20/10/2011 07:06 GMT+7

Tìm không đủ giáo viên ngoại ngữ

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TT - Tại hội nghị trực tuyến về triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ diễn ra ngày 19-10, hầu hết đại diện các tỉnh, thành tham dự nêu lên rất nhiều khó khăn, trong đó đa số đều cho rằng “tìm đủ giáo viên đạt chuẩn” là việc gian nan nhất.

e2O46qAJ.jpgPhóng to
Tìm đủ giáo viên đạt chuẩn là thách thức trong việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ. Trong ảnh: cô Châu Vương, giáo viên Trường tiểu học Trương Quyền, Q.3, TP.HCM, dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 4C - Ảnh: MINH ĐỨC

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, với đề án “dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” đã được Chính phủ phê duyệt, cần phải thay đổi quan điểm coi ngoại ngữ (tiếng Anh) là một trong những môn học để đi thi mà là việc trang bị cho người học một công cụ để sử dụng được trong cuộc sống.

Không học chỉ để thi

Không hạ chuẩn

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong năm 2011 phải ban hành được hướng dẫn biên chế cho giáo viên tiếng Anh ở trường phổ thông, đề nghị các cơ sở giáo dục đã được giao nhiệm vụ có kế hoạch đào tạo nguồn giáo viên tiếng Anh đáp ứng yêu cầu mới. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống giáo viên tiếng Anh tình nguyện hỗ trợ các vùng khó khăn. Ông Nhân khẳng định: “Dù khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn giáo viên cũng như hạ chuẩn về chất lượng dạy học”.

Muốn đạt được điều này cần phải thay đổi cách dạy, cách học, cách đánh giá, đi kèm là những điều kiện cần thiết như phòng học, trang thiết bị đảm bảo việc dạy học đạt chất lượng, các trường phải tổ chức học hai buổi/ngày ở trường, sĩ số học sinh/lớp phải giảm và có khả năng chia nhóm... Đây là những vấn đề mà nhiều địa phương chia sẻ “đụng đâu cũng thấy còn vướng”.

Tại Hà Nội - một trong những nơi có điều kiện khá hơn so với nhiều địa phương trong việc triển khai đề án dạy học ngoại ngữ, nhưng theo ông Phạm Xuân Tiến - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, các mô hình dạy học ngoại ngữ có hiệu quả thường chỉ 22-25 học sinh/lớp. Hà Nội chỉ mong tổ chức được 30-35 học sinh/lớp nhưng thực tế có trường sĩ số 50-60 học sinh/lớp. Giải pháp tình thế là chia đôi lớp để học tiếng Anh. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có phòng học để chia lớp, mà nơi có phòng học thì thiếu trang thiết bị dạy học.

Một trong những vấn đề đáng nói nhất của việc chậm trễ chuyển hướng dạy học ngoại ngữ là giáo viên chưa có phương pháp dạy phù hợp, đặc biệt là phương pháp dạy học sinh tiểu học. Trong khi đó, nhận thức của cha mẹ học sinh, của học sinh vẫn không thoát ra được mục tiêu ứng thí.

Tiến sĩ Trần Minh Cả, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông còn khiêm tốn, hiệu quả còn thấp.

Ngay cả TP.HCM, nơi có trên 50% học sinh tiểu học được học các chương trình ngoại ngữ với hơn 1.000 giáo viên tham gia dạy tiếng Anh tự chọn ở bậc tiểu học và 500 giáo viên dạy chương trình tiếng Anh tăng cường cũng còn lắm vấn đề. Nhận xét về chất lượng dạy học, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM, cho rằng: “Phương pháp dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông còn lạc hậu, chủ yếu học để đi thi, dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp”.

Với định hướng “đổi mới cách làm”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Từ thay đổi động lực (học để sử dụng) dẫn đến việc thay đổi phương pháp. Nhưng để thay đổi phương pháp phải quay lại bài toán về giáo viên”.

4% giáo viên đạt chuẩn

Trong khi đó trao đổi bên lề hội nghị, đại diện một số sở GD-ĐT khu vực miền núi phía Bắc thừa nhận: “Số lượng giáo viên còn chưa đủ, nói gì đến chất lượng.”

Riêng đại diện Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết: “đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong tỉnh đã đủ về số lượng nhưng hạn chế là được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Số lượng giáo viên được đào tạo chính quy từ các cơ sở đào tạo về ngoại ngữ có chất lượng còn thấp. Qua đợt khảo sát vừa rồi, bậc tiểu học và THCS ở Hải Dương chỉ có 14% giáo viên đạt chuẩn, thậm chí bậc THPT chỉ có 4% giáo viên đạt chuẩn”.

Một trong những địa phương đi đầu trong giảng dạy ngoại ngữ là Đà Nẵng với 100% trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh từ lớp 3 và 40% trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Anh từ lớp 1. Thế nhưng đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng thừa nhận khó khăn và nan giải nhất vẫn là yêu cầu về đội ngũ giáo viên tiếng Anh đảm bảo tiêu chuẩn (trình độ B2) và kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT An Giang - cho biết đợt khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh vừa rồi An Giang có 340 giáo viên tiểu học thì chỉ 10 giáo viên đạt chuẩn như quy định của Bộ GD-ĐT.

Chẳng những thế, hiện nay định biên cho giáo viên tiếng Anh ở nhiều địa phương không có. Trong khi các nhà trường không thể chi trả tiền cho giáo viên hợp đồng vì không được phép thu tiền của người học. Chế độ lương cho giáo viên dạy tiếng Anh không đủ khuyến khích người có trình độ.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: hiện giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và có năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy tiểu học nhưng quy định về trình độ và mức lương chưa được tháo gỡ nên không thu hút được, khiến có tình trạng thừa giáo viên giỏi nhưng thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên