Nhiều trường vì muốn đạt được định mức thu nên ngay từ đầu năm học đã giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm phải thu tất cả các khoản tiền học sinh đóng góp, nào là học phí, tiền học phụ đạo, tiền bảo hiểm, tiền xã hội hóa giáo dục, lệ phí thi... Tất cả phải thu xong trong học kỳ I, nếu không hoàn thành sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và không được xếp thi đua cuối năm. Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong ngành và trong nghề.
Theo lý giải của các trường, do số lượng kế toán và thủ quỹ của trường có hạn, lại phải làm nhiều công việc khác (bên cạnh việc thu tiền của học sinh). Nếu phải thu nhiều khoản tiền của học sinh cả trường trong một thời hạn nhất định thì bộ phận kế toán, thủ quỹ có thể không làm kịp nên nhà trường đã nhờ giáo viên “thu giúp”.
Thế nhưng, trong thực tế việc đẩy giáo viên vào những việc làm “nhạy cảm” như thu tiền, đòi tiền học sinh mỗi khi đến lớp quả thật gây tâm lý hoang mang cho giáo viên và làm mối quan hệ tôn sư trọng đạo ít nhiều bị xóa mờ đi bởi đồng tiền, hơn nữa việc làm này cũng phần nào làm chất lượng dạy - học giảm sút. Đã đành giáo viên chủ nhiệm một tuần có bốn tiết chủ nhiệm nhưng bốn tiết đó là để hướng nghiệp, định hướng tư tưởng và kỹ năng cho học sinh, đồng thời quản lý nề nếp của lớp chứ không phải để thu tiền và đòi tiền như nhiều trường đang làm.
Thiết nghĩ trường nào cũng có bộ phận hành chính kế toán, văn thư, thủ quỹ làm công tác tài chính, tại sao không giao cho các bộ phận này thu tiền mà lại giao cho giáo viên chủ nhiệm! Giáo viên chủ nhiệm chỉ có nhiệm vụ động viên và nhắc nhở chứ không có quy định nào bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải thu các khoản tiền đóng góp của học sinh. Nếu nói bộ phận hành chính kế toán khó thu thì tại sao các trường đại học, cao đẳng quản lý hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn sinh viên mà vẫn thu được?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận