21/06/2012 11:44 GMT+7

Gợi ý giải đề môn Văn tuyển sinh lớp 10

H.HG - LƯU TRANG - NGỌC HÀ
H.HG - LƯU TRANG - NGỌC HÀ

TTO - Sáng 21-6, kết thúc giờ thi môn văn (môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM), tại các hội đồng coi thi địa bàn quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh nhiều thí sinh ra về với khuôn mặt ưu tư.

Xem gợi ý giải môn văn tại TP.HCM Xem gợi ý giải môn văn tại Hà Nội

QxAl1nQS.jpgPhóng to
Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn tại HĐT trường THPT Nguyễn thị Diệu, Q.3 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhật Anh - học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh cho biết: "Mình ngại nhất là câu số 3 - câu hỏi về nghị luận xã hội. Mọi năm, đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về một vấn đề nào đó một cách rõ ràng, còn năm nay chỉ đưa ra hai tình huống. Thí sinh phải tự tìm luận điểm rồi trình bày suy nghĩ của mình về luận điểm đó. Mình làm về sự vô cảm không biết có trúng không nên hơi lo".

Tương tự, P.Khanh - học sinh Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh lại "bật mí": "Cũng câu 3 nhưng mình viết về nghĩa vụ của người con trong gia đình hiện đại Việt Nam, không biết trúng được bao nhiêu phần trăm".

Trong khi đó, tại hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM, nhiều HS rời phòng thi sau buổi thi môn văn với tâm trạng khá thoải mái. Khi được phụ huynh hỏi về tình hình làm bài, nhiều HS cùng trả lời: “Đề mở và không quá khó”.

Kiều Xuân, HS Trường THCS Võ Trường Toản, cho biết: "Mình làm vừa đủ thời gian. Đề có hai câu mở, cho phép HS được viết theo quan điểm của mình. Mình nghĩ lấy điểm cao thì khó nhưng với dạng đề này thì đa số các bạn sẽ làm được bài, ở mức điểm trên trung bình. Đặc biệt, câu nghị luận xã hội đề vừa lạ vừa quen, nói về sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ, đề hay và thú vị”.

e2lgK20V.jpgPhóng to
Đại diện thí sinh kiểm tra thùng đựng đề thi tại Hội đồng thi tuyển lớp 10 THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu không cẩn thận, bài thi sẽ không được điểm cao. T.Quốc, HS Trường THCS Văn Lang, sau khi “hội ý” với nhóm bạn của mình về đề thi, cho rằng: “Câu 2 tuy chỉ có 1 điểm nhưng có nhiều bạn không trả lời được. Câu 4 yêu cầu chép khổ thơ thì một số bạn chép nhầm sang các bài thơ của chương trinh trung đại. Đề này nếu không để ý thì dễ bị sai. Trong phòng em có có bạn chép đến 3, 4 khổ thơ dù đề chỉ yêu cầu chép 2 khổ thơ và phân tích, có bạn lại tưởng nhầm là phân tích vẻ đẹp người phụ nữ nên không chọn được khổ thơ vừa ý”.

Nhìn chung, HS tại hội đồng thi này cho biết khá hài lòng với dạng đề mở như thế, vì không phải phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. “Đề tuy dài và có vẻ rắc rối nhưng nếu đầu tư, đọc kỹ đề thì có thể viết tốt, và với dạng đề này, không cần viết dài mà chỉ cần viết đủ ý”, Trang - HS Trường THCS Nguyễn Du, thi tại hội đồng thi này, cho biết.

mLWA69kj.jpgPhóng to
Thí sinh tại Hội đồng thi tuyển lớp 10 THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10 - Ảnh: Minh Đức
e7Q0UFvs.jpgPhóng to
Thí sinh Lee Ha Yeong (Hàn Quốc) đang làm thủ tục trước khi thi môn văn tại HĐT trường THPT Nguyễn thị Diệu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhận định về đề thi môn văn, cô Phan Thị Xuân - giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM cho rằng: "Đề thi năm nay gây bất ngờ lớn cho nhiều thí sinh vì cả hai câu nghị luận (chiếm 8/10 điểm) đều thuộc dạng "mở" hết cỡ. Theo tôi, với câu 3, học sinh viết về sự vô cảm cũng đúng mà sự vô ý thức với người thân của mình cũng được. Ngay cả hai câu lý thuyết (chiếm 2/10 điểm) cũng yêu cầu thí sinh phải hiểu bài, biết vận dụng kiến thức mới làm trọn được số điểm. Nhìn chung, đây là đề thi khá tốt, phù hợp với tính chất một kỳ thi tuyển sinh.

Hà Nội: thí sinh thích thú với đề văn nghị luận 12 câu

f2fmWtTF.jpgPhóng to
Nhiều thí sinh tại Hội đồng thi THPT Cầu Giấy đã được cô giáo gợi ý lời giải cho môn Văn ngay sau buổi thi - Ảnh: Ngọc Hà

Trong đề thi văn vào lớp 10 các trường THPT Hà Nội sáng 21-6, ý 3 của câu 1 yêu cầu thí sinh dựa vào trính đoạn bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật để viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận làm rõ cảm giác người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính đã tạo hưng phấn đặc biệt cho nhiều thí sinh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, cô giáo Đặng Nguyệt Anh (trường THPT Amsterdam Hà Nội), đề thi văn năm nay vừa sức, không có câu nào đánh đố học sinh. “Đề thi mở đầu cho đợt tuyển sinh lớp 10 như vậy là quá đẹp và quá suôn sẻ. Câu lập đoạn văn nghị luận 12 câu là một đề hay, có thể phát hiện được học sinh giỏi, có tố chất qua câu hỏi dạng này”, cô Nguyệt Anh nhận định.

“Sự giới hạn dung lượng bài làm trong 12 câu để làm bài nghị luận về cảm giác của người chiến sĩ làm mình cảm thấy rất thú vị. Nghĩ ra rất nhiều, nhưng cuối cùng vẫn chỉ chắt lọc ra đúng 12 câu, mình thấy hồi hộp nhất phần cho điểm của câu này”, Trần Mạnh Long - thí sinh dự thi vào trường THPT Cầu Giấy - chia sẻ.

Ghi nhận tại hội đồng thi THPT Cầu Giấy, THPT Phạm Hồng Thái cho thấy thí sinh cùng chung nhận định: đề thi nhẹ nhàng, “dễ chịu”. "Mình làm bài hết 90 phút, thừa 30 phút dù đã rà bài rất kỹ”, Vũ Phương Anh - HS Trường THCS Nghĩa Tân nói. Theo các thí sinh, đa số các bạn chỉ làm bài trong 60-90 phút trong khi thời gian làm bài của môn Văn là 120 phút.

Đứng chờ bên ngoài các trường thi, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng vì cho rằng “kỳ thi này còn quan trọng hơn thi vào ĐH”. “Trượt ĐH năm nay còn có thể thi năm sau, chứ trượt lớp 10 thì bố mẹ chưa biết tính thế nào cả”, một phụ huynh đợi con phía ngoài trường THPT Phạm Hồng Thái nói.

8NykcOOk.jpgPhóng to
Phụ huynh lo lắng đợi con dự thi gây tắc nghẽn cục bộ trước trường THPT Cầu Giấy - Ảnh: Ngọc Hà

Sự căng thẳng của kỳ thi lớp 10 không chỉ hiện rõ trên gương mặt phụ huynh mà còn lan sang nhiều giáo viên. Tại một số hội đồng thi, nhiều giáo viên THCS đợi học trò của mình từ ngoài cổng, sẵn sàng tư vấn giải đề cho học sinh ngay sau buổi thi.

H.HG - LƯU TRANG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên