27/01/2012 19:53 GMT+7

Bài học từ bà lão bán rau

PHẠM THỊ QUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
PHẠM THỊ QUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Nó vẫn nhớ hôm đó, một buổi chiều tối đầu đông, sương đã bắt đầu xuống nhiều và lạnh buốt, trời cũng tối rất nhanh. Chẳng biết tự lúc nào màu đen kịt của bóng đêm đã kịp phủ khắp cái chợ Hốc này.

Gọi là chợ Hốc nghe buồn cười và kỳ lạ nhưng gọi thế mãi nên quen, chẳng ai thấy khúc mắc gì với tên gọi ấy, thậm chí còn thấy nó chí lý là đằng khác. Chợ Hốc vốn là con đường nhỏ ven sông cạnh ngã ba khu công nghiệp. Ngày xưa ít người đi lại nhưng từ ngày mọc lên khu công nghiệp, người làng đi làm công nhân có tiền và không có thời gian đi chợ sáng. Thế là vài hàng thịt cá bán ế người ta mang đến ngã ba đường ngồi bán cho công nhân giờ tan tầm.

Dần dần người ta thấy bán đắt hàng lại kéo đến nhiều hơn, người làng có nông sản không ăn hết cũng mang ra bán. Đông dần thành chợ, chính quyền không dẹp được đành phải tổ chức thành chợ nhỏ ven sông để ngã ba không tắc đường, rồi thắp điện, thu vé chợ hẳn hoi. Rồi có ai đó giật mình trước sức mua bán khổng lồ của chợ. Chợ họp từ 5g chiều đến 8g tối mà bao nhiêu cá, tôm, rau, thịt đều hết nhẵn, thế là người ta gọi là chợ Hốc.

Mấy hôm nay, rau muống trước nhà non lắm, mẹ bảo nhà mình ăn mãi cũng chán, để lâu rau già ăn không ngon, phí đi. Buổi trưa mẹ tranh thủ cắt rau, tối đi học về nó đem vào chợ bán, đã hai ngày rồi nó ngồi ở chợ và bán khá chạy. Hôm nay còn mười mớ rau nữa là hết. Vậy nhưng nó ngồi từ 5g chiều tới giờ mà mới bán được có ba mớ. Không phải rau không ngon hay không có khách mua mà do có bà bán rau ngót ngồi bên cạnh nó.

Chẳng biết bà là người xóm nào nhưng chắc chắn không phải người trong xóm nó. Suốt mấy hôm ngồi đây nó đâu có gặp bà. Hôm nay bà ấy ngồi cạnh nó làm nhiều người đã hỏi mua rau của nó trước rồi lại đổi ý mua rau của bà vì nhận ra bà là người quen. Bà khoảng 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng nhìn vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Nhìn bà có vẻ hiền lành nhưng vì hôm nay có bà ngồi cạnh làm nó không bán được rau nên nó thật sự không có thiện cảm với bà. Mỗi lúc không có khách bà quay sang mỉm cuời với nó thì nó đáp lại với ánh mắt dửng dưng và có phần hằn học. Sau vài lần cân nhắc nó cất lời hỏi bà:

- Sao bà già thế mà không ở nhà nghỉ ngơi? Tại sao bà phải đi bán rau. Không ai nuôi bà ạ?

- Bà còn khỏe, chưa cần ai nuôi cháu ạ! Còn khỏe mà không chịu lao động cứ ỷ lại vào con cháu là không tốt. Làm việc giúp bà khỏe mạnh hơn, bà trồng ít rau, ăn không hết mang bán cho vui thôi.

Nó không nói gì nữa vì có khách hỏi mua rau nhưng nó thầm nghĩ: Bà này buồn cười. Có ai lại thích làm việc, làm việc có gì mà vui chứ? Cứ như nó đi học về chỉ muốn theo mấy đứa bạn đi chơi, bị mẹ bắt đi bán rau thế này còn thích hơn ở nhà trông em như mọi khi nhưng nó cứ phải ngồi yên một chỗ làm cho nó thấy chán lắm. Như hôm nay lại rét và đói nữa chứ. Nếu không vì mẹ hứa ngày cuối cùng bán được bao nhiêu mẹ sẽ cho nó số tiền ấy thì còn lâu nó mới vui vẻ đồng ý đi bán rau suốt ba ngày qua.

Còn có hai mớ rau thôi, nó mong có ai mua nốt để nó còn về, bà rau ngót cũng còn một mớ nữa. Thật may có một chị mua rau của bà rồi mua thêm của nó, chắc nhà chị ấy có khách:

- Chị không có tiền giấy à?

- Không, chị còn mỗi đồng xu 5 nghìn này thôi.

Nó không thích tiền xu vì cầm tiền xu dễ rơi lắm. Nó đưa cho chị số tiền mà nó bán cả buổi 4 ngàn để đổi lấy đồng xu 5 ngàn, nó nắm chặt đồng xu trong tay cho khỏi rơi. Nó đứng dậy, nhấc cái rổ đựng rau lên, bây giờ nó sẽ buộc cái rổ vào sau xe đạp và đi về nhà thật nhanh. Nó thấy khá lạnh và trời thì đã tối lắm rồi.

Bà bán rau ngót cũng sắp về, bà nhặt những rau và rác ở chỗ của bà và nó. Nó thấy ngại vì 2 ngày qua bán xong là nó về luôn, chẳng nghĩ gì đến việc dọn dẹp cả. Bỗng: keng! Vì cố buộc sợi dây nó đã đánh rơi mất đồng tiền. Nó ngồi xuống, mặt cúi sát nền đất và đưa hai tay lần mò trên nền đất để tìm.

Biết nó rơi tiền, bà cũng cúi xuống loanh quanh tìm giúp nó nhưng hai bà cháu tìm mãi mà không thấy. Chợ có đèn nhưng ánh đèn điện chỉ đủ soi tỏ mặt người, nhất là đêm tối thế này chẳng thể nhìn rõ những gì trên đất mà tìm. Nó nói với bà, giọng đầy chán nản và thất vọng:

- Về thôi bà ạ. Chắc là không thấy đâu.

Mắt nó chực khóc, tiếc công mẹ cắt rau cả buổi trưa, công nó bán từ chiều. Số tiền ấy mẹ cho nó. Nó đã hứa ngày hôm sau sẽ mua bánh gai cho em. Nó bật khóc tức tưởi.

- Hai bà cháu tìm thêm lần cuối nhé. Đừng khóc, chắc sẽ thấy thôi.

- Bà tìm thấy đây rồi!

- Đâu hả bà? Bà tìm thấy ở đâu vậy?

- Ở sát hòn gạch kia kìa!

- Ôi, sao mà nó bắn xa thế nhỉ?

- Ừ, thôi ta về thôi cháu.

- Cháu cảm ơn bà.

Mai chị mua bánh gai cho em thật chứ? Ừ, chị hứa. Em ngủ đi! Nó kéo cái chăn đắp cho em và nằm xuống định ngủ. Rồi nó cầm đồng xu 5 nghìn lên ngắm và nghĩ lan man, cảm giác hối lỗi vì đã ghen tị, cáu gắt với bà. Nó nhớ cảm giác đồng tiền rơi vào chân nó rồi văng ra, nó cảm giác đồng tiền rơi đâu đó ngay cạnh chỗ nó đứng thôi. Vậy mà tại sao bà lại tìm được ở mãi chỗ hòn gạch ấy nhỉ? Mà hình như đồng tiền này mới hơn đồng tiền chị mua rau đưa cho nó. Nó lan man nghĩ và ngủ quên, tay vẫn nắm chặt đồng tiền xu.

Sáng hôm sau đi học, nó quyết định vòng qua chợ và tìm thấy đồng xu mà nó đã đánh rơi. Nó đợi đến 7g tối mà không thấy bà đâu. Nó kể cho mẹ, mẹ nó cũng không biết bà là ai. Nắm chặt đồng tiền trong tay nó nghĩ mình sẽ không được tiêu đồng tiền này, nó sẽ giữ, biết đâu hôm nào gặp lại bà để trả bà và cảm ơn bà.

Nó đã thành cô sinh viên đại học, ngoài việc học nó chăm chỉ đi làm thêm để giảm gánh nặng học phí cho bố mẹ. Nó biết bây giờ gia đình nó không còn quá khó khăn, bố mẹ không hề bắt nó phải làm thế nhưng thật sự nó thấy thời gian rảnh rỗi của một sinh viên là khá nhiều. Những câu nói và hình ảnh của bà bán rau ngày nào khiến nó thích đi làm thêm để kiếm tiền. Có đồng tiền xu ấy và bài học về lòng yêu lao động của bà, nó tin mình sẽ không bị sa ngã khi học xa nhà, xa vòng tay bao bọc của bố mẹ.

Mỗi lần cầm đồng tiền xu lên ngắm nghía nó vẫn thầm nhủ: Cảm ơn bà, chỉ là một bà bán rau nhưng bà đã dạy cho con những bài học quý mà có lẽ đọc nhiều sách thì con cũng khó mà hiểu thấm thía được.

PHẠM THỊ QUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân