01/01/2011 07:05 GMT+7

Trăn trở với trường chất lượng cao

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Chủ trương xây dựng trường chất lượng cao (CLC) ở tất cả cấp học, ngành học của Sở GD-ĐT TP.HCM như một luồng gió mới khích lệ những người làm giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng để thực hiện chủ trương này thành công, cần phải có những tính toán sát thực tế.

5KLLwuY2.jpgPhóng to
Giờ học nhóm của HS Trường tiểu học Trương Văn Thành, Q.9. Đây là một trong những trường đăng ký xây dựng trường chất lượng cao - Ảnh: H.HG.

Theo ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Xây dựng trường CLC nhằm phát huy những đơn vị có điều kiện sớm trở thành nhân tố tiên phong cho nền giáo dục tiên tiến chất lượng cao, nâng cao năng lực đầu tư và khả năng sư phạm của đội ngũ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”.

Bài toán giảm sĩ số

Tuy nhiên, “nói như giám đốc Sở GD-ĐT TP, trường CLC phải tổ chức cho HS học hai buổi/ngày và giảm sĩ số HS/lớp. Yếu tố này dễ dàng thực hiện ở bậc THPT nhưng ở bậc tiểu học rất khó khăn” - trưởng phòng GD-ĐT một quận nội thành TP.HCM phân tích. Trưởng phòng này nói: “Học sinh học hết lớp 9 đã quen với việc thi tuyển vào lớp 10, có điểm cao thì học công lập, điểm thấp vào tư thục. Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện thí điểm và gặp nhiều thuận lợi chính nhờ cách tuyển sinh này. Còn bậc tiểu học lâu nay tuyển sinh bằng việc phân tuyến theo địa bàn: trường trú đóng trên địa bàn phường nào, HS ở phường đó được ưu tiên nhận vào. Sĩ số HS/lớp cao hay thấp phụ thuộc vào số HS trong phường. Nay nếu làm trường CLC sẽ đi đôi với thu phí cao, những HS nghèo sẽ không có cơ hội học trường tốt”.

Nhiều cán bộ quản lý cấp phòng giáo dục, cấp trường cũng lo lắng về vấn đề này. “Việc vận động, giải thích để lãnh đạo địa phương thông hiểu không khó bằng việc làm sao để người dân nghèo “tâm phục khẩu phục”. Nếu ở bậc THPT, HS không có tiền học Trường Lê Quý Đôn nhưng có năng lực, thi đạt điểm cao vẫn còn cơ hội học trường Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa. Còn bậc mầm non, tiểu học tính cách nào? Có phải trường CLC chỉ dành cho con nhà giàu?” - hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn Q.3 phân vân.

Theo định hướng của Sở GD-ĐT TP, khi trường CLC có thể tự thu tự chi (từ nguồn học phí), khoản ngân sách sẽ được chuyển sang các trường khác khó khăn hơn nhằm thúc đẩy các trường này phát triển. “Định hướng này rất đúng đắn, nhưng hãy nghĩ đến đối tượng HS nghèo đang ở trên địa bàn có trường CLC. Có thể miễn, giảm học phí hoặc cấp học bổng hoặc ngân sách vẫn tiếp tục cấp cho HS nghèo theo định mức. Nếu các em muốn học trường CLC chỉ đóng khoản chênh lệch mà thôi” - hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1 nêu ý kiến.

Mấy năm nay, năm nào số dân nhập cư vào Q.Tân Phú cũng tăng đến mức chóng mặt. Song song đó, các trường tiểu học luôn ở mức quá tải, có lớp gần 60 HS. “Nếu làm trường CLC sẽ phải xây dựng gấp đôi số trường hiện tại mới có thể giảm sĩ số xuống 30 HS/lớp” - hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Tân Phú phân tích. Ông đề xuất: “Với mô hình trường CLC mọi người trong ngành ai cũng thông rồi. Vấn đề còn lại là thuyết phục lãnh đạo các địa phương để họ ưu tiên dành đất xây thêm trường, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công. Nên đưa ra chỉ tiêu cụ thể để các quận, huyện phải xây dựng thêm trường lớp. Có đủ trường lớp mới tính đến trường CLC”.

Cần thay đổi chương trình

“Trường tôi yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phải tổ chức học tập sao cho HS cảm thấy việc học là nhẹ nhàng, dễ tiếp thu nhưng hiểu sâu và nhớ lâu. Vấn đề này trong điều kiện chương trình quá nặng nề như hiện nay thật khó” - một giáo viên môn hóa Trường THPT Lê Quý Đôn phản ảnh. Theo giáo viên này, từ khi thực hiện thí điểm mô hình trường CLC, tất cả giáo viên Trường Lê Quý Đôn phải ngồi lại với nhau thống nhất trọng tâm và phân bố chương trình của từng bộ môn: “Chúng tôi phải soạn lại bài giảng theo hướng giảm tải lý thuyết, tăng cường hoạt động cho HS trong lớp. Đây là việc khó khăn nhất đối với chúng tôi, là sự đấu tranh của chính bản thân giáo viên. Vì như thế HS sẽ rất khó đậu vào đại học. Trong khi chúng tôi phải làm được một việc vô cùng quan trọng: dạy sao cho HS đậu tốt nghiệp và vào đại học”.

Ông Huỳnh Công Minh đánh giá: “Trường CLC thực hiện chương trình của Bộ GD-ĐT một cách hiệu quả theo hướng tích hợp, tinh gọn, tăng cường thời gian thực hành, thâm nhập thực tế trong và ngoài nước, rèn luyện kỹ năng sống cho HS (thời gian thâm nhập thực tế của HS chiếm tỉ trọng ít nhất là 10%)”. Nhiều giáo viên cho rằng nếu cứ giữ chương trình và phương thức thi cử nặng nề như hiện tại sẽ là rào cản lớn đối với việc xây dựng trường CLC.

Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh - hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm - đề nghị: “Điều quan trọng nhất khi xây dựng trường CLC là cần thay đổi từ Bộ GD-ĐT. Trước hết, cần thay đổi chương trình một số môn học: giảm tải môn lý, hóa, sinh; dành thời gian nhiều hơn cho môn sử, địa, giáo dục công dân và kỹ năng sống. Bởi những môn này rất cần cho HS học tiếp ở các bậc cao hơn hoặc khi ra đời làm việc ở bất cứ ngành nghề nào; môn lý, hóa, sinh sẽ học sâu ở chuyên ngành sau này”.

Trường CLC có điểm tương đồng với trường chuẩn quốc gia. Cả hai đều mang tính chỉ đạo, định hướng phát triển và nêu gương. Về tiêu chí xây dựng, trường CLC chi tiết hơn, cập nhật được chuẩn các trường tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trường CLC phải bảo đảm cho HS ở mức cao về phẩm chất và năng lực so với yêu cầu của mục tiêu đào tạo. Đây là loại hình trường có tính khả thi để thực hiện ở những vùng dân cư có điều kiện, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đồng thời chi thường xuyên cùng với học phí do phụ huynh đóng góp (theo công thức của trường CLC).

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên