn các chính sách hỗ trợ các cháu.

Tôi tin rằng với cách làm của tỉnh Yên Bái, với cách các thầy cô giáo ở trường nội trú Pa Vệ Sủ thì ở rất nhiều địa phương, các cháu không phải mang ngô, mang khoai, mang gạo tới lớp. Nếu báo chí phản ánh cả những mô hình triển khai tốt và những nơi chưa làm được thì xã hội sẽ hiểu đầy đủ hơn về sự chăm lo của Nhà nước đối với các cháu học sinh vùng đồng bào dân tộc.

* Câu hỏi của Thủ tướng đưa ra khiến rất nhiều người day dứt. Bản thân bộ trưởng có cảm thấy giật mình khi Thủ tướng nêu ra câu hỏi đó không?

- Tôi không giật mình vì vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong hội nghị của Chính phủ về việc xem xét chính sách và cách tổ chức đời sống, sinh hoạt cho các cháu con em vùng đồng bào dân tộc. Câu hỏi của Thủ tướng nhắc nhở chúng tôi cần khảo sát, nghiên cứu cách thức tổ chức thực hiện tốt hơn để chính sách đã có thì phải đến được với bản thân các cháu, hỗ trợ thiết thực cho việc học tập của các cháu.

* Sau khi nghe ý kiến của đại diện 12 tỉnh tại hội nghị ở Yên Bái, tới đây bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh những bất cập gì trong chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, trong đó có việc đảm bảo cơm ăn, sách vở cho học sinh vùng cao?

- Tại hội nghị ở Yên Bái, các địa phương đều đánh giá rằng nhìn chung các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thời gian vừa qua đem lại các hiệu quả, từ chính sách đối với hộ nghèo, chính sách đối với đồng bào dân tộc đến chính sách đối với học sinh, sinh viên, con em hộ nghèo... Tuy nhiên, đã đến lúc cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách và hình thức hỗ trợ bởi ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng một số hộ nghèo ỷ lại, không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo. Một số chính sách đối với hộ cận nghèo đã có nhưng chưa đủ mạnh để giúp họ thoát nghèo bền vững, ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo còn mong manh. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2013, bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị tại vùng Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và tại Tây Nam bộ, sau đó bộ sẽ tổng hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan và đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp.

Đề xuất ứng trước tiền hỗ trợ học sinh miền núi

Ngày 17-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Quý - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đã họp và gửi công văn yêu cầu các sở GD-ĐT tám tỉnh miền núi phía Bắc gồm Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn tổ chức rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh miền núi xem có những vướng mắc, khó khăn nào và tình hình triển khai cụ thể đạt mục tiêu đến đâu. Đến thời điểm này, tuy chưa có đầy đủ báo cáo của cả tám địa phương, nhưng những báo cáo đã gửi về cho thấy có thực trạng về việc triển khai chậm một số chính sách hỗ trợ học sinh miền núi.

Theo ông Dương Văn Bá - phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ GD-ĐT, một số báo cáo thừa nhận việc ban hành các thông tư hướng dẫn về việc hỗ trợ học sinh miền núi (như hỗ trợ tiền ăn cho học sinh mầm non, học sinh miền núi, học sinh các trường dân tộc nội trú...) ban hành chậm, cộng với sự chậm trễ trong triển khai tại địa phương khiến việc hỗ trợ cho học sinh trong năm 2011 không đạt mục tiêu. Tuy nhiên, những khó khăn này đã từng bước được tháo gỡ trong năm 2012.

“Thực tế, nếu triển khai cấp hỗ trợ tiền ăn cho học sinh đúng như quy định của Bộ Tài chính, nhiều tỉnh cho biết sau khi thống kê học sinh, rồi chờ dự toán, cấp phát..., có thể đến tận tháng 6 học sinh mới nhận được phần hỗ trợ tiền ăn. Do đó, trong báo cáo Thủ tướng tới đây, Bộ GD-ĐT dự định sẽ đề xuất việc áp dụng phương án các tỉnh chỉ đạo để địa phương ứng tiền chi trả cho các em trước và đặc biệt sẽ chi trả hằng tháng để các em học sinh bảo đảm được bữa ăn hằng ngày” - ông Bá nói.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng cho hay dự kiến ngày 19-2, Bộ GD-ĐT sẽ có báo cáo tổng hợp tình hình cụ thể từ tám địa phương để báo cáo lên Thủ tướng.

NGỌC HÀ

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên