12/12/2010 06:54 GMT+7

Thả nổi đào tạo tại chức - Kỳ 3: Hạ chuẩn, xén chương trình

THANH HÀ - MINH GIẢNG (còn tiếp)
THANH HÀ - MINH GIẢNG (còn tiếp)

TT - Ngược với số lượng khóa học cũng như số lượng sinh viên tại chức tăng lên chóng mặt, các yêu cầu về đào tạo đang được nới lỏng đến không ngờ.

UFeF5P6R.jpgPhóng to
Những lớp học tại chức tại các cơ sở chính thường được tổ chức bài bản. Trong ảnh: một lớp học của sinh viên năm 3 khoa xây dựng hệ tại chức của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Điểm dễ nhận thấy nhất thể hiện ở chuẩn đầu ra của các trường. Tuy sử dụng chung chương trình đào tạo nhưng chuẩn đầu ra của hệ tại chức được quy định thấp hơn nhiều so với hệ chính quy.

Mặc định thấp hơn

Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM quy định sinh viên được thi tốt nghiệp phải có chứng chỉ A ngoại ngữ; các ngành ngoại thương, du lịch có chứng chỉ B; không có yêu cầu về tin học. Trong khi đó chuẩn đầu ra ở hệ chính quy trường yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải đạt TOEIC tối thiểu 450 (tiếng Anh) hoặc DELF A2 (tiếng Pháp). Một số ngành khác còn cao hơn.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu sinh viên chính quy tốt nghiệp phải có trình độ tin học B hoặc tương đương. Đồng thời có trình độ tiếng Anh cơ bản IELTS 4.0 điểm hoặc tương đương, ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu đọc, viết, nghe, nói tiếng Anh chuyên ngành thông thường. Trong khi đó đầu ra sinh viên tại chức lại không có bất kỳ yêu cầu nào về các kỹ năng này. Chỉ cần hoàn thành chương trình đào tạo là được tốt nghiệp.

TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, cho rằng việc thực hiện một chuẩn chung đối với hệ tại chức rất khó. Điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập không giống nhau nên có nhiều nơi phải hạ chuẩn hoặc nới lỏng hơn so với cơ sở tại TP.HCM.

Nhanh nhất có thể...

Về thời gian, theo quy định, thời gian đào tạo của hệ tại chức phải dài hơn hệ chính quy cùng ngành đào tạo ít nhất một năm. Nhưng thời gian đào tạo thực tế của hệ tại chức lại ít hơn nhiều so với hệ chính quy. Hiện các trường đưa ra nhiều phương án cho sinh viên lựa chọn: có thể học vào các buổi tối trong tuần, học vào thứ bảy và chủ nhật hoặc học định kỳ hằng năm, hằng tháng... Như vậy, tuy kéo dài năm năm hay năm năm rưỡi, nhưng nếu chỉ học hai ngày cuối tuần hay mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ 6-8 tuần hoặc mỗi tháng học 10 ngày, tổng thời gian đào tạo của hệ tại chức cộng lại chỉ bằng phân nửa chính quy.

Rộng cửa vào tại chức

Tỉ lệ người học vừa tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, chưa đi làm vào học thẳng tại chức đang ngày càng tăng. Tại chức trở thành một cánh cửa vào ĐH mới cho những thí sinh thi trượt ĐH, CĐ hệ chính quy. Chưa kể không ít người chọn học hệ tại chức vì chuẩn thi tuyển đầu vào dễ hơn hệ chính quy. Tỉ lệ người vừa học vừa làm chỉ còn chiếm ưu thế ở các lớp tại chức của một số ngành đào tạo như sư phạm, y - dược, nông nghiệp, ngoại ngữ... Sở dĩ hệ tại chức có thể mở rộng đầu vào rộng rãi là do quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học của Bộ GD-ĐT (quy chế 62) quy định rất thoáng: chỉ cần người học tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp là được đăng ký dự tuyển ĐH, CĐ vừa làm vừa học.

Thời gian học thực tế tại mỗi trung tâm, mỗi lớp còn “bi đát” hơn. Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội cho hay lúc mới đi dạy tại chức ở tỉnh ngoài, anh thấy sốc nhưng bây giờ cũng phải quen với kiểu dạy và học tại chức. Buổi học có năm tiết, giờ học quy định từ 18g-21g30 nhưng thầy có đến đúng giờ, ngồi chờ cả tiếng, sinh viên mới lục tục đến. Sau mỗi giờ nghỉ lại vắng đi một ít. Đến 21g, giảng viên còn đang giảng bài, nhiều người đã lục tục ra về... Theo giảng viên này, quy định đặc thù của loại hình đào tạo này là giảng viên lên lớp 75% chương trình, còn 25% do người học tự học. Nhưng trên thực tế để sinh viên đến lớp đủ tiết, đủ ngày đã khó, nói gì đến tự học.

Cán bộ quản lý đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM chia sẻ đúng là trường chỉ có thể quản lý thi cử đầu vào, đầu ra, còn các kỳ thi khác trường chỉ cung cấp đề, khâu tổ chức do các đơn vị liên kết thực hiện. Do đó có thể xảy ra tình trạng dễ dãi. Việc quản lý giờ dạy, chương trình trên lớp rất khó, tùy thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của giảng viên thôi.

Chiều sinh viên lấy thu nhập

Một giảng viên tham gia dạy tại chức của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho hay anh từng ngớ người khi biết lớp học tại chức đặt ở một tỉnh miền Trung đề nghị đổi giảng viên. Lý do chỉ vì giảng viên lên lớp đúng giờ, dạy đủ chương trình, khi hướng dẫn ôn tập không có giới hạn cụ thể... Một số người cho biết các đối tác đặt lớp liên kết tại chức và sinh viên thường hay kiến nghị đổi thầy này thầy kia, không phải vì thầy dạy không hay, không nhiệt tình như thường thấy ở hệ chính quy, mà ngược lại vì thầy nghiêm quá và không giới hạn tối đa nội dung ôn tập, sinh viên không hài lòng.

Hiện nhiều trường sẵn sàng chiều theo nhu cầu dễ dãi của các cơ sở liên kết đào tạo và người học với mục tiêu duy trì được số lượng và nguồn thu từ hệ tại chức. Một giảng viên (đề nghị giấu tên) của ĐHQG Hà Nội dạy tại chức thỉnh giảng cho một trường ĐH khác cho biết cùng một môn học, khối lượng giảng dạy như nhau nhưng ở trường thỉnh giảng, anh được yêu cầu chỉ dạy bằng 1/3 thời gian so với lớp tại chức của trường mình. Thay vì đúng lịch năm tiết/buổi học, anh được trung tâm và lớp đề nghị dạy từ 19g30-21g, chỉ tương đương hai tiết. “Dĩ nhiên để phù hợp với thời gian như thế chỉ có cách cắt bớt bài giảng trên lớp, giao cho sinh viên tự học. Đến hết môn, nội dung ôn thi đành chỉ gói gọn trong một phần chương trình”- giảng viên này cho hay.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Trúc - phó chánh thanh tra giáo dục, sau đợt kiểm tra các chương trình liên kết đào tạo mới đây, các chương trình liên kết đào tạo tại chức đang có xu hướng đua nhau dễ dãi để thu hút người học, đánh vào tâm lý những người học muốn có được tấm bằng một cách nhẹ nhàng nhất. Kết quả kiểm tra thực tế của thanh tra giáo dục cho thấy phần lớn các chương trình liên kết đào tạo ở địa phương đều thực hiện giảng dạy theo hình thức cuốn chiếu để tiết kiệm chi phí và dễ bố trí giảng viên. “Dạy liên tục với cường độ cao 8-10 tiết/ngày, lại chỉ học một môn, khả năng truyền đạt của thầy và khả năng tiếp thu của người học đều sẽ bị hạn chế rất nhiều. Học liên tục 5-6 ngày để hết môn, người học làm sao có thể tiếp thu được kiến thức và trả bài thi ngay một cách thực chất?” - ông Trúc nhận xét.

Theo bạn, chất lượng đào tạo hệ tại chức:
Không có chất lượng, thua xa đào tạo chính quy Ngang ngửa với đào tạo chính quy Tùy người học, tùy cơ sở đào tạo Không so sánh được, hai hệ đào tạo khác nhau Ý kiến khác
THANH HÀ - MINH GIẢNG (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên