Đánh giá về đề thi địa lý, nhiều giáo viên cho rằng đề thi năm nay khá bao quát và bám sát diễn biến thời sự đang diễn ra.
Theo ThS Vũ Thị Bắc - giáo viên môn địa Trường phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM, các câu hỏi rải đều các chương, bài trong chương trình lớp 12 và có phần “dễ thở” đối với thí sinh. Những thí sinh học sát chương trình cơ bản có thể làm được 70-80% nội dung của đề bài. Tuy nhiên đề vẫn có khả năng phân loại cao. Đề thi năm nay có ưu điểm là cập nhật được một số vấn đề mang tính thời sự như: tài nguyên thiên nhiên vùng biển Việt Nam và vấn đề biển - đảo Việt Nam thông qua câu hỏi trong phần chương trình chuẩn “Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?”).
Qua đó, giúp học sinh nhận thức tốt hơn về các nguồn lợi tự nhiên của vùng biển Việt Nam và vấn đề chủ quyền của các đảo và quần đảo trong biển Đông.Tuy nhiên câu hỏi về đảo mới chỉ dừng ở phần thuộc lòng là thuộc tỉnh (thành) nào, chưa đi sâu vào phần ý thức của học sinh về vấn đề chủ quyền của các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Theo cô Lê Thị Thanh Xuân - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), độ khó đề thi tiếng Anh năm nay tương đương năm trước. Phần từ vựng khá phong phú, học sinh phải học rất kỹ mới làm tốt, bài đọc cuối cùng là phần khó nhất của đề thi, học sinh khá trở lên mới có thể làm được. Các phần còn lại như ngữ pháp, nối câu... tương đối cơ bản. Học sinh trung bình khá khó có thể vượt quá 5 điểm, điểm 7, 8 cũng không nhiều. Điểm 9 sẽ rất ít.
Tương tự, thầy Phạm Thanh Yên - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho rằng mức độ khó của đề thi tiếng Anh khối D tương đương đề thi năm ngoái, một số câu có phần dễ hơn. Nội dung các câu hỏi đều khá quen thuộc với thí sinh bởi các em đều đã được học trong trường phổ thông. Riêng bài đọc - hiểu dành cho những học sinh chuyên ngữ, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng suy luận, có vốn từ phong phú... Nhìn chung, với đề thi như năm nay, dự đoán phổ điểm khối D sẽ nhích lên từ 1-2 điểm so với năm trước. TS Nguyễn Phú Vinh - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - đánh giá mặt bằng điểm thi của thí sinh khối D có thể sẽ cao hơn một ít so với năm 2011.
Đối với đề thi môn hóa, ThS Nguyễn Hiền Hoàng - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đánh giá: nhìn chung phần lý thuyết đề thi hóa khối B nhẹ hơn khối A nhưng phần bài tập lại khó hơn. So với năm 2011, đề năm nay có độ khó tương đương. Số lượng câu lý thuyết khoảng 50%, phân đều cho các lớp 10, 11, 12. Mặc dù lý thuyết có phần dễ hơn một chút so với đề khối A, nhưng có những ý mà thí sinh không quan tâm (ví dụ nhiên liệu cho tên lửa, tên các loại quặng, khí than ướt...) nên sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đa số thí sinh sẽ làm được phần lý thuyết vì có nhiều câu hỏi có thể trả lời khá nhanh. Đối với phần
bài tập, bên cạnh những câu hỏi khá quen thuộc cũng có câu quá nặng phần suy luận và tính toán, thí sinh sẽ không đủ thời gian để làm do không quen với các biện pháp tính đặc biệt. Một số câu trộn nội dung chương trình 10 ghép chung với 12 khiến độ khó tăng lên nếu thí sinh không phát hiện được hoặc không nhớ kỹ lớp dưới. Điểm số môn hóa thí sinh đạt được với đề thi này chủ yếu do phần lý thuyết, dự kiến điểm thi phân bổ chủ yếu ở mức 6-7 điểm, điểm số 9, 10 khó đạt được.
ThS Nguyễn Cửu Phúc - tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM - cho rằng phổ điểm môn hóa sẽ tập trung ở 6, 7. Với đề môn sinh dễ hơn năm trước, đề toán có phần khó hơn, phổ điểm khối B sẽ tương đương năm trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận