Phóng to |
Cô Trần Thị Hằng, một trong những giáo viên phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm cùng lúc hai lớp tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - Ảnh: Vĩnh Hà |
Cô P.L., một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, kể có lần sau buổi dạy đã phải một mình lần mò đến từng quán Internet trước cổng trường tìm học sinh chơi game. Tìm được các em mà không hiểu việc các em đang lăn xả vào thì cũng bó tay. Thành ra cô phải đi học... cách chơi game để biết các em dùng thủ thuật gì dối thầy cô, cha mẹ.
Nhà quản lý không dấu
"Vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được xem như “hiệu trưởng con” chịu trách nhiệm về một nhà trường thu nhỏ" |
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm phải gánh một trọng trách lớn gấp ba lần việc giảng dạy chuyên môn. Giáo viên phải có mặt ở trường từ khi học sinh bước vào cổng trường đến khi kết thúc tiết học cuối cùng. Đó chỉ là thời gian cứng. Còn nếu có sự vụ, bất cứ lúc nào giáo viên chủ nhiệm cũng phải có mặt.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 24 lớp, nhưng hiện chỉ 19 giáo viên có khả năng đảm nhiệm công việc nặng nề này. Trong đó, một số thầy cô phải cùng lúc chủ nhiệm hai lớp. Giáo viên chủ nhiệm ở trường này không chỉ làm một việc đơn giản là học sinh hư thì gọi cha mẹ đến “bàn giao”. Thầy cô đôi lúc phải thâm nhập cuộc chơi của các em, đi theo học sinh, đi thu thập thông tin về gia cảnh học sinh.
Cô giáo T.H., một giáo viên chủ nhiệm giỏi của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tâm sự: “Với một học sinh cá biệt, có không biết bao nhiêu rào cản giáo viên chủ nhiệm phải tìm cách vượt qua để tiếp cận thế giới tinh thần của các em. Nếu không khiến được bọn trẻ thấy mình cũng yêu thương và thấu hiểu, các em có cá tính sẽ cho thầy cô “ngã ngựa” bất cứ lúc nào. Đó là những việc không có trong giáo án”.
Chính vì thế, những người trong nghề thường dành cách gọi “nhà quản lý không dấu” hay “hiệu trưởng con” cho công việc của giáo viên chủ nhiệm. Thời nào giáo viên chủ nhiệm cũng là người phải gánh vác công việc nặng nề. Ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Tìm một người có thể làm tốt công tác chủ nhiệm tôi nghĩ không dễ. Vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ có trình độ chuyên môn (thường là giáo viên dạy môn chính) mà phải là người có năng lực quản lý, có nghiệp vụ sư phạm tốt, có phương pháp giáo dục hợp lý, linh hoạt, hiểu biết tâm lý học sinh. Ngoài ra, điều không thể thiếu là tâm huyết và tình yêu thương đối với học sinh”.
“Hiệu trưởng con” phải làm những gì? Từ chuyện rèn nền nếp học tập, khích lệ học sinh giỏi, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém, giải quyết mâu thuẫn giữa học sinh, giữa học sinh và giáo viên bộ môn, xử lý những tiêu cực phát sinh trong học sinh như đánh nhau, trốn học, nghiện game, triển khai các hoạt động cho học sinh, các hoạt động bắt buộc theo chỉ đạo...
Áp lực ngoài chuyên môn
Ông Nguyễn Thành Kỳ, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Trong những chuyên đề về giáo viên chủ nhiệm, nhiều thầy cô đã nói đến những áp lực mới. Cuộc sống, suy nghĩ của học sinh thời nay phức tạp hơn trước. Quan hệ giữa giáo viên - học sinh và phụ huynh cũng nhạy cảm hơn khiến nhiều giáo viên chủ nhiệm ngần ngại”.
Cô giáo P.L. cho biết: “Một lần do có vài học sinh chểnh mảng học hành, tôi đã nhắn tin cho phụ huynh đề nghị nhắc nhở các cháu vì sắp đến kỳ kiểm tra. Lập tức có phụ huynh nhắn lại: “Xin lỗi cô vì ngày 20-11 vừa qua tôi bận quá không đến thăm cô được. Cô thông cảm giúp đỡ cháu...”. Với suy nghĩ quá thực tế theo kiểu “tiền trao, cháo múc” như thế khiến người thầy bị tổn thương”.
Và nhiều thầy cô đã tự đặt cho mình một “nguyên tắc” hạn chế tối đa tiếp cận phụ huynh học sinh. Trong việc dạy dỗ con trẻ, quan hệ đứt đoạn này là một bất lợi. Một giáo viên tại Trường THPT Trần Phú, Hà Nội kể: “Có lần vì nghiêm khắc với một học sinh mắc nhiều sai phạm, tôi đã bị phụ huynh phản ứng, dọa đưa lên công luận. Buồn và khủng hoảng là tâm trạng lúc đó. Nếu vô trách nhiệm với bọn trẻ có lẽ công việc của tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều”.
Khó khăn, áp lực càng nhiều với giáo viên chủ nhiệm trong khi thù lao cho người làm công việc nặng nề này không tương xứng đã khiến một bộ phận thầy cô giáo bằng lòng với công việc chủ nhiệm theo kiểu đối phó. Thầy Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: “Với thực trạng học sinh hiện nay có nhiều vấn đề bất ổn, ngành GD-ĐT nên nghĩ đến một chế độ phụ cấp riêng cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm nên được xem là một chức danh mà để đảm nhiệm, giáo viên cần hội đủ nhiều điều kiện và cần được đãi ngộ xứng đáng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận