Ngổn ngang những công trình trường học

TRÀ GIANG - DUNG QUẤT
TRÀ GIANG - DUNG QUẤT

TT - Năm học mới đã bắt đầu, nhưng ở Quảng Ngãi hàng chục công trình trường học được xây mới... dù thi công mấy năm nay vẫn chưa xong. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Read this on Tuoitrenews.vn

2Tvv9k9m.jpgPhóng to

Trường THCS Nghĩa Hành đang thi công dở dang thì bị ngưng - Ảnh: Trà Giang

Dự án cải tạo, mở rộng Trường THPT chuyên Lê Khiết, TP Quảng Ngãi được khởi công xây dựng từ đầu năm 2005, với các hạng mục xây mới gồm: nhà hiệu bộ, 12 phòng học, nhà đa năng, nhà để xe học sinh... với tổng vốn đầu tư gần 11 tỉ đồng.

Nhà thầu bỏ chạy

Tuy nhiên sau năm năm xây dựng, nhiều gói thầu hiện nay bỏ thi công, xuống cấp, thất thoát nguồn vốn, điển hình như khu hoạt động thể chất với tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng. Nhà đa năng thi công dở dang, một số hạng mục chưa triển khai xây dựng nhưng chủ đầu tư đã nghiệm thu và quyết toán khống cho nhà thầu với số tiền vượt khối lượng hơn 90 triệu đồng. Theo lãnh đạo nhà trường, dù đã nhiều lần mời bên B đến giải quyết nhưng nhà thầu vẫn im lặng.

Chủ đầu tư không có chuyên môn

Ngoài nguyên nhân thả nổi dự án, trong kết luận thanh tra mới đây của Sở GD-ĐT có nguyên nhân từ chủ đầu tư là các trường.

Qua thanh tra hai trường THPT Lê Khiết và Dân tộc nội trú Ba Tơ đều có kết luận do hiệu trưởng và kế toán nhà trường không có chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, không nắm rõ các quy trình về thủ tục hồ sơ đầu tư dẫn đến nghiệm thu hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán thiếu khối lượng thực tế...

“Sở GD-ĐT là đơn vị quản lý ngành đối với các đơn vị trực thuộc sở, nên biết được thủ trưởng đơn vị nào có năng lực, có kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng để giao phó và hơn hết biết nhu cầu của trường nào đang cần gì. Nhưng thời gian qua lại không có quyền này dẫn đến tình trạng trên”- ông Phu cho biết.

Số phận “vật vờ” nhất phải nói đến Trường THCS dân tộc nội trú Ba Tơ, được khởi công từ tháng 5-2008 với mức đầu tư 1,2 tỉ đồng. Theo hợp đồng ký kết với nhà thầu, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8-2008. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong phần khung của dãy nhà vào cuối tháng 12-2009 thì đơn vị thi công bỏ chạy khiến công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Bà Bùi Thị Tâm, hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú Ba Tơ, cho biết người ký kết hợp đồng với nhà thầu là hiệu trưởng cũ Rô Đăm Bình nay đã nghỉ hưu, nên mọi công việc hiện tại bà chưa thể xử lý một cách cụ thể do khi nhận nhiệm vụ mới công trình đã “treo” từ trước đó. Do mới xây dựng phần thô và chưa có mái lợp nên nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng. Phần vách bị mưa ướt thấm nước khiến nhiều đoạn ximăng bong tróc, meo mốc bám dày.

Theo bà Tâm, nhà trường đã nhiều lần gửi giấy mời yêu cầu nhà thầu quay lại tiếp tục công trình nhưng đã nhận được câu trả lời là “do khủng hoảng về tài chính nên nhà trường thông cảm, công ty sẽ thi công trong thời gian đến”. “Nguyên nhân khiến nhà thầu bỏ chạy là do trước đó, trong quá trình ký kết hợp đồng phía nhà trường đã thực hiện việc thanh toán cho nhà thầu vượt khối lượng công trình thực hiện (hơn 90% tổng số vốn)” - bà Tâm nói. Cùng chung số phận là hàng loạt trường học như THPT Ba Gia (Sơn Tịnh), THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức), THCS Trần Phú (TP Quảng Ngãi)...

Chưa rạch ròi

Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Đỗ Văn Phu - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, là do cơ chế quản lý công tác đầu tư, xây dựng công trình tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa rạch ròi. Gần như các công trình đều được cấp vốn từ đầu mối là Sở Kế hoạch - đầu tư nên nhiều công trình được đầu tư mà Sở GD-ĐT không biết. Sở chỉ biết khi có báo cáo ngược từ các trường lên (các đơn vị trực thuộc sở). “Trong số 213 tỉ đồng chi đầu tư phát triển GD-ĐT và dạy nghề của Quảng Ngãi năm 2011, Sở GD-ĐT chỉ nắm được 16,7 tỉ đồng từ tám đơn vị trường học đang được đầu tư, khoản kinh phí còn lại Sở GD-ĐT không biết cơ quan chức năng đầu tư cho cơ sở giáo dục nào trên địa bàn tỉnh”- ông Phu cho biết.

Trong khi đó đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Ngãi, ông Ngô Anh - trưởng phòng văn hóa xã hội, nơi làm đầu mối cấp vốn cho một số dự án xây dựng trường học - cho biết dù là đơn vị cấp vốn nhưng chính Sở Kế hoạch - đầu tư cũng không theo dõi hết các dự án đã được cấp vốn xây dựng.

Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ dựa trên tờ trình của các huyện theo chương trình mục tiêu, sau đó tham mưu với tỉnh cấp vốn. Còn về các huyện sử dụng vốn, đầu tư cho các công trình nào chưa có đơn vị nào báo cáo.

TRÀ GIANG - DUNG QUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên