23/10/2010 03:05 GMT+7

Mục tiêu đào tạo con người chưa rõ ràng

HOÀNG HƯƠNG ghi
HOÀNG HƯƠNG ghi

TT - Các nhà giáo tâm huyết với giáo dục nước nhà tiếp tục đóng góp ý kiến về chủ trương đổi mới giáo dục trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI.

HLHkuk9u.jpgPhóng to

TS Nguyễn Cam - Ảnh: H.HG.

* Tiến sĩ Nguyễn Cam (khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): "Đột phá từ khâu quản lý"

Tôi có cảm giác các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đại học mặc dù giáo dục phổ thông mới là nền móng của nền giáo dục quốc gia. Thời gian gần đây, mỗi lần đi dự tiệc hay họp mặt tôi đều nhận được câu hỏi của người thân, bạn bè: “Con (cháu) tôi sắp vào lớp 1, nên học ở đâu để đừng bị quá tải cho cháu đỡ khổ?”. Một câu hỏi thật khó trả lời bởi giáo dục phổ thông hiện đang mắc trăm ngàn thứ “bệnh”.

"Ở đây tôi không nói về mặt lý luận mà nói về mặt thực tế, phụ huynh có con đi học rất mệt mỏi và căng thẳng. Tiến hành cải cách giáo dục tức là thiết kế lại chương trình cho bậc phổ thông, trong đó ngoài việc dạy kiến thức còn phải chú trọng việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Chứ hiện tại, thiết chế và mục tiêu giáo dục quá mơ hồ. Trong đó việc đột phá phải bắt đầu từ khâu quản lý: không chỉ đơn thuần là nâng cao năng lực quản lý của lãnh đạo ngành mà là phương pháp quản lý giáo dục một cách khoa học và phù hợp với chương trình cũng như phương thức đào tạo trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, khâu quản lý cần cải tiến mạnh mẽ ở cả bậc đại học. Cần nhắc lại một điều: sai lầm rất lớn của Bộ GD-ĐT là việc cấp phép thành lập các trường đại học một cách ồ ạt, vội vàng dẫn đến việc tồn tại của hàng loạt trường kém chất lượng. Cứ nói là sẽ hậu kiểm nhưng trên thực tế việc kiểm định không được thực hiện khoa học, đến nơi đến chốn. Phải có một cơ quan tư vấn độc lập để đánh giá các trường đại học chứ không thể đánh giá như hiện nay. Phải có cách quản lý chặt chẽ hơn chứ không phải nhất nhất điều gì các trường cũng phải báo cáo với Bộ GD-ĐT mặc dù bộ không thể kiểm tra được những nội dung báo cáo ấy có chính xác hay không.

* Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Thành (nguyên trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM): Bắt đầu từ trường sư phạm

zy3KUZA1.jpgPhóng to
Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Thành

Theo tôi, việc cải cách giáo dục nên bắt đầu từ trường sư phạm. Bởi một chương trình hay với mục tiêu giáo dục đúng đắn nhưng không có thầy giỏi thì khó có thể thành công. Những lần cải cách gần đây, ta đã mắc phải một sai lầm lớn: viết chương trình, làm sách giáo khoa, dạy thử nghiệm... đến khi triển khai đại trà mới đào tạo giáo viên là quá trễ.

Việc cải cách không chỉ thể hiện trong nội dung, mục tiêu đào tạo giáo viên mà phải thể hiện ngay trong phương pháp giảng dạy của giảng viên các trường sư phạm. Kêu gọi giáo viên các trường phổ thông phải đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, phải tự làm đồ dùng dạy học, phải sáng tạo...trước hết giảng viên trường sư phạm phải làm mẫu cho giáo sinh noi theo.

Trên các phương tiện truyền thông gần đây, tôi thấy nhắc nhiều đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh - điều này rất cần thiết và phải làm ngay, nhưng thử hỏi một thầy giáo không có phẩm chất tốt đẹp hoặc lối sống “có vấn đề” thì có giáo dục được học sinh trở thành người tốt không?

Mỗi mùa tuyển sinh đại học lại thấy những thông tin trường sư phạm không thu hút được người giỏi - thật buồn. Làm sao thu hút học sinh ưu tú vào học sư phạm khi đồng lương giáo viên không đủ sống. Công việc giảng dạy lại quá nặng nề với đủ thứ trách nhiệm ràng buộc: trong khi sĩ số học sinh/lớp luôn quá tải thì giáo viên vẫn phải đạt các chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu tốt nghiệp...

Tôi vẫn mong đến một thời điểm trường sư phạm có quyền chọn lựa sinh viên theo yêu cầu đặc thù của ngành giáo dục: người giáo viên tương lai phải có hình thức ở mức trung bình - khá trở lên, có lòng say mê nghề giáo, có năng lực đứng lớp tốt (giọng nói truyền cảm, thu hút người đối diện...), kiến thức chuyên môn vững vàng...

* Tiến sĩ Mai Ngọc Luông (phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM): Xác định triết lý giáo dục

rq4mfNbn.jpgPhóng to
Tiến sĩ Mai Ngọc Luông

Trong suốt thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất đến nay, các nhà quản lý giáo dục vẫn khẳng định mục tiêu đào tạo con người toàn diện. Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu này chưa rõ ràng và rất mơ hồ. Thời kỳ chiến tranh, con người toàn diện phải có những phẩm chất hoàn toàn khác với thời kỳ đất nước mới thống nhất, cũng khác với thời kỳ mở cửa và bây giờ là thời kỳ hội nhập (con người toàn diện phải có những phẩm chất để vừa hội nhập với thế giới, vừa giữ vững những giá trị truyền thống của dân tộc để bảo vệ nền độc lập của đất nước, đưa đất nước đi lên sánh vai với bạn bè năm châu).

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng chúng ta đang thiếu một cái gọi là “triết lý giáo dục”. Và như vậy, cải cách giáo dục phải bắt đầu từ gốc: có cái “nền” trước rồi mới xây dựng mục tiêu cho từng ngành học, bậc học. Phải xác định được triết lý trước rồi sau đó mới thiết lập chương trình giáo dục từ cấp dưới đến cấp trên một cách khoa học và thống nhất. Nếu không, như những lần cải cách gần đây, tôi cho rằng đó chỉ là những lần cải tiến: như một cái áo cũ có nhiều miếng vá vậy thôi.

Một điều nữa cũng cần nói thêm là trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần học hỏi, giao lưu với những nền văn hóa - giáo dục tinh hoa trên thế giới nhưng phải sáng suốt. Sáng suốt để biết mình nên học gì từ họ và những gì không thể áp dụng được trong tình hình như ở ta. Điều tôi lo ngại nhất hiện nay: chúng ta không kiểm tra được chương trình giảng dạy của một số trường quốc tế. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bởi con em người Việt Nam mà không được học (hoặc có học nhưng qua loa, đại khái) về văn hóa, truyền thống của người Việt là một mất mát lớn.

HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên