Phóng to |
Sinh viên Đinh Nguyễn Huyền Trân, khoa ngữ văn Đức Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), đặt câu hỏi với các học giả - Ảnh: MINH ĐỨC |
Các diễn giả, sinh viên tham dự chương trình đã cùng trao đổi, kiến giải để làm rõ: thế nào là "tinh thần ĐH"?
Biết mỉm cười trước những khó khăn, thách thức
TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - dẫn ra thực tế các trường ĐH cảm nhận có quá nhiều quyền lực ở “trên” mình. TS Phượng nói: “Trên thực tế ở nước ta, sự quản lý giáo dục ĐH tập trung chưa có sự thuyết phục về hiệu quả, giám sát mà thường tạo cảm giác nặng nề về mệnh lệnh hành pháp, về quan liêu hóa quản lý ĐH. Chưa nói đến sự rập khuôn, áp đặt, những chuẩn mực mang tính hình thức, những trì trệ, khiếm khuyết khác, trong đó có những căn bệnh thâm căn cố đế có nguy cơ triệt tiêu tinh thần ĐH từ trong bản chất cốt lõi nhất của nó”.
TS Nguyễn Khắc Cảnh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng: “ĐH là nơi giữ cho tri thức luôn sống động, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các tài năng, đồng thời giúp người học biết tư duy thật sự... không rập khuôn, không sợ hãi, không thiết tha trông chờ ai đó nắm tay dẫn dắt bước đi”. |
Từ nhận định “ĐH đang là vấn đề xã hội quan tâm ở VN”, TSKH Nguyễn Xuân Xanh cho rằng ĐH tốt nhất nên là lấy nghiên cứu, khám phá kết hợp với giảng dạy, tự do giảng dạy.
Dẫn lời một nhà giáo dục nước ngoài, ông đưa ra quan điểm: “ĐH không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Các ĐH không chủ ý dạy tri thức đòi hỏi để làm cho con người phù hợp với các cách kiếm sống nào đó. Mục tiêu của ĐH không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa... Mục tiêu của ĐH là mối quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức hơn là lý do từ kinh tế”.
Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn khiến nhiều sinh viên thích thú với những câu chuyện để sinh viên tự nhận thức “tinh thần ĐH” qua những câu chuyện thời sinh viên của ông. Từng nghiên cứu, giảng dạy triết học ở Đức trong một thời gian dài, đồng thời nghiên cứu lý tưởng ĐH Humboldt về tự do trong học thuật, nghiên cứu, nhà triết học Nam Sơn nhấn mạnh: “Nền giáo dục chủ yếu tạo nên cho con người một lý tưởng để vươn theo. ĐH đào tạo cho thanh niên, thiếu niên lý tưởng để có thể mỉm cười trước những khó khăn, thách thức. Đó mới chính là tinh thần và triết lý của ĐH”.
Phải có văn hóa trọng đãi nhân tài
Theo TS Bùi Trân Phượng, sự tự do trong ĐH là “tự do học thuật”, có nghĩa trong học thuật nhà khoa học này có quyền đưa ra một kiến giải trong khi một nhà khoa học khác cũng có quyền đưa ra một kiến giải khác. Một nhà khoa học dù là hiệu trưởng trường ĐH thì điều này cũng không tăng thêm trọng lượng, sức thuyết phục cho kiến giải khoa học của người đó.
Một sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) băn khoăn: hiện nay đa số các trường ĐH mở ra đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chủ yếu là các ngành kinh tế. Làm sao có thể phát triển đồng đều giữa các ngành khoa học? TS Đoàn Lê Giang cho rằng ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện đang gặp nhiều khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dễ dãi trong việc mở ngành đào tạo, ai cũng có thể mở ngành và dạy những ngành học này được, không cần sự đầu tư lớn. Trong khi đó, để mở một ngành trung cấp nghề điện lại rất khó khăn...
Một sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) lại thắc mắc: hiện nay một giảng viên giảng dạy cho cả trăm sinh viên thì làm sao phản biện tốt được. “Ở nước ngoài, những trường ĐH luôn gắn liền với các viện nghiên cứu lớn, trong khi ở VN thì ngược lại. Tinh thần ĐH có cần đến việc gắn kết giữa trường ĐH với viện nghiên cứu?” - sinh viên này nêu câu hỏi.
TS Bùi Trân Phượng cho rằng các trường ĐH nếu thực hiện học chế tín chỉ một cách đúng đắn thì sinh viên có không gian và thời gian để thảo luận, phản biện theo từng nhóm nhỏ và có người hướng dẫn. Tuy nhiên theo bà Phượng, hiện nay nhiều trường ĐH chưa làm đúng nên không thể phát huy mô hình này.
Riêng vấn đề gắn kết giữa trường ĐH và viện nghiên cứu, bà Phượng cho biết hiện vẫn có nhiều nước áp dụng mô hình trung tâm nghiên cứu tách rời nhưng vẫn lấy nghiên cứu viên từ các trường ĐH và có sự liên thông với nhau. Các giảng viên ĐH vừa là nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu quốc gia. “Vấn đề là ở chất xám đội ngũ tri thức chứ không chỉ là công việc tổ chức”.
Trong khi đó, TSKH Nguyễn Xuân Xanh nói: “ĐH phải lấy nghiên cứu làm đầu tàu. ĐH cần có giao lưu thường xuyên với các ĐH thế giới và có cùng thước đo về học thuật. ĐH phải có nhiều quyền tự chủ hơn. Và điều sống còn: ĐH phải có văn hóa trọng đãi nhân tài. Phá hủy văn hóa này là phá hủy nền ĐH”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận