Thế nhưng, cả thầy lẫn trò đang phát ngộp vì có đến hàng chục chủ đề, chủ điểm được triển khai về trường với tên gọi ngoại khóa, ngoài giờ...
Phóng to |
Một buổi ngoại khóa biểu diễn kịch, văn nghệ giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: LƯU TRANG |
Theo triển khai của Bộ GD-ĐT, hoạt động ngoài giờ lên lớp khối THCS và THPT năm học này có các chủ điểm theo từng tháng như sau: tháng 9: thanh niên học tập rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tháng 10: thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình; tháng 11: thanh niên với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo; tháng 12: thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tháng1: thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tháng 2: thanh niên với lý tưởng cách mạng; tháng 3: thanh niên với vấn đề lập nghiệp; tháng 4: thanh niên với hòa bình, hữu nghị và hợp tác...
Bộ yêu cầu thực hiện đủ các chủ đề quy định cho mỗi tháng, với thời lượng hai tiết/tháng. Ngoài ra, còn có nội dung giáo dục về công ước quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở khối 9, 10; thực hiện các hoạt động hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Dày đặc ngoại khóa, ngoài giờ
Có rất nhiều chương trình không nằm trong chính khóa nhưng cũng gần như bắt buộc ở nhà trường như: phòng chống ma túy, HIV/AIDS, xây dựng nhà trường không khói thuốc lá, công ước quyền trẻ em, an toàn giao thông, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em, Luật nghĩa vụ quân sự, xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục tiết kiệm năng lượng, phòng chống tai nạn, thương tích... và hàng loạt hoạt động khác.
Các nội dung chính trị tư tưởng theo các ngày lễ lớn trong năm, tháng nào cũng có. Lịch hoạt động giáo dục tư tưởng ở một trường THCS tại TP.HCM: tháng 9: giáo dục truyền thống nhà trường, hoạt động hưởng ứng tháng an toàn giao thông; tháng 10: ngàn năm Thăng Long; tháng 11: tôn sư trọng đạo; tháng 12: Quân đội nhân dân VN...
Tiếp sau đó là chủ đề mừng Đảng mừng xuân, thành lập Đoàn, đại thắng mùa xuân 1975... Mỗi tháng một chủ điểm, mỗi tuần lại có chủ đề. Xen lẫn giữa các chủ điểm từng tháng là hàng tá chủ đề khác từ y tế (sốt xuất huyết, cận thị...) đến giao thông, chữ thập đỏ, các phong trào TDTT, văn nghệ... theo chỉ đạo của các cấp từ trung ương đến sở, quận triển khai xuống.
Chưa kể những vấn đề mang tính theo dòng thời sự phải thực hiện các chủ đề như phòng chống bạo lực học đường, phòng chống cúm, sốt xuất huyết, ngàn năm Thăng Long...
Tất cả đều là những hoạt động buộc phải chuyển tải đến học sinh.
Trong danh mục các chương trình hoạt động của một số trường THPT tại Hà Nội, có 25-30 chương trình được đưa vào các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp và lồng ghép vào môn học. Chưa kể các nội dung được yêu cầu tích hợp vào môn học, các chương trình đưa vào nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp khiến nhiều giáo viên nhận trọng trách tổ chức phải chạy bở hơi tai.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Cô L.A., tổng phụ trách một trường THCS ở Hà Nội, cho biết: Chỉ riêng trong tháng 9 đã phải triển khai 4-5 chủ đề, chưa kể các hoạt động được thành phố huy động trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Riêng tại TP.HCM, vừa xong hoạt động khai giảng, nhiều trường đã xoay qua thực hiện chủ điểm tháng an toàn giao thông và hiện đang chuẩn bị thông tin, hoạt động kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.
Lại có những hoạt động gây khó khăn cho trường như một chương trình triển khai từ trung ương yêu cầu các trường cho học sinh sưu tầm nắp chai một thương hiệu nước suối (thật ra là một hình thức quảng cáo sản phẩm).
Hoặc như có nơi liên hệ đề nghị trường tổ chức buổi nói chuyện giáo dục giới tính. Nghe thì rất hay nhưng thực chất buổi nói chuyện ấy là quảng cáo một sản phẩm vệ sinh phụ nữ.
Hiệu trưởng một trường ở TP.HCM tâm sự: hiệu trưởng bây giờ kiêm thêm rất nhiều chức danh gắn liền với từng hoạt động triển khai về trường. Không chỉ có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động cho học sinh trong trường, ban giám hiệu nhiều trường còn phải tham gia tổ chức, hỗ trợ các hoạt động chung cho các đoàn thể ở địa phương.
Dường như ban ngành nào cũng có thể chỉ đạo hoặc đề nghị trường phối hợp tổ chức hoạt động này nọ. Khổ nhất là tình trạng có những hoạt động na ná nhau về ý nghĩa nhưng có đến 2-3 ban ngành khác nhau chỉ đạo, trường phải tham gia 2-3 lần.
Quận vừa tổ chức cho học sinh các trường thi hội diễn văn nghệ thì sau đó ngành giáo dục cũng tổ chức một hội diễn tương tự. Không thể từ chối bên nào, trường đành phải tham gia cả hai, chi phí mỗi lần tham gia đến hơn 10 triệu đồng.
Hiện Bộ GD-ĐT đã biên soạn năm bộ giáo trình giáo dục kỹ năng sống cho các môn: văn, địa lý, sinh vật, giáo dục công dân, mỗi môn là một quyển tài liệu dày cộp. Chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống, nhưng chắc hẳn sẽ có thêm phần để dạy và học sinh có thêm kiến thức học thuộc lòng và làm bài kiểm tra.
“Mình làm giám hiệu mà còn muốn nổi khùng vì quá nhiều hoạt động triển khai về trường. Tội nghiệp giáo viên phải làm quá nhiều thứ, nhiệm vụ chính lo dạy học trò, áp lực chất lượng, điểm số, thi cử, giáo dục đạo đức và còn lo tổ chức thực hiện hàng trăm thứ hầm bà lằng khác - phó hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM bộc bạch - Có quá nhiều chỉ đạo, mỗi mảng một anh chỉ đạo, trường học phải đáp ứng yêu cầu từ mọi nơi. Nhà trường cứ như cái thúng phải hứng tất cả mọi triển khai, chỉ đạo ấy...”.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận