24/09/2010 03:02 GMT+7

Ngày càng mất cân đối giữa các ngành học

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 sắp kết thúc cũng là lúc những quan ngại về sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nhóm ngành nghề tiếp tục diễn ra. Trong khi nhóm ngành kinh tế tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước luôn quá tải hồ sơ đăng ký dự thi, áp đảo cả trong “cuộc đua” xét tuyển nguyện vọng 2, 3 thì một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, văn hóa - xã hội vẫn không “lần” ra người học.

Thậm chí, nhiều ngành đã và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Hệ quả của thực trạng đáng lo ngại trên là nguồn nhân lực nhóm ngành kinh tế đang dần về phía bão hòa, sinh viên ngành này khi ra trường đã vất vả hơn để tìm việc và nhiều bạn đang phải làm những việc không được đào tạo. Trái ngược với tình hình đó, một số trường đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, văn hóa - xã hội đã được nhiều doanh nghiệp chủ động đến “bắt tay”, đưa ra các điều kiện ưu đãi như tạo điều kiện cho sinh viên thực tập được hưởng lương, cam kết “ra bao nhiêu nhận bấy nhiêu” nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Đất nước đang tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, công cuộc này chỉ có thể thành công nếu tạo dựng một đội ngũ nhân lực được phân phối hợp lý giữa các nhóm ngành nghề và xa hơn nữa là tạo tiền đề cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đáng mừng là công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh trước ma trận ngành nghề, trước ngưỡng cửa cuộc đời đang dần được chú trọng tuy vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đại đa số học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu vùng xa vẫn mù thông tin ngành nghề. Nhiều bạn chọn ngành nghề - công việc gắn bó với mình cả đời - chỉ theo cảm tính hay vì một áp lực nào đó từ phía gia đình, người thân.

Giải pháp cho thực trạng nói trên là phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông trong cả nước và người làm công tác ấy không ai tốt hơn chính là giáo viên ở trường. Mỗi trường THPT cần có một ban (hay ít nhất một giáo viên) chuyên trách hướng nghiệp cho học sinh. Từ đó có thể thành lập một mạng lưới giáo viên làm công tác này tại các trường THPT để liên tục cập nhật, trao đổi, chia sẻ thông tin ngành nghề, nhân lực... cũng như phối hợp cùng gia đình giúp học sinh có lựa chọn đúng đắn.

Bao giờ người trẻ được trang bị những kỹ năng cần thiết để biết được mình phù hợp ngành nào, ngành nào xã hội đang cần và mạnh dạn chọn cho mình hướng đi dựa trên những cơ sở ấy thì bức tranh nguồn nhân lực không chỉ tươi sáng hơn mà còn tạo điều kiện cho nhiều nhân tố phát huy tối đa khả năng của mình.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên