05/10/2011 14:15 GMT+7

Oằn vai đi học - Kỳ cuối: Thoát ra bằng cách nào?

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN
VĨNH HÀ - THƯ HIÊN

TT - Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn quá tải - giảm tải không phải chỉ là việc cắt gọt vài nội dung trong chương trình hay những quy định chỉ để giải quyết phần ngọn.

9U22r2bc.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM sau giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, khi tranh luận về những bất cập ở giáo dục phổ thông đã cho rằng: “Phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt, thay vào đó là việc coi trọng năng lực tư duy độc lập, dạy cho học sinh cách tự học, khuyến khích học sinh sáng tạo. Phải xác định rõ kiến thức, kỹ năng nào là cơ bản và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông, nhất là ở các bậc học thấp”.

Thay đổi cách thi

Có quan điểm tương tự, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi phát biểu: “Với cách dạy như hiện nay, Bộ GD-ĐT có giảm tải thế chứ giảm nữa thì vẫn nặng nề. Muốn giảm thì phải thay đổi cách dạy. Phải xác định mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phổ thông hiện nay là không nhồi nhét kiến thức”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng “thay đổi cách thi cử” là cách để thay đổi việc quá tải. Vì mấu chốt vấn đề khi thầy cô, học sinh, phụ huynh lao vào học thêm, học nâng cao cũng chỉ vì mong muốn vượt qua kỳ thi. TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: “Để học sinh không phải oằn vai đi học thì phải giảm tải, nhưng chất lượng giảm tải chính là mục tiêu rèn tư duy, rèn nhân cách học sinh. Ông Lâm cho rằng: “Muốn giảm áp lực học tập cho học sinh phải cải tiến thi cử. Giảm tải mà không cải tiến thi thì giảm tải không có ý nghĩa gì”.

Là người trực tiếp giảng dạy, cô Nguyễn Như Hương, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, cho rằng dẫu có giảm tải học sinh vẫn đi học thêm do áp lực thi cử. Phụ huynh không yên tâm nên kiểu gì cũng cho con đi học thêm. Nhiều học sinh nói rằng không học thêm không làm được bài.

GS Hoàng Tụy, người nhiều năm qua kiên trì đề xuất việc cải cách giáo dục, đã coi việc đổi mới thi cử là một trong những việc cần làm đầu tiên. Nhưng theo ông, đổi mới thi không có nghĩa là tăng thêm quy định này, sửa đổi quy định kia như ngành GD-ĐT từng loay hoay làm thời gian qua. GS Hoàng Tụy cho rằng “Việc học và kiểm tra phải được thực hiện ngay trong quá trình học chứ không đổ dồn vào những kỳ thi cuối cấp”. Nếu việc dạy học có chất lượng, được “kiểm tra chất lượng” thường xuyên thì không cần lao vào một kỳ thi nặng nề như đã làm.

GS Hoàng Tụy cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng thay đổi cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó phân luồng mạnh mẽ để một bộ phận học sinh phổ thông đi theo hướng học nghề là cách “giảm tải”- giảm áp lực chạy đua vào đại học, theo đó sẽ giảm dạy thêm học thêm, giảm nhồi nhét kiến thức không cần thiết. Bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng: “Phân luồng sau THCS và THPT sẽ thay đổi tình trạng 90% học sinh lao vào luyện thi đại học bằng mọi cách”.

Chăm lo cho giáo viên

Lâu nay việc giáo viên dạy thêm, giáo viên có thái độ không đúng mực khi ép học sinh học thêm, trù dập học sinh khi các em không học thêm... gây bất bình cho dư luận. Nhưng để giải quyết việc này, không thể chỉ tăng cường các mức chế tài, thắt chặt bằng cách quy định quản lý. Giải pháp đó, chặn chỗ này sẽ bung ra ở chỗ khác, việc lập lại trật tự sẽ chỉ mang tính hình thức. Minh chứng cho điều này là việc nhiều giáo viên họp phụ huynh lại để đề nghị ký vào biên bản “đồng ý cho cô dạy nâng cao chương trình”, là việc ban đại diện phụ huynh đi thuyết phục, phát đơn “tự nguyện xin học thêm”. Người không muốn cũng phải cho con đi học.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, giải pháp vừa giải quyết tốt vấn nạn tiêu cực trên vừa mang tính nhân văn là giải pháp “chăm lo tốt hơn cho giáo viên”. Chăm lo cho giáo viên trước hết là chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên có kiến thức, trình độ, khả năng nắm bắt tâm lý, bám sát đối tượng học sinh để dạy tốt trong nhiều điều kiện khác nhau. Chăm lo cũng là việc xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng, cơ chế quản lý chặt chẽ nhưng khuyến khích giáo viên cống hiến.

GS Hoàng Tụy tha thiết đề nghị sớm cải cách chế độ lương đối với giáo viên. “Chỉ khi giáo viên được tôn trọng thật sự, có thể sống được bằng thu nhập chính đáng từ nghề thì họ mới yên tâm làm việc, chấm dứt những kiểu kiếm tiền bằng cách này cách khác. Cho dù giáo viên có tâm huyết nhưng nếu cơ chế đãi ngộ không thay đổi, họ cũng sẽ mệt mỏi, tâm huyết cũng sẽ mất dần”- GS Hoàng Tụy tâm sự.

Nhà giáo nhân dân Tôn Thân, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học giáo dục VN, nhận xét: “Chế độ đãi ngộ kém quá nên chẳng ai muốn thi vào sư phạm”.

Phê phán những hiện tượng tiêu cực trong thực tiễn dạy và học để thấy những bất ổn trong quan điểm của người học, người dạy. Nhưng sâu xa hơn, đó là hệ lụy của những bất ổn của cả nền giáo dục hiện nay.

Một cán bộ giáo dục ở TP.HCM cho rằng chương trình học hiện nay có chỗ nặng, chỗ nhẹ chứ không phải hoàn toàn nặng. Với chương trình đó, nếu thầy cô giáo chủ động trong phương pháp dạy học thì hoàn toàn có thể biến nặng thành nhẹ. Ngược lại, dạy kiểu thủ công thì nhẹ cũng thành nặng. Chuyện học thêm, dạy thêm thực chất là cách dạy theo cá thể, cần phân loại: học sinh nào giỏi thì mình dạy ít lại, học sinh nào yếu thì dạy nhiều hơn, nhưng hiện nay đã bị nhiều người hiểu sai và phụ thuộc vào chuyện đóng tiền thì mới học thêm.

Mặt khác, việc phân luồng, định hướng cho HS cuối cấp chưa tốt. Chúng ta đang quan điểm cả làng đi thi đại học, hễ tốt nghiệp là thi đại học thì buộc các em phải học đêm học ngày để đậu đại học dù không đủ sức. Nhiều khía cạnh liên quan khiến việc quá tải không thể giải quyết nếu không có giải pháp đồng bộ.

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên