26/05/2011 07:13 GMT+7

Nhà trẻ "teo tóp"

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Theo chân một số bà mẹ sắp hết thời hạn nghỉ hộ sản, chúng tôi phần nào thấy nỗi khổ của việc tìm nơi học cho trẻ từ 4-18 tháng tuổi. Trường công không nhận, trường tư học phí quá cao, nhóm trẻ gia đình thì tồi tàn.

q7UE1eBp.jpgPhóng to
Hiện còn ít trường công lập tổ chức lớp cho lứa tuổi nhà trẻ. Trong ảnh: giờ chơi của các bé lớp cơm nát (12-24 tháng tuổi) tại Trường mầm non tư thục Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng

Từ khi nhà trẻ sáp nhập với trường mẫu giáo thành trường mầm non, các trường này chỉ ưu tiên nhận trẻ trên 18 tháng tuổi. Nhà nước quy định các cơ sở giáo dục mầm non phải nhận trẻ từ ba tháng tuổi. Nhưng trên thực tế, quy định chỉ là quy định...

Mỏi mắt tìm nơi gửi trẻ

Chị Bắc, công nhân may ở P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM, vừa phải nghỉ việc để ở nhà chăm con sau một tháng ròng rã đi tìm chỗ học cho con bất thành. Trước đó, khi cháu được 4 tháng tuổi, chị gửi con ở một nhóm trẻ gia đình gần nhà nhưng không yên tâm vì điều kiện chăm sóc quá kém. Với những bà mẹ công nhân như chị, tìm được một chỗ gửi con để yên tâm đi làm cũng như mò kim đáy bể. Quy định nghỉ hộ sản bốn tháng nhưng sau bốn tháng các bà mẹ không biết gửi con ở đâu để đi làm. Đó là một mâu thuẫn nhiều năm nay chưa được giải quyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP.HCM, một số trường tư thục ở Q.1, Q.3, Q.Phú Nhuận... có nhận trẻ từ 4 tháng tuổi như: Trường Thần Đồng Đất Việt, Amy, Ánh Dương... với học phí 3,5-5 triệu đồng/ tháng, thậm chí cao hơn. Dù vậy, phụ huynh cũng phải hẹn trước vài tháng hoặc đặt chỗ trước mới có chỗ học. Bởi các trường rất hạn chế mở các lớp này và thường chỉ duy trì dưới 20 bé/lớp.

Ở khối trường công lập, rất ít trường chịu duy trì lớp cho độ tuổi này. Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM tổ chức được bốn lớp cơm nát với gần 200 trẻ đã có thể coi là một “thành tựu”. Tuy nhiên, trường cũng rất vất vả để duy trì các lớp này bởi học phí cho trẻ ở độ tuổi nhà trẻ hiện nay là 50.000 đồng/tháng, so với trẻ mẫu giáo là 40.000 đồng, không còn phù hợp với giá cả hiện nay. Ở các lớp này, trung bình một cô phụ trách 10 trẻ, chưa kể nhân viên phục vụ. Trong khi đó, nếu ở lớp mẫu giáo, 40-45 trẻ chỉ cần hai giáo viên là có thể quản lý được. Tại Trường mầm non S.C, Q.Phú Nhuận, cũng chỉ có ba lớp nhà trẻ trong tổng số 14 lớp của trường. Độ tuổi nhỏ nhất mà trường này nhận là 18 tháng tuổi.

Tại Trường mầm non Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội dù có truyền thống đến 50 năm, đi lên từ mô hình nhà trẻ nhưng từ năm 2004 đến nay đã đóng cửa hẳn lớp sữa, lớp cháo (lứa tuổi nhà trẻ). Bà Thành Thị Hà, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi vẫn khuyến khích các cơ sở mầm non nhận trẻ lứa tuổi 24-36 tháng trong điều kiện có thể thu xếp được, nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Riêng lứa tuổi từ 18 tháng trở xuống, hầu hết cơ sở mầm non trên địa bàn không thể nhận”.

Né độ tuổi nhà trẻ

Bà Hà cho rằng ngoài lý do phải ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo lớn còn có những khó khăn khác. Các cơ sở mầm non công lập không thể có đủ điều kiện an toàn để chăm sóc trẻ 18 tháng tuổi. Với lứa tuổi này phải có phòng rộng rãi, an toàn, có cũi giữ trẻ, xe tập đi và nhiều thiết bị phù hợp khác, giáo viên cũng phải có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc với trẻ lứa tuổi này nếu giáo viên sơ suất.

Theo quy định về chuẩn diện tích cho trẻ, khối nhà trẻ diện tích phải đạt 2,5m2/trẻ trong khi độ tuổi mẫu giáo chỉ đòi hỏi 1,5m2/trẻ. Với nhóm nhà trẻ, phải bố trí phòng ốc rộng, đồ chơi cá nhân ngay trong lớp và kết cấu phòng đảm bảo an toàn. Đây cũng là yếu tố khiến các trường có cơ sở vật chất còn hạn chế ngại mở lớp nhà trẻ. Về nhân sự, các trường cũng phải ưu tiên giáo viên nhiều kinh nghiệm và bền bỉ để “trụ” tại các lớp độ tuổi nhà trẻ vì công việc vất vả hơn.

Một vấn đề nữa mà một số lãnh đạo các trường mầm non cho biết là kinh phí chi cho trẻ mầm non và trẻ ở độ tuổi nhà trẻ hiện nay đã bị cào bằng. Trong khi đó, trên thực tế, kinh phí và nhân lực phục vụ lớp nhà trẻ trội hơn mẫu giáo rất nhiều. Một hiệu trưởng công tác lâu năm ở một trường mầm non bộc bạch: “Hiệu trưởng không dám mở nhiều lớp vì khó đảm bảo đời sống của giáo viên do học phí nhiều năm nay không đổi. Nguy cơ đau ốm, tai nạn của trẻ lại cao nên ai cũng né, bắt buộc mới phải làm”. Bất cập này khiến các trường mầm non không muốn nhận trẻ ở tuổi nhà trẻ. Vì thế, ưu tiên “phổ cập trẻ 5 tuổi” đã trở thành lý do chính đáng giúp họ công khai từ chối nhu cầu của phụ huynh có con nhỏ.

Mặt khác, theo nhiều hiệu trưởng các trường mầm non, để mở lớp nhà trẻ cần nhiều bảo mẫu hơn và đòi hỏi tay nghề cao hơn vì mỗi cô chỉ có thể chăm 3-4 bé. Trong khi đó, nguồn bảo mẫu còn thiếu cả về số lượng lẫn tay nghề. Nhiều bảo mẫu cũng né độ tuổi nhà trẻ vì công việc nặng nhọc, vất vả và tính trách nhiệm cao trong khi đồng lương không thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên trưởng phòng mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Hiện TP.HCM đang có nhiều giải pháp để phấn đấu tới năm 2013 có thể phổ cập được bậc mầm non 5 tuổi. Với trẻ dưới 18 tháng và đặc biệt dưới 1 tuổi phải trông cậy vào các trường tư, nhưng khu vực này đang có khó khăn về nguồn giáo viên cũng như cơ sở vật chất”.

Không nhận

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay tỉ lệ trẻ đi học nhà trẻ (dưới 36 tháng) chỉ đạt khoảng 30%, ở khối mẫu giáo tỉ lệ này là 90%.

Trong khi đó tại Hà Nội, năm học 2011-2012, để dồn sức cho việc phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi trong điều kiện “cung không kịp cầu”, nhiều trường mầm non đã phải co hẹp việc nhận mới lứa tuổi sinh năm 2008, 2009. Một số trường tuyên bố không nhận trẻ sinh năm 2008 (lứa tuổi mẫu giáo đầu tiên).

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên