Phóng to |
Nguyên tắc duy nhất được áp dụng đối với trường ngoài công lập trong việc thu tiền trường là “dựa vào thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh”. Với sự lỏng lẻo này, nhiều trường tư thả sức tăng giá, sinh ra những khoản thu vô lý và không thực hiện việc công khai, minh bạch tài chính.
Chịu không thấu, nhiều phụ huynh phải cho con rời trường ngay khi vừa khai giảng năm học.
Học phí tương đương trường quốc tế
Từ Đắk Lắk, gia đình đưa T.H. đăng ký học hè trước khi vào học chính thức lớp 10 ở một trường tư thục tại quận 11, TP.HCM. Nhưng chỉ sau hai tháng, sức ép học hành cộng với các khoản tiền hằng tháng phải đóng trở nên quá sức đối với gia đình H..
Hơn 30 triệu đồng đã đóng gồm tiền giữ chỗ, cơ sở vật chất, tiền ăn, học phí... không được hoàn lại, nhưng nghĩ đến ba năm học cấp THPT dài đằng đẵng, mẹ con H. đành ngậm ngùi chuyển trường ngay khi năm học mới vừa bắt đầu.
Nhưng những trường hợp như T.H. không phải là hiếm. Khi vào học chính thức, phụ huynh mới ngã ngửa do số tiền phải đóng đội lên nhiều lần so với quảng cáo hoặc dự tính trước đó.
Chị Tâm, phụ huynh ở Hóc Môn, kể: “Nghe một trường tư quảng cáo học phí lớp 10 là 1,4 triệu đồng/tháng, tiền nội trú 2,1 triệu/tháng, học sinh (HS) khá giỏi được giảm 20-50% học phí, tôi quyết định đầu tư cho con lên TP học để dễ đậu tốt nghiệp. Khi vào trường cho cháu thi tuyển thì cháu đậu vào lớp B (học phí đã quảng cáo là của lớp A - HS giỏi), với học phí thôi đã là 5 triệu đồng/tháng, nếu kể thêm phí nội trú, phí ở lại cuối tuần lên đến gần 8 triệu/tháng. Đến lúc này thì tiến cũng không được mà lùi cũng không xong, đành cắn răng lo cho con học hết năm nay rồi tính tiếp”.
Ngay khi năm học mới vừa bắt đầu, nhiều phụ huynh mới vỡ lẽ những khoản thu được thông báo ban đầu chỉ là một phần trong những khoản tiền thực tế được thu từng tháng.
Một phụ huynh có con học một trường tư thục phản ảnh: “Học phí trường chỉ thu tương đương các trường khác, nhưng khi vào học phải đóng thêm tiền sinh hoạt ký túc xá 2 triệu đồng/tháng dù đã có tiền cơ sở vật chất 3 triệu đồng từ đầu năm. Rồi đủ các khoản tiền như mua sách thư viện, mua cây xanh, ủng hộ người nghèo... Tiền ăn 3 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi ngày các cháu ăn tới 100.000 đồng, trong khi các trường khác chỉ thu tiền ăn 20.000 đồng/ bữa”.
TP.HCM hiện có 71 trường phổ thông dân lập, tư thục. Những HS ngoại tỉnh hoặc rớt trường công lập đều có thể tìm kiếm cơ hội học tập ở những trường này. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện đáp ứng các khoản thu bởi nhà trường toàn quyền quyết định mức thu, các khoản thu, định kỳ thu.
Nhiều trường tính luôn học phí và các khoản khác đã lên đến 8-10 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản thu cố định theo năm), tương đương học phí một số trường quốc tế ở TP.
Nhiều khoản tiền “lạ”
Tại Hà Nội, tiếng là “có thỏa thuận” nhưng phần đông phụ huynh khi con em vào trường mới rõ ngọn ngành các khoản thu. Một số trường chấp hành việc công khai học phí trên trang web của trường, nhưng nhiều trường không công khai.
Chị Thanh, một phụ huynh vừa xin rút hồ sơ cho con khỏi Trường Hà Nội - Academy, bức xúc: “Cho con học các trường này phần lớn phụ huynh đều xác định sẽ tốn kém. Nhưng điều nhiều người bức xúc, không chịu nổi là cách thu tiền không đúng với thỏa thuận, không giải thích và cũng không minh bạch. Không riêng tôi mà nhiều người đã xin cho con chuyển trường dù năm học đã bắt đầu”.
Trong các phiếu báo thu tiền do phụ huynh Trường Hà Nội - Academy cung cấp, tổng các khoản phải nộp đối với một phụ huynh mới đăng ký vào trường lên đến 5.000-6.000 USD tùy bậc học, bao gồm phí ghi danh, phí hồ sơ nhập học, phí xây dựng trường, đồng phục, học phí.
Nhưng theo chị Thanh, nhiều phụ huynh bất ngờ khi nhà trường có bảng kê yêu cầu nộp thêm những khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”, trong đó có “tiền bản quyền chương trình”.
Anh Minh, một phụ huynh khác cũng có con học tiểu học ở trường này, kể: “Ngoài tiền bản quyền, HS còn phải nộp thêm tiền học phẩm trên 2,3 triệu đồng, tiền mua sách gần 800.000 đồng/bộ, trong đó chỉ một số sách in màu, còn nhiều tài liệu được nhà trường photocopy đen trắng. Đáng nói là phụ huynh phải nộp thêm những khoản lạ lùng như phí quản lý sách, chi phí nhập khẩu...”.
Ở Trường THPT dân lập Lômônôxôp, nhiều phụ huynh cũng lo ngại về các khoản tiền tăng trong đầu năm học. Những HS học chương trình tiếng Anh tăng cường phải nộp học phí ở mức 950.000-1 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn phải nộp riêng tiền chương trình tiếng Anh với học phí 80-120 USD/tháng.
Ngoài ra, trường còn thu tiền xây dựng trường 1 triệu đồng/HS, tiền hỗ trợ văn nghệ, thể thao 1 triệu đồng/HS, tiền mua sách 1,9 triệu đồng (sách không được phép photocopy mà phải mua bản chính).
Không được thu quỹ lớp Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các trường về việc thực hiện các khoản thu trong năm học 2010-2011. Theo đó, sở yêu cầu thủ trưởng đơn vị giáo dục phải thực hiện nghiêm túc quy định về các mức thu, giữ vững kỷ cương trong ngành và không làm giảm uy tín giáo viên trước học sinh. Cụ thể: ban giám hiệu các trường cần thực hiện thanh kiểm tra đầy đủ, chấn chỉnh kịp thời đến từng lớp học, tuyệt đối không được gây quỹ lớp và bắt ép phụ huynh đóng tiền ngoài quy định... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận