Hồi mới gặp chị Đinh Thị Tuyết Đào, tôi ngờ ngợ như quen thân người phụ nữ này từ lâu lắm. Chị hay cười, kiểu cười giòn tan của những người còn trẻ, nhiệt thành và sôi nổi. Mà chị thì không còn trẻ nữa. Ngót nghét ngoài 40 rồi chứ ít gì. Tôi thường ghé nhà chị vào những ngày rảnh. Khi thấy chị ngồi tỉ mẩn đan len, lúc khác lại lúi húi dọn bàn cơm cho cả nhà hoặc trườn người xuống những bậc cầu thang gỗ tiếp khách. Cuộc sống cứ quay vòng như vậy. Ngỡ bình yên nhưng không hề. Có điều chị hay bảo với tôi rằng bình yên hay không là do tự lòng mình, kiểu như: “Than vãn chẳng làm nên điều gì cho mình cả”. Mà đúng thế thật. Tôi chưa nghe chị than vãn bao giờ dù rằng đời chị thì trúc trắc quá chừng.
"Than vãn chẳng làm nên điều gì cho mình cả" |
Nhà chị nghèo lại đông anh em. Mới chừng 3 tuổi chị bị sốt bại liệt dẫn đến đôi chân teo tóp dần. Sau này người ta phải gắn thêm nẹp sắt cố định chân nhưng chẳng ăn thua. Chị vẫn phải lết từng đoạn một, khá lắm thì vịn tường đứng thẳng được dăm phút, cặp nạng nhích từ từ năm, mười bước đã đau thấu xương. Khi còn bé, chị được cha cõng đi học mỗi ngày. 12 tuổi, chị mồ côi cha. Ráng lắm cũng chỉ hết phổ thông là chị nghỉ. Mẹ chị bị bệnh phổi mãn tính. Hai mẹ con sống nhờ vào cửa hàng văn phòng phẩm do chị đứng bán ngay trước cổng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM) thời đó. Chị thường kể tôi nghe những ngày rất dài và rất lạnh, chị một mình lết bộ đi lấy hàng, thuê xe ôm chạy qua những quãng đường đầy sình lầy mà tủi thân khôn tả. Chị lo chuyện bếp núc, cửa hàng, thuốc men cho mẹ riết thành quen đến độ có lúc quên mất chân mình đau vào những ngày trời trở gió. Mà ngộ, lần nào kể đến mấy cái đoạn buồn thôi là buồn đó, chị lại cười: “Không được nản”. Câu này chị tự dặn mình mấy chục năm nay.
Chị lấy chồng. Đó là khoảng năm 1996. Anh Phước, chồng chị, hiền khô, chăm chỉ và luôn cảm thông cho vợ. Đi đâu người ta cũng khen chị tốt phước. Chị cười giòn tan: “Đúng là tốt phước thật”. Chị đến với nghề đan, móc len khi cả nhà đang điêu đứng chẳng biết lấy gì để sống tiếp. Từ học việc, thợ phụ, chị lên thợ chính và mở luôn cơ sở len Phước Đào tại nhà. Hai cậu con trai Nguyễn Hữu Toàn, Nguyễn Đinh Toàn Gia Bảo đã lớn lên, đi học, đi chơi nhờ đôi tay đan len của mẹ. Hầu như lần nào gặp tôi, Gia Bảo cũng kéo tay chỉ trỏ những món hàng chị mới đan xong với vẻ thích thú và tự hào lắm.
Ấp ủ suốt mấy năm, cuối cùng chị cũng mở được một lớp dạy đan, móc len ngay tại nhà với 10 học viên. Học phí chỉ lấy tượng trưng vì mọi người nài nỉ dữ quá. Vài em sinh viên hoàn cảnh khó khăn, những chị khuyết tật mong muốn có cái nghề để ổn định cuộc sống khi tìm đến, chị lại vồn vã nói cười: “Không cần tiền bạc gì đâu, cứ tới đây cô chỉ cho đan”. Mà kỳ thực, gia đình chị vẫn còn nhiều khó khăn. Trong nhà anh Phước vun vén bếp núc, chị gánh vác chi phí ăn học cho con. Sức khỏe chị lại chẳng được tốt.
Có hôm tôi ghé thấy cả nhà bày biện la liệt len là len. Chị trườn qua góc này, lê mình về góc khác hướng dẫn từng người đan. Mồ hôi lấm tấm mà nụ cười giòn tan ấy của chị vẫn thường trực trên môi. Cũng có khi tôi ghé chị vì buồn và tuyệt vọng, nhưng thấy chị cười, bàn tay chị nắm tay tôi siết chặt rồi nói một câu: “Không được nản”, thế là tỉnh người.
Tôi biết không riêng gì mình, nụ cười đó, câu nói đó của chị đã và đang truyền sức sống, tinh thần lạc quan cho rất nhiều người, nhất là các anh chị em đồng cảnh với chị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận