Một phụ huynh khác giới thiệu loại máy rẻ hơn nhưng các vị trong ban đại diện đều phản đối, cho rằng “đã mua phải mua cho tốt”. Rồi họ hỏi: ai đồng ý giơ tay. Chỉ có phân nửa lớp đồng ý. Người sau thúc vào lưng người trước, bảo “giơ tay đi!”.
Một người mẹ khác có con mới vào lớp 1 Trường tiểu học NTH, Q.Gò Vấp, bức xúc: “Ban đại diện huy động phụ huynh đóng tiền mua máy chiếu trị giá hơn 20 triệu đồng trang bị cho phòng học. Chia ra mỗi học sinh là 700.000 đồng nhưng không bắt buộc, ai muốn đóng bao nhiêu thì đóng.
Nói là nói vậy nhưng tôi thấy không đóng thì giáo viên lớp cháu cũng không vui vì không hoàn thành được công trình. Thấy vậy nên phụ huynh nào cũng đóng tiền, mức thấp nhất là 300.000-400.000 đồng. Tôi tự hỏi không biết với học sinh lớp 1 máy chiếu có thật sự cần thiết không?”.
Người mẹ này băn khoăn vì đồng lương công nhân của mình và lương tài xế của chồng lo cho hai đứa con ăn học đã vừa hết. Những khoản tiền tự nguyện trở thành gánh nặng: đóng tiền mua máy chiếu thì phải bớt khoản nào trong chi tiêu gia đình?
Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT quy định: kinh phí hoạt động của ban này lấy từ đóng góp tự nguyện của phụ huynh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm học. Nhưng hai chữ “tự nguyện” không còn nguyên ý nghĩa khi phong trào huy động tiền của phụ huynh làm các công trình nhà trường ngày càng nở rộ. Năm sau công trình lớn hơn nên tỉ lệ huy động cao hơn.
Trường lớp này cạnh tranh với trường lớp kia để rồi chạy đua sắm sửa, tân trang phòng ốc, tăng cường các thiết bị phục vụ học tập. “Món” nào cần thiết, cần đầu tư bao nhiêu - quyền quyết định ở số ít những phụ huynh được bầu làm ban đại diện. Sự bất đồng phát sinh khi khoảng cách về điều kiện kinh tế giữa những người đại diện và không đại diện khác xa nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận