Thời gian thực tập của lớp này từ ngày 22-6-2011 đến ngày 17-7-2011 trên tàu huấn luyện 02. Những cuốn báo cáo thực tập gần 70 trang chỉ khác nhau ở mục tên, chữ ký học viên. Còn lại, từ điểm số, lời giới thiệu, lời cảm ơn, nội dung... đều giống nhau đến từng dấu chấm, phẩy. Trong đó, một số lỗi sai về chuyên môn được người chấm đánh dấu tại những phần cũng giống nhau. Một học viên lớp này nói: “Thực tập một chỗ nên giống nhau cũng... đúng. Những thông số trên tàu như máy rađa, máy định vị, máy đo sâu... không thể mỗi người một số được. Giống hệt nhau là vì cả lớp làm chung để tiết kiệm thời gian”.
Giáo viên chấm những báo cáo thực tập nói trên là ông Trần Mạnh Linh (phó trưởng khoa điều khiển tàu biển) và ông Phạm Tấn Hoàng (giáo viên khoa điều khiển tàu biển). Ở phần nhận xét thực tập, học viên được phê “nghiêm chỉnh, có cố gắng, khá”, “chấp hành tốt, chịu học hỏi, tốt”...
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 22-5, ông Trần Mạnh Linh giải thích quy trình làm báo cáo thực tập là khoa ra đề cương, cả lớp căn cứ vào đó để làm. Sau khi xong báo cáo này, nếu đạt mới tiếp tục báo cáo theo hình thức hỏi - đáp trực tiếp. Ông Linh nói: “Khi nhận báo cáo thực tập của học viên, chúng tôi đã phát hiện nhiều điểm giống nhau. Đặc thù của lớp là những người đã lớn tuổi, vừa đi học vừa đi làm. Chúng tôi đã hội ý và quyết định nếu bắt làm lại thì khó khăn cho người học. Tâm lý nhà giáo ai cũng muốn chia sẻ khó khăn với học viên. Đây cũng là khóa đầu tiên nên khó tránh sai sót”.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Giáp - hiệu trưởng nhà trường, việc học viên làm báo cáo giống hệt nhau là không chấp nhận được. “Nếu phát hiện từ trước, chúng tôi sẽ bắt làm lại hết. Giờ các em đã ra trường, đã đi làm nên bắt các em làm lại báo cáo rất khó. Lỗi này thuộc về người chấm, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có hướng xử lý” - ông Giáp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận