09/02/2011 04:01 GMT+7

Người "tạo nền" cho giáo dục

H.HG.
H.HG.

TT - Chỉ trong sáu tháng ở cương vị bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, ông đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng kể là ba chủ trương mang tính “tạo nền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tán thành và quyết định cho làm ngay.

qMzMw6gA.jpgPhóng to

Giáo sư Vũ Đình Hòe (trái) nhận hoa chúc mừng của TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tại lễ kỷ niệm 65 năm nền giáo dục cách mạng VN ngày 8-9-2010 - Ảnh: MINH ĐỨC

Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh năm 1912 trong một gia đình Nho học, nguyên quán tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tiếp thu một cách tự nhiên chí hướng của tổ tiên, từ khi bắt đầu cắp sách đi học đến lúc bảo vệ thành công luận án cử nhân luật khoa tại Trường ĐH Đông Dương, giáo sư luôn kiên trì vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, cố gắng tự bươn chải kiếm sống mà vẫn nổi tiếng học giỏi, mọi kỳ thi đều đạt hạng tối ưu.

Vĩnh biệt giáo sưVũ Đình Hòe

Giáo sư Vũ Đình Hòe - bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa - đã từ trần lúc 9g20 ngày 29-1-2011 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi.

Lễ viếng GS Vũ Đình Hòe bắt đầu từ 8g ngày 10-2-2011 (tức mồng 8 tháng giêng năm Tân Mão) tại Nhà tang lễ thành phố, 25 Lê Quý Đôn, TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 11g ngày 11-2. An táng tại Nghĩa trang thành phố.

Không mưu cầu giàu sang cho riêng mình

Nhà trí thức trẻ tuổi này không nhằm mưu cầu giàu sang phú quý cho riêng mình. Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng tới: bằng trình độ văn hóa cao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị đó muốn chung tay góp sức đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, đưa đất nước thoát cảnh lầm than nô lệ.

Vì thế ngay khi còn ngồi trong giảng đường đại học (1932-1935) ông đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của Tổng hội sinh viên.

Tốt nghiệp đại học, thay vì dễ dàng có một vị trí tốt trong hàng ngũ quan lại, công chức cao cấp của chính quyền thực dân, ông đã chọn con đường dạy học tốt đẹp và thanh bạch tại hai trường trung học tư thục nổi tiếng lúc đó: Thăng Long và Gia Long.

Cùng các giáo sư đồng nghiệp có uy tín khác như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai..., ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên mới, có trình độ văn hóa vững vàng và có tinh thần yêu nước sâu nặng.

Nhiều người trong số đó đã âm thầm theo bước các ông thầy đáng kính, đến với chiến khu Việt Bắc những ngày tiền khởi nghĩa. Và hầu như tất cả học sinh của các thầy sau đó đều đã trở thành cán bộ nòng cốt trong bộ máy chính quyền các cấp của nhà nước cách mạng non trẻ.

Vừa dạy học ông vừa tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Với vai trò phó chủ tịch, ông phụ giúp đắc lực cho cụ chủ tịch hội - cố học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau này là chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa).

Hai vị, một già một trẻ, đã đến các địa phương kiên nhẫn xây dựng phong trào, với ước muốn thiết tha cháy bỏng sao cho dân mình ngày càng nhiều người thoát nạn mù chữ. Không chỉ đầu tư công sức vào lĩnh vực giáo dục, ông còn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí”.

3 chủ trương mang tính “tạo nền” của GS Vũ Đình Hòe

Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân.

Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học.

Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. “Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền

giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học”.

Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân chủ trương tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên.

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của giáo sư với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức VN lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Số đầu xuân 1944, báo đã gióng chuông “giải phóng trong đau khổ” và nghiêm trang dự báo “không còn xa nữa bước ngoặt của lịch sử”.

Cải cách giáo dục

Tháng 3-1945, giáo sư bí mật thoát ly lên Việt Bắc. Tháng 8-1945, ông tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Cuối tháng đó, ông được mời tham gia chính phủ cách mạng lâm thời và giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

Nhờ những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, ngành giáo dục cách mạng non trẻ ngay từ những ngày độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước.

Sau sáu tháng tại vị, ông được điều sang một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng - lĩnh vực tư pháp, vẫn với cương vị bộ trưởng. Trong non 15 năm (1946-1960), ông đã có những đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa “tư tưởng pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa trên tư tưởng gốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ nằm 1961 trở đi, ông thôi chức bộ trưởng, chuyển sang hoạt động nghiên cứu tại Viện Luật học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. 15 năm làm việc với tư cách chuyên viên cao cấp (1961-1975) rồi tiếp đến thời kỳ nghỉ hưu, dù hoạn lộ thăng trầm ông luôn giữ được cốt cách một kẻ sĩ: bình tĩnh, ung dung, điềm đạm, vẫn say mê mài miệt viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Quốc hội và Bộ Tư pháp.

Những công trình của ông về luật học, đặc biệt về Dân luật đã phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới của đất nước.

Giờ đây, ở tuổi tròn 100, giáo sư Vũ Đình Hòe đã thanh thản về với thế giới những con người cao thượng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà ông hằng luôn tôn kính “về nhân tính - nhân tình và phong cách sống” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 703).

Giáo sư Vũ Đình Hòe đã ra đi nhưng những gì ông để lại khiến chúng ta như thấy người vẫn đang đồng hành với dân tộc hôm nay. Những đổi mới quyết liệt ban đầu trong ngành giáo dục mà giáo sư chủ trương đã và đang tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người.

Tập báo Thanh Nghị còn đó, bất cứ ai khi lật giở từng trang vẫn có thể rút ra những bài học quý từ những nhận thức, suy tư nặng tình yêu nước của thế hệ trí thức cha anh. Và cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe dày non 1.200 trang, trung thực, tâm huyết, giúp ta nhớ lại những biến động dữ dội của lịch sử cùng những bước đi đúng hướng nhưng đầy trăn trở của trí thức VN.

Tất cả những sản phẩm tinh thần xuất sắc ấy cùng với nhân cách phẩm hạnh cao đẹp của ông sẽ luôn gợi nhớ cho những người hôm nay một mẫu hình sống đẹp mà bất cứ ai cũng cần chân thành học hỏi.

H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên