01/11/2012 06:55 GMT+7

"Thầy già" xếp sau "thầy trẻ"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Người hướng dẫn 1 phải là cán bộ đương chức của nhà trường, có độ tuổi không quá 57 với người hướng dẫn là TS, TSKH và không quá 62 tuổi với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS.

qSZws09H.jpgPhóng to
Hai nghiên cứu sinh Trần Thị Thu Trang và Bùi Thị Trang (từ trái qua) của Viện công nghệ sinh học thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) nghiên cứu về mủ cao su - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa có thông báo mới về hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Giới hạn về độ tuổi người hướng dẫn 1 của nghiên cứu sinh (NCS), yêu cầu NCS luôn bảo đảm phải có ít nhất một người hướng dẫn đương chức tại trường - là những thay đổi mới khiến một số thầy cô tự nhận là “quá tuổi” cho rằng mình bị gạt ra khỏi hệ thống khoa học một cách vô lý.

“Sợ nghiên cứu sinh bơ vơ”

Theo thông báo này, người hướng dẫn 1 phải là cán bộ đương chức của nhà trường, có độ tuổi không quá 57 với người hướng dẫn là TS, TSKH và không quá 62 tuổi với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS. Ngoài ra, NCS phải luôn có ít nhất một người hướng dẫn là cán bộ đương chức của nhà trường, nếu không bảo đảm sẽ phải xem xét bổ sung người hướng dẫn.

Trao đổi với báo chí trước ý kiến phản hồi chủ trương “có vẻ đẩy “thầy già” vào thế khó”, GS Nguyễn Trọng Giảng - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng việc đặt ra quy định này xuất phát từ chính tình hình nghiên cứu thực tế tại nhà trường. “Quy định của trường là người làm TS toàn thời gian phải có 100% thời gian làm việc tại trường (trong ba năm), với người đào tạo nghiên cứu không tập trung (bốn năm) thì cũng phải sắp xếp để bảo đảm thời gian làm việc tại trường đủ ba năm, trong đó 12 tháng đầu tiên tập trung liên tục tại trường. Trong đợt kiểm tra vừa rồi, trường phát hiện không ít NCS rất ít đến trường và cũng chưa có kết quả nghiên cứu gì. Thậm chí có trường hợp cả năm không đến trường, giảng viên bên ngoài trường không quản lý được, rất lãng phí”. Theo đó, quy định ít nhất một giảng viên hướng dẫn phải là PGS, GS đương chức tại trường nhằm tạo ra cơ chế giám sát, bảo đảm NCS làm việc thật, nghiên cứu thật và có kết quả thật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - khẳng định: “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được giao thí điểm tự chủ, những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng luôn được bộ ủng hộ, nhưng cách làm thì cần cân nhắc sao cho phù hợp, không để gây xáo trộn. Về hai trường hợp NCS bị đình chỉ, bộ sẽ nghe báo cáo cụ thể để nắm rõ tình hình và có ý kiến trong thời gian sớm nhất”.

“Tại sao lại giới hạn tuổi của người hướng dẫn NCS? Tôi đã tận mắt chứng kiến những ví dụ thực tế về nỗi khó của NCS có thầy hướng dẫn đến tuổi về hưu. Có bạn đang thực hiện đề tài dở dang thì người hướng dẫn mất, NCS trở nên bơ vơ. Tôi từng được giao hướng dẫn tiếp một trường hợp như thế. Nhưng với đề tài trước đó, thầy trò chúng tôi sẽ không thể thực hiện tốt nhất khi đó không phải lĩnh vực nghiên cứu ưu thế của tôi. Chúng tôi phải thay đổi đề tài cho phù hợp hơn. Rõ ràng NCS bị thiệt thòi rất nhiều, tốn thời gian hoàn thành hơn và phải thay đổi hướng nghiên cứu so với ban đầu”- GS Giảng lý giải.

Đình chỉ học tập 2 nghiên cứu sinh

Từ thông báo này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã rà soát những người đang thực hiện NCS tại trường từ năm học 2010-2011, đối chiếu với những tiêu chuẩn của thông báo. PGS.TS Nguyễn Đắc Trung - phó viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH - cho hay trong khoảng 400 NCS tại trường, có 19 người thuộc đối tượng phải “xem xét”. Kết quả kiểm tra cho thấy có năm NCS bảo đảm tiến độ, có đầy đủ các báo cáo nghiên cứu, nhà trường vẫn tiếp tục cho làm bình thường, không có bất cứ sự điều chuyển nào.

Theo TS Trung, số còn lại nhà trường yêu cầu phải bảo đảm cam kết ba điều kiện sau mới có thể tiếp tục thực hiện đề tài: thứ nhất là từ nay trở đi phải thực hiện nghiêm túc các quy định, nếu cơ quan cử đi học thì phải có quyết định gửi lại trường để họ yên tâm bảo đảm thời gian làm NCS và cuối cùng là cam kết của thầy hướng dẫn. 12 người cam kết có thể hoàn thành đề tài với việc tuân thủ chặt chẽ yêu cầu này. Hai NCS không đáp ứng được yêu cầu, không thực hiện được kế hoạch làm việc, không làm việc toàn thời gian theo yêu cầu... nên đã bị đình chỉ, không được tiếp tục thực hiện đề tài. “Những người bị đình chỉ hoàn toàn thỏa mãn” - ông Trung nhấn mạnh.

Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định dù kiểm tra, xem xét rất kỹ, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào phải thay đổi giảng viên hướng dẫn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định quy chế mới về đào tạo trình độ TS bộ ban hành năm 2009 không có điều khoản nào quy định giống với nội dung thông báo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc đình chỉ NCS chỉ xảy ra khi bị phát hiện gian lận trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, hoặc đình chỉ bảo vệ luận án khi phát hiện họ tiếp xúc với phản biện, thành viên hội đồng.

Theo một thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, quy định này cần cân nhắc: “Lực lượng GS cả nước hiện chưa nhiều. Ở trường công lập, GS được kéo dài thời gian làm việc là năm năm. Những người có học hàm GS, PGS không làm quản lý, chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, nghĩa là chủ yếu làm nghiên cứu và giảng dạy, các trường phải tạo điều kiện để họ tham gia hướng dẫn NCS”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên