Phóng to |
Quá chật chội, Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM mong muốn được dời hẳn ra ngoại thành nhiều năm nay nhưng vì thiếu kinh phí nên vẫn chưa di dời được - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy về vấn đề di dời các trường khỏi nội thành. Ông Ga cho rằng việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục. Quỹ đất ngày càng eo hẹp, nếu không có định hướng sớm các trường càng phải đi xa hơn.
Nhiều phương án
Cách đây nhiều năm, ĐH Quốc gia Hà Nội đã mở đầu xu hướng giãn bớt các trường ĐH ra ngoại thành bằng kế hoạch xây mới các cơ sở đào tạo trên một khu đất rộng 1.000ha tại Hòa Lạc - cách nội ô 30km. Theo kế hoạch này, khu ĐH Quốc gia Hà Nội mới sẽ được xây dựng đáp ứng quy mô đào tạo 30.000 sinh viên của các cơ sở đào tạo thành viên, trở thành cơ sở đào tạo tập trung chính của toàn ĐH Quốc gia Hà Nội.
Từ năm 2007, kế hoạch di dời các trường ĐH khác trong nội ô Hà Nội tiếp tục được xây dựng. Bộ Xây dựng và TP Hà Nội dự kiến quy hoạch bố trí các trường ĐH từ nội thành ra các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội)...
Ông Nguyễn Tuấn Định, phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội, cho biết các trường ĐH, CĐ được đề xuất di dời khỏi trung tâm thành phố trên cơ sở các điều kiện thực trạng và năm tiêu chí xem xét di dời.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên là vị trí trường. Những cơ sở nằm ở vị trí có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, khu vực sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm... không phù hợp môi trường GD-ĐT cần phải di chuyển đến vị trí mới. Các vị trí nằm trong định hướng phát triển chiến lược của đô thị cần phải chuyển đổi để bố trí cho các mục đích khác của đô thị như hạ tầng đầu mối, an ninh quốc phòng, dịch vụ công cộng...
Các tiêu chí tiếp theo là sự ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, quy mô đất đai, lịch sử phát triển, ngành nghề và lĩnh vực đào tạo.
“Cưỡng bức” di dời
Theo ông Nguyễn Tuấn Định - phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội, kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ khu vực trung tâm Hà Nội được dự kiến theo ba nhóm.
Nhóm một được giữ lại, nâng cấp cải tạo. Nhóm hai tiến hành di chuyển một phần hoặc chuyển đổi loại hình đào tạo ra cơ sở hai nằm ở các khu vực ngoài đô thị trung tâm. Nhóm ba thuộc diện di chuyển toàn bộ cơ sở đào tạo ra vị trí mới. Cơ sở hiện hữu được chuyển sang các chức năng phục vụ đô thị (công viên, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ...).
Theo Bộ GD-ĐT, bộ cũng đang xây dựng một bộ tiêu chí di dời. Với bộ tiêu chí này, sẽ có ba tiêu chí khi xem xét việc di dời của mỗi trường gồm: đất đai, ngành nghề đào tạo, năm thành lập và xây dựng.
Từng tiêu chí được lượng hóa bằng cách chấm điểm từ thấp đến cao theo thang điểm 100. Chấm điểm theo nguyên tắc là các điều kiện tốt, đầy đủ, ổn định sẽ nhận ít điểm; các điều kiện chưa tốt, chưa đầy đủ, phải phát triển thêm sẽ nhận điểm cao hơn... Trường nào có tổng điểm càng cao càng có nhiều khả năng phải di dời, những trường điểm thấp nhất sẽ ở lại...
Những khu đại học tập trung
Ngoài sự sắp đặt của thành phố và các bộ, một số trường đã chủ động tìm giải pháp phát triển thêm cơ sở mới ở ngoại thành, ngoại tỉnh.
Ông Hoàng Văn Châu - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - cho biết theo quy hoạch trường sẽ phải chuyển lên Hòa Lạc. Tuy nhiên thời gian gần đây trường đã chủ động tìm đất ở Hưng Yên, đồng thời mở thêm một cơ sở đào tạo ở Quảng Ninh.
Quan điểm của trường là chỗ nào có đất sạch, xây dựng thuận lợi, phù hợp sự phát triển của trường trong tương lai mới có thể xây dựng cơ sở mới.
Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng có điều kiện thực hiện di dời. “Trong khi chiếc bánh ngân sách không đủ đáp ứng, trước mắt Nhà nước lo xây dựng hạ tầng các khu ĐH tập trung cho trường công, các trường ngoài công lập phải chịu một phần chi phí này” - PGS.TS Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, đề nghị.
Nếu quyết tâm làm, Chính phủ phải có cơ chế tài chính cụ thể, phát hành trái phiếu giáo dục, vốn huy động các doanh nghiệp đổi đất lấy hạ tầng cho các nhà đầu tư xây khu dịch vụ xã hội, giao thông, điện nước, nhà ở..., theo TS Khải.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, đề nghị Chính phủ nên thành lập ban quản lý các khu ĐH tập trung theo mô hình các khu công nghiệp hiện nay để xây dựng hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh: đường, điện, nước và các công trình dùng chung (ký túc xá, khu vui chơi thể thao) và các dịch vụ kèm theo... Sau đó bàn giao lại cho các trường và các trường xoay xở kinh phí trả lại.
“Trong việc này, nếu Chính phủ không quan tâm thì các bộ ngành và bản thân các trường cũng không thể làm được” - ông Ngữ khẳng định.
Các khu ĐH tập trung của TP.HCM dự kiến phát triển theo nhiều mô hình: đô thị ĐH, khu ĐH và cụm trường ĐH, CĐ đáp ứng nhu cầu phát triển phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường đến năm 2020. Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - cho biết đã trình UBND TP phương án lựa chọn doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng các khu ĐH tập trung của TP, sau đó cho các trường thuê hoặc giao lại các trường. Dự kiến TP sẽ chọn khu tây bắc để thí điểm việc di dời một số trường đến đây. Chủ trương của TP sẽ làm có lộ trình, không phải di dời cùng lúc tất cả các trường. Việc này phải do các trường đề xuất, xác định chọn mô hình tập trung hay để các trường tự di dời và được Bộ GD-ĐT đồng ý. Sở đã đề xuất cơ chế tài chính cho mỗi trường vay 300 tỉ đồng từ nguồn vốn kích cầu của TP để triển khai di dời. |
_________________
Kỳ 3: Dùng dằng nửa ở nửa dời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận