Phóng to |
Bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 28-5 |
PGS.TS Hoàng Dũng (trưởng ban khoa học và công nghệ, ĐHQG TP.HCM):
Tôi rất ngạc nhiên
Theo quy định, trong một bài báo khoa học gửi đến các tạp chí khoa học quốc tế đều phải có thông tin đầy đủ (địa chỉ, đơn vị công tác, email...) của các tác giả và đồng tác giả bài báo đó. Khi tòa soạn nhận được bài báo, họ sẽ lập tức hồi âm cho tác giả và đồng tác giả (nếu có) để xác nhận về việc họ đã nhận được bài, đồng thời thông báo tiến độ xử lý bài báo và yêu cầu chỉnh sửa nội dung khi cần thiết.
Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe các đồng tác giả được xem là “nạn nhân” trong vụ Lê Đức Thông đạo văn đều khẳng định họ hoàn toàn không biết gì về việc gửi bài này. Vấn đề xác nhận của các tác giả là quy định chung của hầu hết các tạp chí khoa học quốc tế. Nếu việc này không được thực hiện thì bài báo sẽ không được đăng tải.
TS Lâm Quang Vinh (phó trưởng phòng khoa học công nghệ - quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM):
Các đồng tác giả phải xác nhận bài báo
Trong khoa học, việc đạo văn dù bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng ông Lê Đức Thông tự ý ghép tên một số chuyên gia, giáo sư khác vào bài báo khoa học của mình có thể là vì muốn bài này được đăng báo. Tuy nhiên ở các tạp chí khoa học quốc tế, tất cả những người là tác giả của bài báo đều được yêu cầu ký xác nhận trước khi đăng.
Trước đây, tôi tham gia viết các bài báo khoa học nhưng không phải là người viết chính, các tạp chí khoa học đều gửi yêu cầu tôi phải ký tên xác nhận. Cũng có tạp chí khi gần chấp nhận đăng bài, ban biên tập yêu cầu tôi và các đồng tác giả phải scan bài báo đã được ký tên và gửi lại, sau đó họ mới cho đăng.
Như vậy, việc các đồng tác giả của Lê Đức Thông đều phủ nhận việc họ đồng ý đứng tên trong các bài báo là chuyện thật khó hiểu.
TS Vũ Thị Phương Anh (trưởng phòng quản lý khoa học và quan hệ quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM):
Làm khoa học phải biết tự trọng
Ở các nước, một người nào đó khi viết bài báo khoa học hay thực hiện một đề tài nghiên cứu, tự ý ghi tên một người khác vào làm đồng tác giả mà không có ý kiến của họ đều bị xử rất nặng. Trường hợp đó các nạn nhân sẽ kiện người tự ý ghép tên họ vào bài báo ra tòa vị tội vu khống. Khi đó, tòa án sẽ đòi hai bên đưa ra chứng cứ để phán xét đúng sai. Còn ở VN, chuyện này chỉ là vấn đề uy tín cá nhân. Đến nay chưa có vụ đạo văn nào xảy ra ở nước ta được xử lý thấu đáo.
Cụ thể trong vụ Lê Đức Thông có thể nhìn nhận hai tình huống: thứ nhất, trong quá trình viết các bài báo có thể ông Thông có quan hệ và thường xuyên lui tới, hỏi ý kiến các chuyên gia trên để tham khảo và nhận ý kiến đóng góp về kiến thức chuyên môn của họ phục vụ bài báo; thứ hai, có thể ông Thông tự ý ghép tên những người khác, mượn uy tín của họ để bài báo dễ được đăng hơn.
Trong trường hợp này các nạn nhân trong bài báo đạo văn của ông Thông bị ảnh hưởng nặng về uy tín cũng như sẽ gặp khó khăn về sau khi gửi bài cho các tạp chí khoa học quốc tế. Khi nhìn thấy tên các tác giả dính tới mấy vụ đạo văn, các tạp chí đều rất dè dặt.
Các nước còn quy định rất rõ bằng văn bản về vấn đề đồng tác giả trong nghiên cứu, viết báo khoa học. Việc xác nhận đồng tác giả đều thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc. Một đồng tác giả phải có đóng góp rất nhiều về ý tưởng, công sức trong bài báo hay công trình nào đó. Nếu các chuyên gia chỉ góp vài ý kiến cho một đề tài nào đó thì chắc chắn họ sẽ không nhận đồng tác giả. Nhưng ở VN thì rất nhiều người khi làm đề tài hay viết bài báo khoa học thường “mượn tên” thầy mình hoặc người có uy tín để dễ được duyệt hơn.
Đôi khi có những người không hề tham gia quá trình nghiên cứu, chỉ được người viết nhờ vả gì đó trong quá trình viết bài báo vẫn đứng tên đồng tác giả. Tôi cho rằng người làm khoa học phải biết tự trọng trong những trường hợp như vậy.
Lê Đức Thông sử dụng bằng giả? Theo thông tin từ Viện Vật lý TP.HCM, trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của Lê Đức Thông mà viện này đang lưu giữ có bản sao bằng tốt nghiệp với các thông tin: “Lê Đức Thông, sinh ngày 1-1-1981, tại Quảng Bình, tốt nghiệp kỹ sư ngành khai thác máy tàu biển Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2005, xếp loại: giỏi. Bằng tốt nghiệp kỹ sư này có số hiệu B125672, được cấp ngày 23-11-2005 do PGS.TS Trần Cảnh Vinh - hiệu trưởng nhà trường - ký tên. Số vào sổ: 43”. Thế nhưng đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết trong các dữ liệu của trường hoàn toàn không có bất kỳ sinh viên Lê Đức Thông như bài báo đề cập. ThS Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo nhà trường, khẳng định: “Chúng tôi kiểm tra rất kỹ hồ sơ dữ liệu sinh viên các khóa trước đây của trường, hoàn toàn không có tên Lê Đức Thông. Thậm chí ở hệ đào tạo tại chức hay bậc CĐ cũng không có tên sinh viên này. Trong danh sách xét tốt nghiệp sinh viên ngành khai thác máy tàu biển năm 2005 cũng không hề có tên Lê Đức Thông. Đó là chưa nói đến việc hơn chục năm qua ở ngành này chỉ có duy nhất một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi năm 2007”. |
46 bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi, bày tỏ sự bất bình sau khi đọc bài “Vua” đạo văn (Tuổi Trẻ ngày 28-5). Các ý kiến đều lên án hành vi “không thể chấp nhận được”, đồng thời chia sẻ những giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này. Mầm mống “đạo văn” Các luận án ra trường của sinh viên được “xào nấu” từ năm này đến năm khác dẫn đến nhiều “cô cử”, “cậu cử” ra trường nhờ “đạo văn”! Trước đây SV “đạo văn” thường bị thầy cô nhắc nhở hay gạch dưới những đoạn mà thầy cô biết chắc chắn SV mình không thể làm được. Nhưng hiện nay có bao nhiêu giáo viên chịu khó đọc các sách tham khảo, báo chí hoặc trên Internet để biết SV “đạo văn”? Phải chăng việc “đạo văn” ở nhà trường là mầm mống cho việc “đạo văn” mang tầm cỡ quốc tế của ông Thông? Cần sớm được giáo dục Tôi thiết nghĩ vấn đề đạo văn phải cần sớm được giáo dục, chấn chỉnh từ ghế nhà trường. Từ bậc đại học, những bài viết khóa luận cần được kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Nguyễn Thiện Tâm Rõ ràng ngay từ đầu Ở Anh, dù làm một bài tiểu luận cũng như báo cáo đề tài cuối khóa, một hệ thống TurnitinUK luôn được đặt ra để đảm bảo mọi sinh viên nghiêm túc viết bài làm của mình. Đồng thời thầy cô giám sát cũng giải thích rõ ràng ngay từ đầu mọi hình thức sao chép, kể cả sao chép từ chính bài của mình đều bị coi là đạo văn. Hình thức nhẹ nhất là đánh trượt và buộc thi lại môn. Hình thức nặng nhất có thể là đuổi học. Muốn đạo cũng khó Cách thi cử kiểu học thuộc lòng thì kết quả sẽ là “đạo văn” mà thôi. Thay vì tìm tòi nghiên cứu cái mới hoặc chí ít là dựa trên cái người ta đã biết được phần nào đó rồi mình nghiên cứu tiếp theo thì có nhiều người chỉ tìm cách “copy” và “edit” cho nó có vẻ khác đi một tí là ra kết quả “bài tập lớn”, “luận văn”. Chương trình học của một số nước muốn “đạo văn” cũng khó. Các môn học thường ghi rõ “đạo văn là vi phạm đạo đức học thuật” bị trừ điểm từng bài học, từng môn học, thậm chí đuổi khỏi trường tùy theo mức độ vi phạm. |
_______________
Ông Trần Minh Tạo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc “bản thảo bài viết của ông xuất hiện trên một tạp chí của tỉnh, nhưng dưới tên của một người khác là Lê Xuân Thành - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp”.
Theo trình bày của ông Tạo, tháng 4-2012, tạp chí Nghiên Cứu Khoa Học (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp) có đăng bài “Điều gì xảy ra ở Hồng Ngự trước ngày 30-4-1975?”, viết về một trận chiến đấu vũ trang của đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ, ký tên tác giả là Lê Xuân Thành. Điều bất ngờ là ông phát hiện bài viết - trừ phần mở đầu và kết thúc - gần như từ đầu tới cuối đều nằm ở phần cốt lõi trong bài ký sự do ông viết cách đây khoảng hai năm, có tựa “Trận cuối cùng đánh địch tại Mương Lớn - An Bình”. Bài viết của ông hiện còn ở dạng bản thảo, chưa ấn hành phổ biến lần nào.
Theo ông Tạo, bài viết của ông là một trong 14 bài trong tập tài liệu ông viết về “14 trận đánh điển hình của địa phương quân huyện Hồng Ngự (viết tắt là C211) thời chống Mỹ”, theo yêu cầu của ông Chín Nguyễn - nguyên chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp. Ông đã mất năm tháng trời đi thực tế, về lại chiến trường xưa, tra tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết, hoàn thành vào tháng 6-2010 và gửi bản thảo lại cho ông Chín Nguyễn. Ông cũng có nhận số tiền 7 triệu đồng của ông Chín Nguyễn, gọi là “ứng tiền đi thu thập tài liệu”.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Tạo, ngày 21-5-2012, ông Lê Xuân Thành đã có thư ngỏ giải trình về nguồn gốc tài liệu: “Đồng chí Chín Nguyễn thấy bản thảo do ông Trần Minh Tạo chấp bút không đạt yêu cầu như mong muốn, nên đã chấm dứt hợp đồng bằng việc chi trả cho ông một khoản tiền là 7 triệu đồng và giữ lại sản phẩm (bản thảo)”. Sau đó, ông Thành cho biết: “Ban liên lạc cựu chiến binh C211 giao cho ban biên soạn (ông Trần Đức Hiển và ông Thành - PV) bản tổng hợp tư liệu 14 trận đánh tiêu biểu của C211, có ghi tên Trần Minh Tạo ở trang cuối để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu...”.
Theo ông Lê Xuân Thành, từ các tài liệu mới, ban biên soạn đã bổ sung các trận đánh tiêu biểu, bước đầu hình thành bản thảo gồm 33 sự kiện, trong đó có 14 trận đánh kể trên được chắt lọc lại. Về bài báo đăng trên tạp chí nói trên, ông Thành giải thích rằng ông trích ra từ biên niên sử C211 vừa được hội thảo nghiệm thu. “Phần thiếu sót của tôi là ở cuối bài, sau khi trích dẫn tài liệu tham khảo, thiếu “theo tư liệu của Trần Minh Tạo”. Tôi xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Xin được thứ lỗi” - ông Thành viết.
Tuy nhiên, ông Trần Minh Tạo cho rằng cách giải thích như trên là chưa thuyết phục. Ngoài ra, qua thư giải trình của ông Lê Xuân Thành, ông Tạo còn phát hiện cả 14 bài của ông đã được sử dụng để thực hiện cuốn Biên niên sử C211 Hồng Ngự mà không hề đả động gì đến quyền tác giả của ông.
Chiều 29-5, trao đổi với PV Tuổi Trẻ về vấn đề tác quyền của ông Trần Minh Tạo đối với cuốn biên niên sử nói trên, ông Lê Xuân Thành bộc bạch: “Chúng tôi vẫn nhớ ơn người đi trước là anh Trần Minh Tạo đã viết nên tập tài liệu. Hiện nay cuốn biên niên sử đang trong giai đoạn góp ý để hoàn chỉnh. Khi chính thức phát hành sẽ bổ sung tên anh Tạo vào tổ biên tập, coi anh như là đồng tác giả”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận