Phóng to |
Sáng 4-10, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tổng ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) khăn gói đạp xe hơn 15km ra Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để nhận tiền giải ngân đóng học phí cho hai người con đang học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).
Đến nơi được một lúc, vợ chồng ông trở ra với đôi mắt đỏ hoe. Ông Tổng mếu máo: “Cán bộ tín dụng nói gia đình tôi không phải hộ nghèo và hộ cận nghèo nên không cho vay tiếp. Họ còn nhắc tôi lo trả nợ 27,2 triệu đồng đã vay trước đó. Trời ơi, làm sao có tiền cho con đóng học phí đây!”.
Quá đột ngột Bà Nguyễn Thị Tắc, phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH Tiền Giang, nói những năm trước cho SVHS vay quá thoáng. Nay siết lại là đúng nhưng làm quá đột ngột. Thông báo không cho SVHS diện khó khăn tiếp tục vay ban hành ngày 16-9 khi các trường đã nhập học, SVHS chuẩn bị đóng học phí làm phụ huynh không kịp trở tay. Nếu thông báo bây giờ nhưng đến học kỳ 2 mới áp dụng thì người dân sẽ không bị bất ngờ. |
Theo thông báo của Ngân hàng CSXH VN, từ năm học 2010-2011 chỉ cho sinh viên, học sinh (SVHS) diện khó khăn vay vốn học tập một lần, tối đa 12 tháng. Những trường hợp đã vay rồi thì không giải ngân nữa.
Ông Lê Quang Trắc ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết năm 2008 con ông thi đậu Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), được Ngân hàng CSXH duyệt cho vay 32 triệu đồng để đóng học phí trong bốn năm. Ngân hàng đã giải ngân được 16,6 triệu đồng cho con ông đóng học phí hai năm vừa rồi. Nhưng hôm nay ông đến làm thủ tục giải ngân năm thứ ba thì bị ngân hàng từ chối. Lý do là ông không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Còn bạn Nguyễn Ninh Trường - SV năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM, quê TP Tam Kỳ, Quảng Nam - cho biết: “Hai năm trước tôi được vay vốn từ chương trình tín dụng đào tạo. Tuần trước, tôi gửi giấy xác nhận của trường về cho mẹ liên hệ ngân hàng xin vay vốn tiếp nhưng không được giải quyết nữa”. Bà Sương, mẹ của Trường, lo lắng: “Năm nay tôi có thêm một đứa vào học ĐH Bách khoa TP.HCM, cứ đinh ninh sẽ được vay vốn nhưng giờ ngân hàng bảo không cho vay nữa, tôi chưa biết tính sao”.
Áp lực đóng học phí đang đè nặng lên đôi vai các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn bị từ chối cho vay vốn. “Lát nữa tôi phải đi vay nóng lãi suất khoảng 12% gửi lên cho con đóng học phí chứ hết cách” - ông Trắc buông tiếng thở dài rồi đạp xe ra về. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tổng thẫn thờ: “Nếu biết ngân hàng không cho vay vốn như thế này, tôi đã không cho con đi học đại học”. Chiều 4-10 vợ chồng ông Tổng chia nhau đi hỏi vay tiền bên ngoài để gửi lên cho con vì “ngày nào tụi nó cũng gọi điện về xin tiền đóng học phí”.
Không được vay nữa
Các ngân hàng CSXH cho biết sở dĩ họ không cho những hộ khó khăn tiếp tục vay vốn là thực hiện theo công văn số 2287/NHCS-TDSV ngày 16-9 của tổng giám đốc Ngân hàng CSXH VN. Công văn này hướng dẫn một số điểm theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về chương trình tín dụng đối với SVHS.
Ông Nguyễn Văn Hiền, phó giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Bến Tre, giải thích: “Theo quy định ban hành năm 2007, các đối tượng SVHS diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn tại ngân hàng CSXH để trang trải chi phí học tập. Còn theo quy định mới, đối tượng con em gia đình khó khăn chỉ được vay một lần tối đa 12 tháng (860.000 đồng/tháng). Do đó, những trường hợp đã được giải ngân vốn vay từ năm 2010 trở về trước không được vay nữa”.
Theo thống kê, chỉ riêng Bến Tre đến tháng 8-2010 có hơn 20.600 hộ được duyệt vay vốn cho con đóng học phí theo chương trình tín dụng SVHS. Tuy nhiên trong số này hộ khó khăn chiếm trên 60%. Còn tại Tiền Giang, theo phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH Tiền Giang Nguyễn Thị Tắc, tính đến tháng 8-2010 tỉnh đã cho hơn 33.000 hộ vay số tiền 403 tỉ đồng để trang trải chi phí học tập cho con. Trong số này có khoảng 70% là hộ thuộc diện khó khăn tài chính tạm thời. Theo ước tính của một số ngân hàng, quy định mới tác động trực tiếp đến ít nhất 70% SVHS đã được duyệt vay vốn từ năm 2010 trở về trước.
Chưa có vốn cho SVHS vay
Theo ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH VN đến, nay đã có trên 1,9 triệu SVHS của trên 1,7 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay trên 24.000 tỉ đồng từ nguồn vốn của chương trình tín dụng đối với SVHS. Theo kế hoạch trước đây, dự kiến đầu tháng 9-2010 có vốn giải ngân cho năm học này nhưng đến nay chưa có SVHS nào được vay.
Giải thích vấn đề này, ông Lý cho biết: “Chúng tôi đề nghị nguồn vốn cho vay trong học kỳ I năm học 2010-2011 dự kiến 5.000 tỉ đồng nhưng hiện nay vẫn chưa có vốn. Theo tôi biết, Bộ Tài chính đang làm kế hoạch vốn, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ. Dự kiến một thời gian nữa mới có vốn để giải ngân”.
Cũng theo ông Lý, để thực hiện những việc này Ngân hàng CSXH đã triển khai các phòng giao dịch cử cán bộ ngân hàng phối hợp các xã để tiến hành rà soát lại các hộ đã được vay thuộc diện khó khăn đột xuất, nếu các hộ này đã hết khó khăn thì dừng cho vay. Còn những hộ khó khăn chuyển sang nghèo thì tiếp tục giải quyết cho vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận