15/12/2010 06:14 GMT+7

Dạy một số môn bằng tiếng Anh: Nhiều trường nói khó khả thi

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, việc dạy một số môn bằng tiếng Anh sẽ thực hiện vào năm học tới ở một số trường chuyên. Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng và tính khả thi khi thực lực chưa tương xứng với yêu cầu.

Trường chuyên sẽ dạy toán, lý... bằng tiếng Anh

Sgz7GlhQ.jpgPhóng to
Theo kế hoạch đến năm 2020, 100% trường chuyên sẽ dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Trong ảnh: Một buổi thuyết trình môn tiếng Anh của học sinh lớp 12A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM (ảnh chụp ngày 13-12-2010) - Ảnh: N.HÙNG

Với mục tiêu có 30% học sinh trường chuyên đạt bậc 3 về ngoại ngữ, theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành, vào năm 2015 và 50% vào năm 2020, ngoài các giải pháp tăng cường dạy ngoại ngữ trong trường chuyên, một giải pháp mạnh đã được đưa ra trong đề án phát triển trường chuyên vừa được phê duyệt là tổ chức dạy học các môn khoa học tự nhiên, khởi đầu là các môn toán, tin, sau đó sẽ triển khai ở các môn khác như lý, sinh, hóa và các môn khoa học xã hội.

Để đi thi quốc tế

"Việc phá sản dự án dạy chương trình tăng cường tiếng Pháp ở trường phổ thông là bài học xương máu trong việc triển khai dạy các môn toán, lý bằng tiếng nước ngoài"

Ông THÁI VĂN BÌNH (hiệu trưởng Trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội)

Giải thích về mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: "Với khả năng tiếng Anh còn yếu, nhiều học sinh dự thi Olympic quốc tế đã gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và khó khăn hơn trong việc tiếp cận nội dung đề thi, cách ra đề bằng tiếng Anh. Vì vậy việc triển khai dạy một số môn chuyên bằng tiếng Anh vừa nhằm nâng cao vốn hiểu biết ngoại ngữ của học sinh vừa tạo điều kiện tốt cho học sinh khi tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực".

Ông Nguyễn Hải Châu, giám đốc Chương trình phát triển giáo dục trung học, cho biết thêm: "Hiện nay có rất nhiều học sinh giỏi của VN không lấy được học bổng nước ngoài chỉ vì không có trình độ tiếng Anh tốt. Với mục tiêu học sinh tốt nghiệp THPT có thể nói và viết tiếng Anh thành thạo, chúng tôi mong muốn học sinh trường chuyên sẽ đi đầu".

Theo đề án phát triển trường chuyên và kế hoạch tăng cường dạy ngoại ngữ ở bậc trung học của Bộ GD-ĐT, các trường chuyên, các trường triển khai đề án tăng cường dạy học ngoại ngữ sẽ được ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hải Châu, 100% trường chuyên trên cả nước sẽ được đầu tư trang bị cơ sở vật chất ở các mức độ khác nhau nhằm hướng tới mô hình các trường trung học tiên tiến trên thế giới.

Khó cả người dạy lẫn người học

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường chuyên khẳng định khó khăn nhất trong việc triển khai dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh là yếu tố con người: cả người dạy lẫn người học.

Ông Lê Văn Lũy, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Long An, cho biết: "Trường có 39 giáo viên, đảm nhiệm việc dạy 400 học sinh. Đa số giáo viên mới chỉ có trình độ A tiếng Anh (theo hệ ABC) nên việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh là mục tiêu còn xa mới dám nghĩ đến".

Có chung nỗi lo, ông Bùi Văn Trung, phó hiệu trưởng Trường chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), cũng cho rằng việc dạy bằng tiếng Anh khó có thể thực hiện trong vài năm tới với thực trạng trình độ ngoại ngữ của giáo viên trường chuyên. Chưa kể giữa việc có trình độ tiếng Anh để giao tiếp với việc dạy kiến thức toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh là một khoảng cách xa.

Ngay cả với Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nơi được xem là có điều kiện tốt nhất để triển khai nhiều mục tiêu phát triển trường chuyên, ông Đỗ Bá Khôi - phó hiệu trưởng nhà trường - cũng cho biết trường hiện chỉ có 4-5 giáo viên có thể dạy được bằng tiếng Anh.

Còn thầy Nguyễn Bá Bình, giáo viên dạy vật lý Trường THPT chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra một nghịch lý: những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm dạy học sinh chuyên lại yếu về ngoại ngữ, còn những giáo viên trẻ, năng động, có ngoại ngữ tốt, có khả năng giao tiếp với người nước ngoài thì lại không phải “gạo cội” của trường chuyên.

Ông Khôi cho rằng ngoài yếu tố người thầy, hạn chế trong tiếp thu kiến thức bằng tiếng Anh của học trò cũng là một cản trở. Không kể các vùng khó khăn khác, ở ngay Hà Nội để tuyển được học sinh lớp 10 vào Trường chuyên Nguyễn Huệ, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải nhân nhượng cho phép hạ điểm điều kiện ngoại ngữ xuống còn 2,5 điểm mới tuyển đủ chỉ tiêu. Yếu ngoại ngữ mà phải học bằng ngoại ngữ là một thách thức quá lớn.

Ông Khôi cho rằng nếu không tính toán kỹ trên cơ sở thực tiễn thì chủ trương dạy bằng tiếng Anh trong trường chuyên chỉ là việc “làm để có cái mà báo cáo” chứ không mang lại lợi ích thật sự.

Cần một lộ trình dài hơn

Theo kế hoạch, từ năm học sau sẽ triển khai dạy học bằng tiếng Anh với môn toán, tin, sau năm 2015 sẽ triển khai tiếp ở các môn lý, hóa, sinh ở khoảng 30% số trường. Sau đó mỗi năm tăng thêm 15-20% số trường và hoàn thành việc tổ chức dạy học bằng tiếng Anh với 100% trường vào năm 2020.

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD-ĐT đang biên soạn tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh các môn trên và hè năm 2011 sẽ triển khai tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên dạy môn chuyên, với mục tiêu để những giáo viên này có thể dạy môn học của mình bằng tiếng Anh, với kinh phí 638.400 USD.

Theo đề án, Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trì việc đưa giáo viên trường chuyên đi đào tạo và tập huấn trong và ngoài nước để đảm bảo việc dạy học bằng tiếng Anh.

Với lộ trình và kế hoạch đặt ra ở trên, lãnh đạo nhiều trường chuyên vẫn không hết lo ngại bởi để dạy được bằng tiếng Anh khó có thể giải quyết bài toán giáo viên trong một thời gian ngắn.

Thầy Nguyễn Bá Bình cho rằng cần có cơ chế đãi ngộ tương xứng để thu hút những người được đào tạo và đã giảng dạy ở nước ngoài về may ra mới đảm nhiệm được ngay trọng trách trên. Còn về lâu dài, khi có chủ trương, phải khởi động từ các trường sư phạm, những cỗ máy cung cấp giáo viên.

Cân nhắc liều lượng

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, dù đã triển khai việc dạy toán, lý, hóa bằng tiếng Anh nhiều năm qua, nhưng theo đại diện nhà trường, từ thực tiễn triển khai nhà trường cũng phải rút kinh nghiệm giảm thời lượng.

Việc điều chỉnh này, theo ban giám hiệu trường, là để học sinh không bị quá tải và đảm bảo chất lượng cần thiết cho các môn chuyên.

Ông Đỗ Bá Khôi, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho rằng trong khoảng 400 tiết toán/năm, chỉ nên dạy bằng tiếng Anh 10-20 tiết, không thể nhiều hơn.

Hôm nay 15-12, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ tổ chức hội thảo bàn về vấn đề dạy toán bằng tiếng Anh trong trường chuyên. Có đại diện lãnh đạo và giáo viên của bốn trường chuyên Hà Nội tham dự.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên