25/11/2011 08:14 GMT+7

Chữa cháy

VÕ HÙNG
VÕ HÙNG

TT - Đầu năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đưa ra thông tin được rất nhiều người quan tâm. Đó là sẽ thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo hướng giảm tải.

Mục đích là hướng tới việc giảm nhẹ gánh nặng chương trình cho học sinh cũng như giáo viên. Chủ trương này được rất nhiều người đồng tình bởi lâu nay chương trình học tạo tâm lý nặng nề cho cả học sinh lẫn giáo viên. Thế nhưng, khi năm học mới đã bắt đầu, giáo viên cũng chỉ nghe thông tin trên ở mức chủ trương. Tổ chức dạy, học gần cả tháng trời, các trường mới nhận được tài liệu hướng dẫn về để... thảo luận.

Cũng đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đưa vào kế hoạch năm học chủ trương không chấm điểm các môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Thay vào đó, giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng cách nhận xét.

Theo Bộ GD-ĐT, đây là sự điều chỉnh vừa nhằm thay đổi quan điểm cực đoan chạy theo điểm số, vừa kết hợp giữa dạy kiến thức và giáo dục đạo đức, lối sống học sinh. Bộ đã ấn định thời điểm áp dụng chủ trương này ngay từ đầu năm học. Nhưng đến nay, quy định cụ thể hóa chủ trương này lại chỉ mới là... dự thảo. Và chưa biết đến bao giờ mới được ban hành chính thức, để các trường có thể triển khai cho giáo viên thảo luận và thực hiện.

Cả hai chủ trương trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục phổ thông. Chính vì thế, đã có rất nhiều ý kiến bàn luận xung quanh nội dung hai chủ trương này. Có nhiều người đồng tình và cũng rất nhiều người phản đối. Song, những bàn luận này sẽ khó có cơ hội được ghi nhận bởi cả hai chủ trương của bộ đều đưa các địa phương, các trường và toàn thể giáo viên vào thế chỉ biết chấp nhận. Chẳng hạn với chủ trương giảm tải, giáo viên còn có thể bàn bạc gì nữa với bộ tài liệu hướng dẫn được đưa ra khi năm học đã diễn ra. Thậm chí với chủ trương không chấm điểm các môn thể dục, mỹ thuật, âm nhạc, giáo viên còn bàn bạc gì nữa khi học kỳ I của năm học đã sắp khép lại. Các trường, giáo viên không thể không thực hiện.

Quá tải hay chạy theo thành tích là những căn bệnh trầm kha mà giáo dục đang mắc phải. Dư luận lên tiếng rất nhiều. Vì thế, những chủ trương để giải quyết các căn bệnh này đương nhiên được nhiều người chờ đợi. Nhưng điều đó không thể biện hộ cho cách làm thiếu kế hoạch, chạy theo dư luận một cách ngắn hạn.

Một chủ trương lớn không được lắng nghe và chuẩn bị một cách đầy đủ thì khó mà nhận được sự đồng thuận cao. Và khi không có được sự đồng thuận, những người thực hiện cũng chỉ chấp nhận làm cho xong khiến chủ trương ấy ít phát huy hiệu quả. Đó là chưa kể rất nhiều hạn chế của nó sẽ ngày càng bộc lộ do không kịp tiếp thu đóng góp của những người trong cuộc.

VÕ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên