12/06/2012 08:14 GMT+7

Ráo riết chạy theo chuẩn

V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG
V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG

TT - Trước tình trạng có quá ít giáo viên (GV) tiếng Anh đạt chuẩn, các sở GD-ĐT đang nỗ lực lên kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực GV tiếng Anh.

Giáo viên tiếng Anh rớt như sung rụng

iqWHeKju.jpgPhóng to
Giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM tập huấn trước đợt khảo sát - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Kết quả của đợt khảo sát vừa rồi đã cho GV biết họ yếu ở điểm nào. TP sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng cho GV tiếng Anh từ giữa tháng 6-2012 với mục đích tận dụng thời gian hè để các thầy cô dễ sắp xếp hơn. Tùy trình độ mỗi người, các GV sẽ học bồi dưỡng 75-150 giờ. Bên cạnh đó, ngay từ năm học 2012-2013 Sở GD-ĐT TP.HCM cũng ra thông báo ưu tiên tuyển dụng những giáo sinh đã đạt chuẩn quốc tế”.

Đào tạo lại

Tương tự, “Hải Dương dự kiến sắp xếp, bố trí công việc khác cho các GV đạt trình độ thấp hơn 3-4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc năng lực ngoại ngữ quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành khi tuyển dụng GV, ngoài việc kiểm tra bằng cấp, phải kiểm tra trình độ năng lực ngoại ngữ của GV, nếu đạt mức chuẩn trở lên đối với cấp học mới tuyển dụng” - ông Lương Văn Cầu, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương - thông tin. Trong khi đó Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội... cho biết đã chủ động bỏ kinh phí của địa phương để cử GV tiếng Anh đi tập huấn tại Philippines, Malaysia, Singapore...

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là không thể chỉ giải quyết phần “ngọn” mà phải bắt đầu từ “gốc”. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giải thích: “Tới thời điểm này, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đã thẩm định xong chương trình thí điểm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho GV tiểu học, đang thẩm định chương trình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học để các trường sư phạm trên cả nước tham khảo xây dựng chương trình đào tạo của mỗi trường. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục thúc đẩy các trường sư phạm phải đổi mới chương trình theo yêu cầu của đề án. Các trường sư phạm phải minh bạch chuẩn đầu ra và đề án sẽ thẩm định chất lượng đào tạo này của các trường” - ông Hùng khẳng định.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, đề án hiện nay mới đang trong giai đoạn thúc đẩy hỗ trợ các trường trong việc đào tạo đội ngũ GV. Tuy nhiên, ông Hùng lại giải thích: “Việc đào tạo GV để lấp chỗ hổng lớn hiện nay cũng cần có lộ trình chứ không thể giải quyết ngay trước mắt. Khi nào các trường có đầu ra chúng tôi sẽ tiến hành kiểm định. Chất lượng kiểm định sẽ công bố để các trường biết và tiếp tục phấn đấu. Trước mắt, năm 2012 ĐH Quốc gia Hà Nội đã đăng ký với đề án để kiểm định đầu ra của khoa đào tạo GV. Hi vọng với động thái tích cực này, nguồn GV được cung cấp sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn”.

Đạt chuẩn, rồi sao nữa!

Thế nhưng, một GV ở Q.1, TP.HCM trình bày ý kiến: “Xảy ra tình trạng hàng loạt GV không đạt chuẩn như ngày hôm nay là hậu quả của cả một hệ thống giáo dục: từ việc đào tạo, tuyển dụng GV đến việc đánh giá năng lực giảng dạy của GV tiếng Anh trong trường phổ thông. Bây giờ yêu cầu đi học chúng tôi sẽ chấp hành, yêu cầu đi thi chúng tôi cũng đi thi. Nhưng đi thi đạt chuẩn quốc tế với tất cả kỹ năng cần thiết rồi, chúng tôi có cơ hội áp dụng vào công tác giảng dạy không hay lại bị mai một dần...”. Các GV phân tích: với riêng bộ môn tiếng Anh, việc dạy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh là cần thiết. Nhưng nội dung, chương trình sách giáo khoa có tạo điều kiện cho GV thực hiện không? Chưa kể nội dung đề thi các cấp hiện nay phần lớn vẫn tập trung vào hai kỹ năng đọc và viết.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Văn Công Sang cho rằng: “Chúng ta đang ở giai đoạn giao thời. Để thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia thành công, tất cả phải đổi mới một cách đồng bộ. Ngoài việc bồi dưỡng năng lực cho GV tiếng Anh đạt chuẩn, bắt đầu từ năm nay TP.HCM cho phép các trường tuyển thêm 20-30% GV tiếng Anh để đến năm 2015 TP có đủ số lượng GV tiếng Anh có thể chia đôi lớp trong giờ học môn tiếng Anh, bảo đảm mỗi lớp chỉ 20-25 học sinh, chứ với sĩ số như hiện nay GV khó có thể dạy theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xin phép UBND TP.HCM để tuyển dụng GV bản ngữ. Đối với môn tiếng Anh, GV bản ngữ không chỉ quan trọng trong việc giảng dạy cho học sinh mà còn đóng vai trò hỗ trợ GV trong nước”.

Cùng quan điểm, bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, khẳng định: “Vấn đề quan trọng hiện nay là các GV phải học bồi dưỡng theo kế hoạch của sở đưa ra, đồng thời phải nỗ lực tự bồi dưỡng hằng ngày. Trường học nào có GV đạt chuẩn chúng tôi mới chọn để thí điểm giảng dạy tiếng Anh theo đề án. Khi đã chọn rồi sẽ đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị hiện đại, bảo đảm sĩ số học sinh không quá cao...”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Để đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT đề nghị chỉ những nơi có đủ điều kiện về GV đạt chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết thì mới thực hiện dạy học tiếng Anh theo đề án này. Không nóng vội chạy theo thành tích trong khi điều kiện chưa cho phép.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng phân tích: “Với việc triển khai đề án tăng cường dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, chúng ta cần một giải pháp mới và một hệ công cụ mới để giải quyết những đòi hỏi về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở VN. Giải pháp này hỗ trợ GV giảng dạy dễ dàng thuận tiện trên lớp, tạo môi trường nghe, nói, đọc, viết và tương tác cho học sinh trên lớp, giúp học sinh có thể tự học bất cứ lúc nào, ở đâu, học theo nhu cầu của mình”.

Hướng đến mục tiêu 24.000 giáo viên tiếng Anh

Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT đã giao cho 18 trường đại học và cao đẳng tập trung đầu tư thí điểm chương trình và phương pháp bồi dưỡng mới, cấp chứng nhận nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho GV lựa chọn từ các địa phương. Và để giải quyết tình trạng thiếu GV trước mắt, năm 2011 đề án đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 2.500 GV tiểu học đạt chuẩn. Năm 2012 sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho 2.500 GV nữa để đảm bảo 1,5 triệu học sinh tiểu học được tiếp cận chương trình mới. Cũng trong năm 2012, đề án sẽ bồi dưỡng đạt chuẩn cho 2.800 GV tiếng Anh THCS và 400 GV thuộc các trường chuyên để chuẩn bị mở rộng thí điểm - ông Hùng cho biết.

Con số GV được tập huấn trên quá khiêm tốn so với mục tiêu có 24.000 GV tiếng Anh vào năm 2020. Nhưng theo đánh giá của ban điều hành đề án, số GV đã được tập huấn đạt chuẩn cả về năng lực và phương pháp sẽ là đội ngũ cốt cán trong việc thực hiện đề án này.

V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên