Phóng to |
Mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Ngoan xác nhận cho hàng trăm SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm thủ tục vay vốn. Giờ với chủ trương mới, ông đang lo nhiều sinh viên phải nghỉ học - Ảnh: Trần Huỳnh |
* Ông Nguyễn Văn Ngoan (trưởng phòng công tác chính trị, SVHS ĐH Tôn Đức Thắng): Kế hoạch đào tạo sẽ rối tung
Cách đây mấy hôm, một số SV thắc mắc những năm trước vẫn được vay nhưng năm nay không được. Khi đó, chúng tôi liên hệ với ngân hàng mới biết có quy định mới này. Nhu cầu vay vốn trong SVHS hiện rất lớn. Chỉ tính từ đầu năm học đến nay chúng tôi đã xác nhận cho hơn 8.000 SVHS của trường làm thủ tục vay vốn học tập.
Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con vừa trúng tuyển vào trường cũng đến xin giấy xác nhận để vay tiền từ quỹ tín dụng đào tạo. Họ đều thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người cho biết trong khi chờ tiền vay của Nhà nước, họ đã vay nóng bên ngoài chịu trả lãi cao để có tiền cho con nhập học.
Theo tôi, trong việc này ngân hàng cần có một kế hoạch rõ ràng, nếu có thay đổi quy định phải thông báo sớm cho người dân để họ chuẩn bị, còn với cách làm như hiện nay người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí sẽ có trường hợp SV phải nghỉ học vì không có tiền nộp học phí. Và nhà trường cũng gặp rắc rối trong chuyện này vì với việc đào tạo theo tín chỉ hiện nay yêu cầu SV phải đăng ký học phần và nộp học phí đầy đủ, sau đó nhà trường mới có thể xếp lớp. Nếu SV không đóng học phí được đồng nghĩa với kế hoạch đào tạo cũng sẽ rối tung. Nhà nước có thể gia hạn thời gian áp dụng quy định mới này và thực hiện vào học kỳ II năm học này.
* ThS Trần Đình Lý (trưởng phòng công tác sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM): Nhiều sinh viên lo phải bỏ học
Riêng tại trường chúng tôi, bình quân mỗi năm có khoảng 8.000 SV vay vốn. Nếu như cách đây không lâu, nhiều bậc phụ huynh, SVHS và cả những người làm công tác hỗ trợ SV như chúng tôi vui mừng khấp khởi bao nhiêu khi nghe tin “sẽ mở rộng đối tượng cho vay” thì bây giờ càng lo lắng, bất an bấy nhiêu.
Nhiều cơ sở GD-ĐT chưa nhận được công văn của tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội VN và cũng chưa biết cụ thể hướng dẫn về chương trình tín dụng đối với SVHS ra sao. Tuy nhiên nhà trường, phụ huynh, SVHS rất bất ngờ trước sự thay đổi đột ngột này. Có thể nguồn vốn đang gặp khó khăn nhưng sự thay đổi “quá nhanh, quá đột ngột” như vậy là không hợp lý.
Rất nhiều SV và tân SV nghèo khi nghe thông tin này các em đã khóc. Khóc vì không được vay. Khóc vì lo sợ phải bỏ học... Vốn vay đã và đang thật sự có ý nghĩa.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM): Phải tận dụng nguồn lực xã hội
Việc này thời gian qua chúng ta đã và đang làm thì không có lý do gì để dừng lại hoặc thu hẹp chương trình này. Tôi đề nghị nên tận dụng nguồn lực từ xã hội, vận động các doanh nghiệp tham gia đóng góp hỗ trợ quỹ này. Các doanh nghiệp là người sử dụng nguồn lao động nên phải có trách nhiệm trong việc này bằng cách trích một khoản chi phí thay vì chỉ đóng thuế để Nhà nước phát triển quỹ này.
Ngoài ra, có thể phát triển xây dựng thêm những cơ chế để tổ chức nguồn vốn cho SVHS vay trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại này cho SVHS vay với lãi suất có thể cao hơn so với chương trình tín dụng đối với SVHS của Chính phủ nhưng thấp hơn lãi suất cho vay tiêu dùng.
* Ông Trần Văn Tiên (phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM): Tìm thêm nguồn vốn
Việc thay đổi quy định về đối tượng cho vay cần có lộ trình, thời gian thích hợp để các ngân hàng chính sách xã hội địa phương có thời gian thông tin rộng rãi đến các hộ dân. Nếu áp dụng ngay quy định mới như hiện nay thì người dân hơi bất ngờ và sẽ gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 30-9, tại TP.HCM dư nợ của chương trình tín dụng đối với SVHS là 548 tỉ đồng, đã có 51.598 SVHS của 50.333 hộ gia đình thuộc đối tượng được vay. Theo quy định mới, sẽ có hàng ngàn SVHS ở TP.HCM không được tiếp tục vay.
Chủ trương cho SVHS vay vốn là quá đúng và rất trúng. Không có đầu tư nào tốt và có ý nghĩa bằng chuyện đầu tư cho giáo dục. Hiện nay những gia đình khá giả vẫn muốn vay tiền cho con ăn học để giáo dục ý thức tự lập cho con. Ở nước ngoài, chương trình quỹ tín dụng đào tạo rất phổ biến. Tất cả SVHS có nhu cầu vay vốn sẽ được giải quyết, không phân biệt giàu nghèo. Trong khi ở nước ta ngân sách có hạn nên trong chương trình tín dụng đối với SVHS phải khống chế đối tượng cho vay. Theo tôi, Nhà nước cần tìm thêm nguồn đầu tư, tài trợ khác để có thêm vốn cho SVHS vay. Chính phủ có thể tìm nguồn vay, dự án dài hạn nào đó để đầu tư cho việc này, nghiên cứu tăng số vốn vay để SVHS có thể giảm bớt gánh nặng cuộc sống.
Ý kiến sinh viên Đã vay 3 năm, nay lại bị ngưng Tôi hiện là sinh viên năm 4 Đại học Nông lâm TP.HCM, năm học trước tôi cũng được vay với mức 4,4 triệu đồng/học kỳ. Tôi vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành (Tiền Giang) nhưng việc vay diễn ra rất chậm trễ. Cụ thể, đầu năm học 2009-2010 tôi đã làm thủ tục vay nhưng mãi đến học kỳ 2 mới được lãnh số tiền vay của học kỳ 1 dẫn đến việc đóng học phí gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay gia đình tôi không thuộc diện hộ nghèo sẽ không được vay tiếp. Tôi đã vay ba năm nhưng bây giờ ngưng vay sẽ gặp rất nhiều khó khăn... Khó xin giấy xác nhận hộ nghèo Ngân hàng bảo rằng phải có giấy xác nhận xóa đói giảm nghèo, nhưng hiện hộ nghèo thật sự rất khó xin được. Như tôi ở P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM, nhân viên ngân hàng bảo rằng đây là khu vực không nằm trong diện xóa đói giảm nghèo, vậy giấy xác nhận ở đâu ra? Ngoài ra, một số SV, HS không thuộc diện “quá nghèo” nhưng gia đình họ vì lý do nào đó mà không đủ tiền để đóng học phí như lương cha mẹ thấp, mồ côi cha (mẹ)... rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi mong Nhà nước xem xét lại việc vay vốn này để không làm những bạn SV, HS không có khả năng đóng học phí phải dừng việc học tại giảng đường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận