Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải đóng học phí cao như các trường ngoài công lập - Ảnh: Minh Giảng |
N.C.T. - sinh viên năm nhất bậc CĐ ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết thi ĐH được 14 điểm, rớt ĐH và nộp hồ sơ xét tuyển vào bậc CĐ của trường này. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, T. và gia đình mới tá hỏa vì học phí học kỳ đầu phải đóng lên đến 6 triệu đồng.
“Tôi nghĩ đây là trường công lập nên học phí cũng như các trường công lập khác, đâu ngờ cao như vậy. Trúng tuyển rồi, gia đình cũng ráng thu xếp cho theo học chứ lúc đó các trường công lập khác đã xét tuyển xong rồi” - T. cho biết.
Cao hơn tư thục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trong hệ thống quản lý của Bộ GD-ĐT chỉ có hai loại hình trường đó là công lập và tư thục. Trường công lập buộc phải thu học phí theo quy định chung áp dụng cho từng ngành nghề, trường tư thục được tự quyết định mức học phí. Ngay cả các trường được tự chủ chi thường xuyên vẫn phải thu học phí theo quy định, không được thu cao hơn. Điều này sẽ khiến các trường gặp khó khăn nhưng được bù lại bằng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ ngân sách. |
Mức học phí ĐH của trường này cũng tương đương CĐ. Như vậy, học phí một năm học của trường khoảng 12 triệu đồng (tùy số tín chỉ sinh viên đăng ký). Nếu so với nhiều trường tư thục, mức học phí này còn cao hơn dù là trường công lập. Ở khóa 2007-2011, học phí của trường chỉ dao động ở mức 3-4 triệu đồng/năm.
Chúng tôi thử vào trang web của trường tìm thông tin học phí thì chỉ có văn bản quy định mức học phí theo tín chỉ, không có ước tính chung học phí cho từng học kỳ, từng năm. Điều này khiến thí sinh gặp khó khăn khi chọn trường bởi chưa thể biết học tín chỉ là thế nào, quy định số tín chỉ ra sao để có thể tính ra mức học phí phải đóng.
Đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp (trực thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) là trường duy nhất còn mang danh bán công. Tuy là bán công nhưng học phí của trường còn cao hơn cả nhiều trường CĐ tư thục hoặc bậc CĐ trong trường ĐH tư thục. Năm học 2012-2013, học phí của trường này là 3,6 triệu đồng/học kỳ đối với khối ngành công nghệ và 3,3 triệu đồng/học kỳ đối với khối ngành kinh tế và ngoại ngữ.
Lý giải về vấn đề này, TS Đặng Chí Chơn - hiệu trưởng nhà trường - cho biết nếu so với trường tư thục tại TP.HCM thì học phí của trường không cao hơn, chỉ cao hơn các trường tư ở địa phương (tỉnh). Sở dĩ học phí các trường địa phương thấp là vì họ ít sinh viên và chấp nhận thu học phí thấp để thu hút người học!
Trong khi đó, cũng từ trường bán công được chuyển sang loại hình trường công lập tự chủ tài chính, học phí học kỳ I năm học 2012 các ngành của Trường ĐH Mở TP.HCM dao động từ 2,5-3,6 triệu đồng (tùy ngành). Mức học phí này cũng tương đương Trường ĐH Tài chính - marketing. Ở bậc ĐH, học phí 5,5 triệu đồng/năm và CĐ 3 triệu đồng/năm. Học phí của hai trường này tương đối so với học phí các trường ĐH công lập thu học phí theo quy định.
Tên công lập, học phí tư thục
Lý giải về mức học phí cao của trường, bà Trịnh Minh Huyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng do trường là mô hình trường công lập tự chủ tài chính, do cơ chế đặc thù nên học phí do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến cho phép trường được tự quyết định mức thu tài chính và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật như trường ngoài công lập.
“Từ khi thành lập đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất đều do trường xây dựng và không được cấp kinh phí xây dựng cơ bản. Trường vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới với phòng ốc khang trang kèm các tiện ích như hồ bơi, ký túc xá, nhà thi đấu, kinh phí bảo trì bảo dưỡng... nhằm phục vụ sinh viên tốt hơn nên học phí cũng phải tăng.
Với số tiền đã vay đầu tư xây dựng trường phải khấu hao trong 30 năm. Trước đây trường thu một mức học phí cho cả khóa học nhưng từ năm nay trường sẽ cân đối chi phí để tính toán mức học phí hợp lý. Học phí này sẽ được công bố trước khi tuyển sinh để thí sinh cân nhắc điều kiện của mình trước khi dự thi vào trường” - bà Huyền giải thích thêm.
TS Đặng Chí Chơn cho biết mức học phí hiện nay vẫn chưa đủ chi. Mặc dù mang danh là trường bán công nhưng thực tế trường hoạt động như trường tư thục vì không nhận được đầu tư từ ngân sách.
“Khi xóa bỏ loại hình bán công, trường nhận được chủ trương chuyển sang công lập. Tuy nhiên sau đó UBND TP.HCM lại chỉ đạo chuyển trường sang loại hình tư thục. Từ đây, cổ đông và nội bộ trường xào xáo và đến nay đề án chuyển sang trường tư thục vẫn chưa hoàn thành. Cũng chính vì vậy mà trường vẫn mang danh bán công nhưng hoạt động theo mô hình tư thục, học phí cũng vậy” - ông Chơn nói thêm.
Trong khi đó, PGS-TS Hoàng Trần Hậu, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - makerting, cho biết bản chất của trường là công lập hoàn toàn. Mặc dù là trường công lập tự chủ tài chính nhưng theo cơ chế hiện nay trường mới tự chủ chi chứ chưa được tự chủ thu, vẫn nhận kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ Bộ Tài chính.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng cần xác định tên gọi loại hình trường chính xác hơn hoặc yêu cầu các trường công khai học phí trong tài liệu Những điều cần biết... về tuyển sinh như các trường ngoài công lập để thí sinh dễ dàng tham khảo.
Rõ ràng cùng loại hình trường nhưng học phí của các trường chênh nhau rất lớn. Thí sinh muốn vào trường công lập với mục đích giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình nhưng học phí như trường tư thục thì sẽ có nhiều sinh viên gặp khó khăn.
Giao lưu với các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia Buổi giao lưu diễn ra từ 9g-11g30 sáng nay 28-11 trên Tuổi Trẻ Online, với sự tham dự của các khách mời: bạn Phan Minh Đức - vô địch Olympia 2010, hiện đang học năm 2 cử nhân tài chính kế toán tại ĐH Swinburne; bạn Đặng Thái Hoàng - vô địch Olympia 2012, chuẩn bị đi du học tại ĐH Swinburne chuyên ngành kỹ sư; bà Bùi Thị Như Huyền - trưởng đại diện văn phòng đại diện ĐH Swinburne tại VN; bà Đàm Thị Mai Trúc - điều phối viên cao cấp, phát triển giáo dục ĐH Swinburne. Buổi giao lưu - do Tuổi Trẻ Online phối hợp với Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) tổ chức - sẽ chia sẻ kinh nghiệm học tập để thành công của các “nhà leo núi”, kinh nghiệm du học, học tập ở nước ngoài; cung cấp thông tin về các dịch vụ, cơ hội học tập và học bổng tại Swinburne, những hỗ trợ dành cho sinh viên trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp... Mời bạn đọc vào trang tuoitre.vn để đặt câu hỏi và theo dõi nội dung giao lưu. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận