26/10/2010 08:31 GMT+7

Trường công, cái gì cũng thiếu

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Ngày 25-10, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường ĐH, CĐ công lập. So với quy chuẩn thiết kế trường và các quy định về điều kiện dạy học, rất nhiều trường, thậm chí những trường được xếp ở tốp đầu, hiện đang ở mức dưới chuẩn.

pP68kv7u.jpgPhóng to
Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Những phòng thí nghiệm hiện đại như thế này còn quá hiếm hoi - Ảnh: Như Hùng

Theo ông Trần Duy Tạo - cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT), chỉ xét riêng ở khía cạnh đất đai, bình quân diện tích đất cho một sinh viên ĐH, CĐ rất thấp (35,7m2/SV). So với tiêu chuẩn thiết kế trường ĐH (55-85m2/SV), có đến trên 50% số trường ĐH, CĐ ở mức dưới chuẩn.

50% phòng thí nghiệm lạc hậu

Theo khảo sát của cục ở gần 200 trường ĐH, CĐ, tỉ lệ bình quân diện tích sử dụng học tập của SV chỉ đạt 3,6m2/SV, trong khi quy định chung ở VN là 6m2/SV và ở các nước phát triển là 9-15m2/SV. Nhiều trường vẫn còn trong tình trạng đi thuê mướn cơ sở bên ngoài làm nơi học tập.

Những yếu tố liên quan trực tiếp tới việc đào tạo trong các trường ĐH, CĐ như phòng thí nghiệm, thư viện, theo nhận định của Bộ GD-ĐT, đang thiếu và yếu. Hiện phòng thí nghiệm của các trường chỉ chiếm 13,02% so với tổng số phòng học, giảng đường hiện nay. Trong đó chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được đánh giá đạt mức độ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, 22,5% phòng thí nghiệm có chất lượng các thiết bị tốt. Chỉ có 1,4% phòng thí nghiệm tương đương về chất lượng với các trường ĐH trên thế giới, gần 50% phòng thí nghiệm trình độ lạc hậu.

Theo đại diện một số trường ĐH, tình trạng chung ở nhiều trường là phòng thí nghiệm phải sử dụng nhiều ca/ngày, luôn ở mức quá tải. Có nhiều phòng thí nghiệm đại cương phải bố trí 5-10 SV/bộ thiết bị/ca. Các xưởng thực hành của các trường chỉ có 26,2% được đánh giá tốt.

175 sinh viên, 1 máy tính

Bình quân diện tích đất/SV của các trường khu vực Hà Nội là 13m2/SV, TP.HCM là 10m2/SV. Tại Hà Nội và TP.HCM có 30-40% số trường có diện tích đất dưới 5m2/SV. Điển hình như Trường ĐH Xây dựng 0,84m2/SV, Trường ĐH Luật Hà Nội 0,67m2/SV, Trường ĐH Ngoại thương 1,08m2/SV, Trường ĐH Kinh tế quốc dân 2,97m2/SV, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 0,54m2/SV...

Trong khoảng 200 trường chỉ có 77 thư viện điện tử, 16,9% thư viện điện tử có kết nối với các thư viện khác. Trung bình 175 SV mới có một máy tính truy cập và số bản sách, tài liệu/SV rất thấp (9 bản/SV).

Trong khi thư viện được xem như “trái tim của trường ĐH” thì ông Trần Duy Tạo cho biết nhiều trường ĐH công lập còn thiếu, thậm chí không hề có thư viện. Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, trung bình 21,2 SV mới có một chỗ ngồi tại thư viện. Khảo sát về những điều kiện khác như ký túc xá, trung tâm thể thao, giải trí, chăm sóc y tế... của các trường ĐH cũng cho thấy nhìn chung chưa đảm bảo chất lượng và tương ứng với quy mô SV hiện nay.

Tính chuyện sáp nhập trường

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo ông Trần Duy Tạo, là do ngân sách giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ Ngân sách tài chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng ngân sách dành cho giáo dục ĐH đã được ưu tiên hết mức có thể. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định: “Không thể tìm sự đột phá ở việc tăng chi ngân sách cho giáo dục ĐH mà phải đột phá ở việc đổi mới quản lý, tăng cường các giải pháp từ cấp cơ sở trong việc đầu tư và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo”.

Giải pháp xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dùng chung trong một trường và nhóm trường là việc mà đại diện nhiều trường ĐH, CĐ đề cập. Ông Trần Tiến Phức, Trường ĐH Nha Trang, cho biết để có đủ số máy tính đạt chất lượng phục vụ dạy học, nghiên cứu, trường đã thành lập một trung tâm công nghệ thông tin dùng chung cho các ngành đào tạo. Tương tự, trường có trên mười phòng thí nghiệm dùng chung cho các nhóm ngành.

Theo ông Phức, hiện nay ở một số trường có các phòng thí nghiệm chất lượng tốt chưa sử dụng hết công suất hoặc có phòng thí nghiệm chuyên ngành sâu nhưng chưa vận hành hiệu quả. Nếu “tài nguyên” đó được sử dụng chung cho một nhóm trường, các trường sẽ ngồi với nhau để thảo luận về cách thức đầu tư, vận hành, khắc phục hỏng hóc... sẽ không lãng phí và giải quyết được thiếu thốn trước mắt.

Về điều này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để đẩy nhanh việc khắc phục tình trạng thiếu điều kiện phục vụ trực tiếp cho đào tạo, cần phải thành lập các hội đồng hiệu trưởng theo khu vực, khối ngành. Các hiệu trưởng sẽ thảo luận để xây dựng kế hoạch đầu tư sát với đặc thù đào tạo và hướng khai thác sử dụng trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau.

Riêng việc đầu tư cho thư viện, Phó thủ tướng cho biết trong quý 1-2011 Bộ GD-ĐT sẽ phải công bố tiến trình triển khai xây dựng hệ thống thư viện điện tử (hợp tác với Nga) để các trường đăng ký khai thác, không phải đơn lẻ xây dựng.

Ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh để các trường có hướng đầu tư, trước hết cần phải xây dựng hệ thống tiêu chí cơ sở vật chất đối với các trường ĐH, CĐ. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT rà soát mạng lưới quy hoạch ĐH, tiếp tục có các khảo sát sâu hơn (theo nhóm ngành), tính toán việc đầu tư cho các khối trường như thế nào, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả, ưu tiên những trường trọng điểm và các trường đang báo động về tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị.

Đối với những trường có cơ sở vật chất không thể duy trì chất lượng tối thiểu, cơ quan Nhà nước phải chỉ định việc chuyển đổi cơ sở vật chất. Những nơi không thể khắc phục sẽ phải tính đến việc sáp nhập trường.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên