12/12/2011 06:13 GMT+7

Nhận diện "cò" chạy chứng chỉ quốc phòng

Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng:
Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng:

TT - Trước cổng Trung tâm Giáo dục quốc phòng (ĐHQG TP.HCM) thường có một số “cò” nhận chạy điểm, “bao đậu” các kỳ thi lấy chứng chỉ. Ban giám đốc nhận định đây là hiện tượng có dấu hiệu lừa đảo và sẽ nhờ cơ quan công an vào cuộc.

Read this on Tuoitrenews.vn

7m31LQbn.jpgPhóng to
“Cò” Thành ra giá cho mỗi học phần là 2 triệu đồng (ảnh chụp trước cổng chính Trung tâm Giáo dục quốc phòng ĐHQG TP.HCM chiều 30-8) - Ảnh: Tú Quyên

Để được cấp chứng chỉ quốc phòng, sinh viên (hệ ĐH) phải trải qua thời gian khoảng một tháng học tập với bốn học phần, sau đó sẽ được cấp chứng chỉ. Nếu không có chứng chỉ này, SV sẽ không được tốt nghiệp.

1,5-4 triệu đồng/học phần

14g ngày 30-8, chúng tôi cùng một nữ SV Đại học Luật TP.HCM đến trước cổng chính Trung tâm Giáo dục quốc phòng - ĐHQG TP.HCM (Dĩ An, Bình Dương). Một lát sau “cò” Thành (tên Trần Ngọc Thành - PV) xuất hiện. Sau khi nghe nhu cầu, “cò” Thành cười xuề xòa nói: “Ở đây tôi đã làm cho bao nhiêu khóa học rồi, không ai phàn nàn về chuyện bằng thật giả gì đâu. Tôi sống quanh năm ở đây chứ nơi nào khác đâu, làm như thế này phải giữ chữ tín là trên hết. Giá mỗi học phần là 2 triệu đồng. Bao nhiêu học phần, bấy nhiêu tiền cứ thế nhân lên”.

Ông Thành cho rằng nếu liên hệ được một nhóm SV 5-10 người sẽ được “giảm giá” chút đỉnh cho người giới thiệu còn 1,5 triệu đồng/học phần. Trước đó vào đầu tháng 8, “cò” Thành ra giá 3 triệu đồng/học phần với một nhóm SV ở quán cà phê gần trung tâm. Ông này nói: “Đây là giá bèo nhất, không có thằng nào làm thấp hơn đâu”.

“Chắc Tuấn lo được”

Khu vực trước cổng Trung tâm Giáo dục quốc phòng không chỉ có các “cò” là xe ôm thường xuyên lui tới, mà bảo vệ ở đây cũng nhận chạy chứng chỉ cho những ai có nhu cầu.

Chiều 30-8, một bảo vệ ở cổng trung tâm hỏi chúng tôi: “Tìm Tuấn để lo bằng lái xe?”. Chúng tôi trả lời tìm “anh Tuấn lo chứng chỉ” thì nhân viên này tỏ ra biết chuyện: “Chắc Tuấn lo được vì Tuấn biết nhiều”. Hầu như các bảo vệ ở đây đều biết chuyện Tuấn chạy chứng chỉ.

Một bảo vệ tên Nguyễn Thành Trọng cho chúng tôi số điện thoại của Tuấn và nói: “Có gì cứ liên hệ với Tuấn, Tuấn sẽ lo cho bạn hết”. Trong một lần tiếp xúc vào ngày 5-8, ông Tuấn phân trần: “Tôi nhận giá như vậy bỏ túi cho mình chỉ 1-2 xị (100.000-200.000 đồng - PV)/học phần, số tiền còn lại đi đâu thì mấy cậu tự hiểu”.

“Cò” Thành cho hay những trường hợp được ông “giúp đỡ” phần lớn là SV năm cuối các trường, có khi là SV đã học xong nhưng chưa có chứng chỉ để tốt nghiệp. “Cò” Thành cho biết do danh sách học viên khóa học vào tháng 9 đã quá đông, nên vào thời điểm này kiếm một suất đăng ký để học và thi là rất khó. Nói xong, ông Thành liền lấy điện thoại gọi cho ai đó rồi quay lại nói: “Đợi một lát”.

Ông Thành tót lên xe chạy một mạch vào cổng trung tâm, vài phút sau chở ra ông Nguyễn Minh Tuấn, đội trưởng đội bảo vệ ở trung tâm. Ông Tuấn trong bộ dạng còn ngái ngủ: “Nói mấy bạn đi thi cho có lệ để các bạn yên tâm thôi, chứ không nhất thiết phải có mặt. Vì bên tôi lo điểm hết rồi, không thể có chuyện bằng giả”.

Mỗi lần giới thiệu, “cò” Thành nhận được ít tiền bồi dưỡng từ ông Tuấn. Ông Thành nhiều lần nói: “Tôi chạy như vậy đâu có được nhiều hay ăn chia gì, chỉ được chút tiền cà phê”. Theo lời ông Thành, ở trước cổng trung tâm không chỉ mình ông “có cửa chạy” nhưng chỉ có chỗ ông mới đảm bảo giá “phải chăng”, SV không cần học mà vẫn có chứng chỉ và nếu muốn điểm cao sẽ có điểm cao.

Chứng chỉ được “lưu sổ hẳn hoi”

Khi chúng tôi gặp một “cò” khác là “cò” Thanh, ông Thanh cũng chào mời không kém phần sôi nổi. Ông ta tuôn một lèo: “Có nhiều hình thức chạy, bây giờ các cậu muốn đi học hay không đi học? Không đi học tôi chạy giá 4 triệu/ học phần, 8 triệu/2 học phần... và 16 triệu đồng cho cả 4 học phần”. Theo đó, “cò” Thành và Thanh có khá nhiều đối tác là SV đang chờ đến ngày nhận chứng chỉ và sau cuộc mua bán thì cắt đứt liên lạc, đường ai nấy đi.

“SV còn đi học thì lấy giá 2-3 triệu đồng/học phần, đi làm rồi thì phải 4 triệu đồng/học phần - “cò” Thanh cho hay - Đợt này khoảng chín đứa làm đó, có làm thì làm lẹ đi và đưa tiền trước. Tháng sau lấy phiếu điểm, đến đợt khoảng ba tháng nữa thì lấy chứng chỉ”. Phương thức “chạy” của ông Thanh là đưa tiền trước, bảng điểm và chứng chỉ ông sẽ giao tận tay. SV chỉ đi học và thi cho có lệ, thậm chí có thể vắng mặt.

Theo điều tra, từ những “cò”, một số SV thuộc các trường đại học đã “đặt tiền” hòng không bận tâm đến chuyện học tập, thi cử. Như một SV khoa điện - điện tử Trường ĐH GTVT TP.HCM, ngỡ chúng tôi là người cùng cảnh ngộ, SV này nói: “Tháng trước tôi mua chỗ ông Thanh bảo vệ giá 7 triệu đồng cho hai phần tín chỉ”.

Theo tìm hiểu, “cò” Thanh từng là bảo vệ tại Công ty bảo vệ Đại Hoàng Nam (trụ sở ở tỉnh Bình Dương, công ty này có hợp đồng bảo vệ tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - PV), đã nghỉ việc ở trung tâm vào cuối năm 2010. Dù vậy, ông Thanh vẫn dán “mác” còn làm việc và quen biết khá sâu rộng, hiện đang trong quá trình nghỉ phép để có thời gian “giúp đỡ” SV. Ông giải thích do các “mối” quen biết trước đó giới thiệu nên ông thường xuyên có thêm “mối mới”. Qua nhiều lần tiếp xúc, ông Thanh huyên thuyên khẳng định: “Không phải mua bán ngoài chợ trời mà mày lo, vì đây có sổ lưu hẳn hoi, muốn làm bằng giả thì tao làm được nhưng không chịu trách nhiệm”.

U9BX0c6m.jpgPhóng to

Nguyễn Minh Tuấn, đội trưởng đội bảo vệ trung tâm, trao đổi giá trước cổng chính Trung tâm Giáo dục quốc phòng (ĐHQG TP.HCM) chiều 30-8. Hiện ông Tuấn đã bị cắt hợp đồng bảo vệ -Ảnh: Ngọc Khải chụp từ video clip

Sáng 2-12, ông Trịnh Tấn Hoài - giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng (ĐHQG TP.HCM) - nhận định đây là hiện tượng có dấu hiệu lừa đảo mới xuất hiện do các bảo vệ ở trung tâm (bao gồm một bảo vệ cũ và một bảo vệ đang làm việc tại Công ty bảo vệ Đại Hoàng Nam) và các cá nhân bên ngoài thực hiện nhằm lừa tiền của sinh viên. Ông cho rằng những “cò” có thể đã “đón gió” để lấy tiền sinh viên, tức sinh viên thi đậu học phần thì lấy tiền, còn không đậu thì trả tiền lại. “Chúng tôi sẽ rà soát quy trình cấp chứng chỉ, rà soát con người và kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm” - ông Hoài nói. Còn đại tá Nguyễn Tấn Hưng, phó giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng, khẳng định: “Chúng tôi sẽ vào cuộc làm rõ, không bao che các trường hợp vi phạm”.

Chiều cùng ngày, ban giám đốc trung tâm đã có buổi tiếp xúc, làm việc với ông Nguyễn Minh Tuấn (bảo vệ Công ty Đại Hoàng Nam) và đề nghị ông này viết kiểm điểm, sau đó lập hồ sơ vụ việc để chuyển qua Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) điều tra. Diễn biến khác vào chiều 2-12, ban giám đốc Trung tâm nhận được công văn của ban lãnh đạo Công ty bảo vệ Đại Hoàng Nam về việc chấm dứt hợp đồng bảo vệ (có giá trị đến ngày 31-12) và gửi lời xin lỗi ban giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng ĐHQG TP.HCM về những thiếu sót trong việc quản lý nhân viên.

Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng:
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên