29/04/2012 17:06 GMT+7

Nợ một nén nhang

CAO XUÂN THU NGỌC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
CAO XUÂN THU NGỌC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Chú sống ở TP.HCM. Con ở tận Bạc Liêu. Con thường hay nói với chị Hân, chị Hạnh - những người kết thân với chú - rằng sức khỏe chú dạo này không tốt, con lo lỡ chú ra đi làm sao chị em mình hay tin mà thắp cho chú một nén nhang.

Và điều con lo đã trở thành sự thật.

Thông thường, ngày nào con cũng đọc báo, nhưng ngày chú mất con lại bận nhiều việc không đọc báo, mãi đến mấy hôm sau giở lại những tờ báo cũ thì thấy hình chú và bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê với tựa đề: Minh Đăng Khánh - Con người nhỏ nhẹ và những công việc nặng nề.

Con đọc và khóc, biết là giờ nghỉ trưa nhưng con vẫn điện thoại báo cho chị Hạnh và chị Hân hay. Chúng con đã mất đi một người thầy đáng kính.

Có thể tin chú ra đi không làm con bất ngờ, vì con biết sức khỏe chú rất yếu, đến điện thoại chú không còn nói lâu với con được. Và con cũng không dám gọi điện cho chú nhiều, nhưng con trách mình sao lại hay tin muộn và dĩ nhiên con không kịp thắp cho chú một nén nhang tiễn đưa chú về nơi chín suối.

Ba con là một trong những độc giả trung thành với báo Sài Gòn Giải Phóng mấy chục năm qua, ngày nào nhà con cũng có báo Sài Gòn Giải Phóng, vì thế con cũng đọc ké và “khoái” mục Chuyện đời thường của tác giả Khánh Đăng, Minh Đăng Khánh. Đọc và tập tành làm gan gửi cộng tác một vài mẩu chuyện nhỏ và được báo chọn đăng.

Nhớ có lần con viết mẩu chuyện Ước mong của mẹ kể lại câu chuyện một người bạn ở chung phòng ký túc xá thời đại học đang làm đề tài chuẩn bị tốt nghiệp đại học, chẳng may bị tai nạn giao thông qua đời. Trong chuyến về thăm mộ bạn, người mẹ già nua nhờ con nói với nhà trường cấp cho đứa con xấu số của bà tấm bằng đại học để bà làm kỷ niệm. Một ước mơ không thể thực hiện được.

Câu chuyện ấy đã được nhiều người bạn cùng thời đọc và điện thoại về báo Sài Gòn Giải Phóng để xem tác giả là ai (vì lúc đó con không ký tên thật mà dùng bút danh). Chú cháu mình quen biết nhau qua những câu chuyện đời thường. Là người phụ trách trang, chú trực tiếp hướng dẫn con viết sao cho hay, cho lay động người đọc, đặc biệt là những câu chuyện có thật trong cuộc sống.

Qua chú, con không chỉ tham gia cộng tác mục Chuyện đời thường, con còn viết về những mảnh đời cơ cực cộng tác với quỹ tấm lòng vàng của báo. Mấy chị cùng cơ quan thích viết, con giới thiệu các chị làm quen và chú hướng dẫn cách viết nên có chị đã trở thành những cộng tác viên thường xuyên của báo.

Và những người thích viết những câu chuyện đời thường đã kết thân khi nào không biết. Có những chuyến công tác Bạc Liêu chú đều dành thời gian đến thăm ba con - một độc giả trung thành của báo, gặp gỡ tụi con. Ngược lại, khi tụi con có việc lên thành phố cũng ghé nhà thăm cô chú, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc trong căn hộ tập thể gần tòa soạn.

Năm đó, con sinh con nên không có điều kiện đi công tác xa, thu nhập ít mà chi tiêu lại nhiều, chú lại giới thiệu cho con việc làm phù hợp vừa có điều kiện nâng cao tay nghề, vừa có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống.

Chú về hưu, mục Chuyện đời thường cũng khép lại, nhưng chúng con vẫn giữ mối quan hệ thân tình với chú. Công việc của con sau này liên quan nhiều đến viết lách nên con hay tư vấn với chú qua điện thoại và chú như người thầy cầm tay chỉ việc rất nhiệt tình. Có năm con được cơ quan chọn đi giao lưu với sinh viên, con lại alô chú ơi, con phải nói chuyện gì cho sinh viên nghe đây chú?

Chú lại nhỏ nhẹ: Thì con phải kể những câu chuyện có thật của cuộc đời làm báo, những câu chuyện xuất phát từ tình cảm thật mới gây được xúc động con ạ! Hay khi có tin vui con lại alô chú ơi, năm nay con lại được giải cao rồi chú ạ!

Chú chúc mừng con và không quên nhắc nhở con phải không ngừng phấn đấu với nghề, vì làm báo không được thỏa mãn con ạ, phải biết trăn trở với những nghịch lý của cuộc sống để có những bài mang hơi thở của cuộc sống.

***

Chú đã ra đi vĩnh viễn hơn nửa năm rồi. Nửa năm qua, con không còn được nghe những lời nhắc nhở, thăm hỏi chuyện gia đình, chuyện chồng con. Số điện thoại của chú vẫn còn nằm im trong danh bạ máy của con.

Giờ đây, mỗi khi gặp chuyện khó hay có tin vui con lại không còn quyền "trợ giúp" dù đó chỉ là lời động viên hay lời chúc mừng của chú. Nhớ chú, con lại lên Google gõ tên chú để nhìn di ảnh chú và biết thêm những việc lớn lao chú đã làm, những câu chuyện đáng nể của một người thầy mà dù coi con như con nhưng chú chưa bao giờ “giới thiệu” thành tích ấy với con.

Ngày chú mất, con không hay tin để thắp cho chú một nén nhang. Chắc chú không nỡ giận con, vì chú thường bảo nữ làm nghề báo rất vất vả, đằng này con còn phải chăm 2 con nhỏ nên phải cố gắng lên nhé!

Con xấu hổ, tự dằn vặt vì mình vô tâm, nên sau đó điện thoại chia buồn cùng cô Oanh. Cô ơi, dù người bạn đời đã qua đời nhưng cô vẫn là người vợ hạnh phúc khi có người bạn đời tốt bụng và sâu sắc như chú.

Vài lời tri ân của con xin được thay thế một nén nhang, dù là muộn màng cho người thầy đáng kính.

CAO XUÂN THU NGỌC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân