20/01/2013 07:25 GMT+7

Lớp học ven sông

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Bên bờ sông Cửa Tiền (TP Vinh, Nghệ An) um tùm lau cỏ xuất hiện một “lớp học tình thương” khá đặc biệt. Giáo viên của lớp học này là các sinh viên tình nguyện.

ON0yj7En.jpgPhóng to

Lớp học chiều thứ bảy - Ảnh: V.T.

Nói là lớp học nhưng thật ra đây là cái chòi dựng tạm bên bờ sông, có cô và có trò. Xung quanh chòi thưng những tấm nứa và lá cọ khô.

Nghe tôi hỏi về “lớp học tình thương”, cô Lê Thị Cẩm Tú - 19 tuổi, sinh viên năm 3 khoa kinh tế Trường đại học Vinh - cho hay: “Bến sông này có mười em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là con của bốn gia đình vạn chài từ Quảng Bình ra đây kiếm sống bằng nghề sông nước. Hơn 20 năm rồi bốn gia đình này vẫn không có hộ khẩu nên mặc dù phải kiếm ăn từng ngày nhưng họ vẫn không có một chế độ gì của hộ nghèo. Các em đi học xa, gia đình thì trôi nổi bờ sông này, bến sông nọ nên đã có một số em bỏ học. Nghĩ về tương lai của các em nên Câu lạc bộ thành Vinh góp tiền mua tranh tre nứa dựng cái chòi này từ năm 2011 và chọn các bạn sinh viên tình nguyện đến đây làm... cô giáo”.

Một lớp học nhỏ với mười học sinh nhưng có tới mười cô giáo đang học tại các trường ĐH Vinh, ĐH Y khoa Vinh và ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh thay nhau đến dạy. Quả là kỳ lạ. Mỗi tuần, lớp học có ba buổi vào chiều thứ tư, thứ bảy và chủ nhật.

Cứ đúng 14g, có bốn cô giáo đạp xe đến lớp học. Cô Tú phụ trách lớp chiều thứ bảy cho biết: “Ngoài mười giáo viên này còn có ba giáo viên dự bị, phòng khi các giáo viên chính có việc đột xuất, không đến lớp được thì ba giáo viên này thay thế”.

Trong lớp học, mỗi cô ngồi kèm một em. Các cô giảng giải, học sinh tranh luận nhưng không hề ồn ào bởi giáo viên nào, học trò ấy đều chăm chú vào nội dung của riêng mình. Chỉ vào học sinh bé nhất lớp có gương mặt sạm nắng, mái tóc quăn và khô, cô Tú giới thiệu: “Đây là em Lê Thị Oanh, học sinh giỏi lớp 3 Trường tiểu học Vinh Tân. Oanh nhanh nhẹn, tiếp thu nhanh nhưng trước đây thường hay bỏ học đi cất tép bên bờ sông nên không có thành tích. Từ khi có lớp học, được tụi em chỉ bảo, kèm cặp, Oanh trở thành học sinh giỏi của trường”.

Hỏi chuyện lớp học, cô Tú tâm sự: “Từ khi gây dựng lớp học này, tụi em quen luôn việc lái đò vì nhiều hôm giáo viên phải chèo đò đi đón học sinh từ các bến sông khác về học để tạo nề nếp và chất lượng. Những lần đón như vậy tụi em mua quà, bánh để khuyến khích các em nhớ thường xuyên đến lớp học. Riêng những ngày chuẩn bị thi học kỳ hoặc chuyển cấp, tụi em lên lớp từ chiều đến tối. Em nào học giỏi thì được câu lạc bộ trao quà trong dịp câu lạc bộ tổ chức du ngoạn trên sông”.

Các gia đình vạn chài bên bờ sông Cửa Tiền đã xem các cô giáo trong Câu lạc bộ thành Vinh như con cái trong nhà. Cô Tú nói: “Dân tin việc làm tình nguyện của mình thì mình ráng kèm các em cho xứng đáng với hai chữ tình nguyện. Trước đây, cũng có một số tổ chức đến mở lớp học nhưng rồi bỏ đi do không đủ kiên trì”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên