17/10/2010 10:58 GMT+7

Khi bao gánh nặng chất chồng trên vai giáo viên

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Tôi và chắc chắn nhiều đồng nghiệp của tôi không mệt mỏi vì sự dạy. Không dám đoan chắc bất kỳ ai lên lớp cũng mang nhiệt tâm của lòng yêu nghề và thực hiện kỳ hết những nhiệm vụ được giao, nhưng dù khó khăn đến đâu, mỗi khi đứng trên bục giảng nhìn xuống, thấy những đôi mắt của học trò mình, lòng người dạy tự nhiên lại dịu hẳn đi.

Quá tải sau giờ dạy

kIZ1NCkO.jpgPhóng to
Hầu hết giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ để chấm bài kiểm tra. Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Hà Nguyên (phải), giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), chấm bài kiểm tra 15 phút môn sinh - Ảnh: Như Hùng

Có thể đó là ánh nhìn háo hức của một học trò giỏi chăm ngoan, cũng có thể là ánh nhìn trơ tráo của một đứa cá biệt. Nhưng tất thảy đều nhỏ hơn mình nên cái nhìn còn vô chừng non nớt. Cái tình cảm đó cứ ấp iu mãi trong lòng. Càng đặc biệt hơn khi người dạy đó lại đóng vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tất nhiên được tính thêm tiết tùy theo mỗi trường. Có thể từ hai đến bốn tiết một tuần. Trong đó lên lớp 1 giờ sinh hoạt, 1 giờ cùng dự chào cờ với học sinh.

Còn hai tiết sẽ dành cho những việc như thế này: Hoàn thành tất cả mọi loại sổ sách giấy tờ thu chi như bài Quá tải sau giờ dạy đã phản ánh. Cùng học trò tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa của các bộ môn cũng như của các đoàn thể đề ra. Tính trung bình mỗi tuần sẽ có một chương trình được tổ chức vào thứ năm hoặc chủ nhật hàng tuần. Đó là những công việc bắt buộc mỗi giáo viên phải hoàn thành.

Nhưng hai tiết đó đâu làm sao tính hết được, khi muốn hiểu rõ hơn hoàn cảnh của từng học trò của mình, tôi đã phải dừng lại rất lâu trước cái tên thường chậm nộp các khoản của trường, để rồi biết rằng gia cảnh của em quá tội nghiệp cả về tình thần lẫn vật chất. Hai tiết đó làm sao tính cho những buổi lui tới hoàn thành bao nhiêu thủ tục để gửi cho được đứa học trò phải xa nhà lên trọ học vào một trung tâm nuôi dưỡng mới an lòng vì chỗ trọ cũ của nó quá chừng phức tạp.

Mỗi khi cầm lên tay tờ Tuổi Trẻ, dù bận bịu đến mức nào, mục lướt nhanh đầu tiên của tôi cũng là chuyên trang về giáo dục. Đã có quá nhiều vấn đề, đã có quá nhiều ý kiến từ mọi người mọi giới mọi vị trí trong ngoài ngành mổ xẻ toàn diện đầy đủ về thực trạng giáo dục của chúng ta hiện nay. Đến mức mỗi khi mở máy vi tính, định viết trao đổi về một điều gì đấy, tôi lại thở dài. Không phải cảm giác của sự bi quan, mà là sự mệt mỏi.

Hai tiết đó là những trưa vừa đút cơm cho con nhỏ ăn vừa kẹp điện thoại vào vai để hướng dẫn đứa học trò trót lỡ làm việc dại có cách hành xử sao cho đúng mà không gây thương tổn cho mọi người và cả chính nó. Hai tiết đó làm sao tính khi khuya lơ khuya lắc còn phải lọ mọ trên máy tính dỗ mãi mới biết lý do tại sao đứa này tháng trước học tốt vậy mà sao tháng này điểm lại không cao. Chưa kể, tuổi mới lớn bao xao động, đôi khi còn phải tư vấn những ca say nắng sao cho tỉnh táo lại thật an lành.

Hai tiết đó cũng là cả ngày hôm nay tôi lui cui cập nhật điểm của từng môn học vào sổ liên lạc cho từng học sinh để buổi họp phụ huynh đầu năm vào sớm mai kịp thời phản ánh cho cha mẹ biết tình hình học tập của con mình.

Với những gì tôi dành cho học trò trong hai tiết ấy, mỗi năm học trôi qua, mỗi lứa học trò ra trường, tôi lại có thêm những đứa em, đứa con vô cùng thân thiết và tràn ngập yêu thương. Nên đôi khi vô tình lại trở thành người chị, người mẹ thứ hai của những lứa học trò ấy.

Nhưng bên cạnh hai tiết vô số thứ đó, người dạy còn phải hoàn thành đủ chuẩn tiết dạy của một giáo viên theo quy định, phải vận động theo sự thay đổi đủ thứ của Bộ, ngành đặt ra. Nên, dù nói một cách thật thà, tôi yêu trò tôi lắm, cũng không thể nào tránh khỏi sự mệt mỏi dẫn đến những giây phút chạnh lòng với nghề nghiệp, với bao gánh nặng đang ngày một chất chồng trên đôi vai của mỗi giáo viên.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên