Theo đó, mặc dù đủ điểm khoa học để bảo vệ chức danh PGS, nhưng bà Giang đã không có đủ số phiếu tín nhiệm cần thiết đối với chức danh này. Quy định yêu cầu số phiếu tín nhiệm phải đạt từ 2/3 tổng số phiếu của hội đồng, nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 5/9 phiếu tín nhiệm bà Giang.
Theo một thành viên hội đồng, sau khi có kết quả, GS Hoàng Văn Châu - chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng nhà trường - đã yêu cầu những ai vừa bỏ phiếu không tín nhiệm đối với bà Giang phải giải thích rõ lý do.
“Điều này là bất thường khi bỏ phiếu tín nhiệm là hình thức bỏ phiếu kín, nhưng chủ tịch hội đồng lại yêu cầu chúng tôi phải công khai danh tính nếu không bỏ phiếu tín nhiệm” - thành viên này nói.
Một thành viên khác cho rằng sau đó đã có người đứng lên nói rõ lý do không tín nhiệm bà Giang và vẫn có 2/9 thành viên không đồng ý, nhưng cuối cùng việc bỏ phiếu vẫn được tiến hành. Kết quả bỏ phiếu lần hai vẫn giữ nguyên như ban đầu: bốn người bỏ phiếu không tín nhiệm đối với ứng viên.
Một điểm được một số thành viên hội đồng cho là bất hợp lý nữa là bà Giang mới có thâm niên tiến sĩ ba năm (yêu cầu tối thiểu đối với ứng viên PGS), nhưng đánh giá của tổ thẩm định hồ sơ lại cho điểm 14 bài báo xuất sắc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Đăng Quang - thư ký hội đồng chức danh GS nhà nước, người tham dự phiên họp này - cho hay sau khi nghe báo cáo thẩm định hồ sơ kết luận bà Giang có 14 bài báo xuất sắc, ông Quang đã đề nghị hội đồng phải xem xét lại ngay vì bài báo khoa học xuất sắc có những tiêu chí đòi hỏi rất khắt khe, không đánh giá dễ dàng được. Sau đó, hội đồng đã xem xét lại và rút xuống còn một bài báo xuất sắc.
GS Hoàng Văn Châu cho rằng việc bỏ phiếu lại là “bình thường” và “không phạm luật”. “Điều bất thường là từ trước đến nay chưa bao giờ ứng viên PGS tại hội đồng cơ sở của trường lại bị bất tín nhiệm như thế. Tất cả ứng viên đều qua vòng cơ sở để đưa hồ sơ lên hội đồng ngành. Ngoài ra, ứng viên có điểm khoa học rất cao mà lại trượt. Đó là lý do có cuộc bỏ phiếu lại” - ông Châu khẳng định. Riêng về số bài báo xuất sắc cao bất thường và được cho là có yếu tố thiên vị, ông Châu lý giải: “Do lỗi đánh máy của thư ký hội đồng vì sau khi điều chỉnh rút từ 14 bài xuống còn một bài báo xuất sắc, điểm khoa học của bà Giang cũng không bị thay đổi nhiều”.
Ngày 4-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký hội đồng chức danh GS nhà nước - khẳng định chưa bao giờ có tiền lệ về việc bỏ phiếu tín nhiệm lại trong các hội đồng chức danh GS như vậy.
“Trong trường hợp nếu kết quả bỏ phiếu khiến ứng viên hay các thành viên hội đồng chưa thỏa mãn, hay vì một lý do khách quan nào đó thì phải có báo cáo đề nghị lên hội đồng chức danh GS nhà nước xem xét. Trong quy chế không hề có việc bỏ phiếu lại. Bỏ phiếu tín nhiệm chức danh PGS, GS là việc phải trao đổi rất kỹ, bỏ phiếu kín, bỏ phiếu một lần, ghi biên bản cụ thể và gửi lên hội đồng chức danh GS cấp cao hơn” - GS Nhung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận