17/08/2010 09:00 GMT+7

Loạn cán bộ xài bằng giả

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TT - Gần 200 cán bộ nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học bổ túc giả dưới danh nghĩa Sở GD-ĐT Cần Thơ cấp. Sau khi phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ xác minh đây là bằng giả, một vài nơi lại xuất hiện công văn giả để “hợp thức hóa” bằng giả.

yTsOV3fs.jpgPhóng to

Tiếp PV Tuổi Trẻ sáng 16-8, bà Nguyễn Thị Thuận - trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - cho biết từng nói thẳng trước đại hội đảng bộ một số xã, huyện về chuyện hàng trăm cán bộ sử dụng bằng giả. Bà Thuận còn nói bà đã nhận được nhiều công văn từ quận ủy, huyện ủy của các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL, thậm chí từ các quận huyện của TP.HCM, yêu cầu kiểm tra, trả lời vấn đề thật - giả văn bằng tốt nghiệp hệ trung học bổ túc của cán bộ.

Giả chồng lên giả

Mở tủ hồ sơ, bà Nguyễn Thị Thuận cầm ra một xấp dày bản sao các giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và bằng tốt nghiệp mà bà ghi rõ bên lề là bằng giả, chứng nhận giả. Phần nhiều trong số các hồ sơ này là các trường hợp thuộc tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP.HCM. Trong đó có trên 100 trường hợp thuộc tỉnh Sóc Trăng, nhiều người trong số này hiện đang là cán bộ của một số xã, phòng ban của huyện.

Theo bà Thuận, qua đơn tố giác, ban tổ chức của một số huyện đã yêu cầu xác minh thông qua công văn gửi đường bưu điện hoặc cử cán bộ đến gặp trực tiếp bà. Qua đó cho thấy hầu hết các văn bằng và giấy chứng nhận này đều giả mạo phôi bằng, chữ ký của lãnh đạo sở, kể cả con dấu. Cụ thể, nhiều văn bằng khi kiểm tra cho thấy không trùng khớp hội đồng thi vào thời điểm thi được ghi trên các văn bằng, giấy chứng nhận tạm thời, kể cả người ký giấy hoặc bằng tốt nghiệp cũng “trật chìa”, trong danh sách thi, tốt nghiệp không có tên người cần xác minh...

Bà Thuận nêu trường hợp của cán bộ Lâm Thanh Tùng (huyện Tịnh Biên, An Giang) và nói: “Dù tôi đã có công văn trả lời Huyện ủy Tịnh Biên về việc văn bằng của ông Tùng là không do sở cấp, nhưng không hiểu sao tại ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên lại xuất hiện công văn của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ với nội dung bằng tốt nghiệp của ông Tùng là thật.

Tương tự là trường hợp ông Hà Hữu Hiểu (Sóc Trăng), sau khi tôi ký công văn trả lời là bằng giả thì tại địa phương lại xuất hiện văn bản của Sở GD-ĐT Cần Thơ do tôi ký xác nhận văn bằng tốt nghiệp là thật. Có nghĩa là giấy xác nhận này cũng giả nốt từ chữ ký tới con dấu của sở”.

SqkD8HEE.jpgPhóng to
Giấy xác nhận giả cho một tấm bằng giả

Công an vào cuộc

Bà Thuận cho biết phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) công an các tỉnh thành như Sóc Trăng, Cần Thơ đã nhiều lần liên hệ với bà để xác minh nhiều trường hợp bị tố cáo có bằng tốt nghiệp trung học bổ túc giả, qua xác minh thì tại tỉnh Sóc Trăng có đến 90% các trường hợp giả mạo. Theo lời bà Thuận, ngày 5-8-2009 Công an Sóc Trăng gửi công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Cần Thơ xác minh bằng trung học bổ túc của 10 cán bộ, phòng khảo thí trả lời 10 trường hợp này đều không do Sở GD-ĐT Cần Thơ cấp.

Theo ông Phạm Vũ Toàn - phó trưởng phòng PA83 Công an TP Cần Thơ, phòng cũng nhận được tin của một nông dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tố giác năm người ở xã Đông Thạnh mua bằng tốt nghiệp trung học bổ túc với giá 9,5 triệu đồng mỗi bằng. “Các đương sự này mua bằng thông qua một người môi giới. Họ không có tên trong danh sách dự thi và Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng không cấp bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp. Họ đều thường trú tại Kiên Giang nên chúng tôi chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an Kiên Giang thụ lý, điều tra”.

uNgjzAcX.jpgPhóng to
Công văn Sở GD-ĐT TP Cần Thơ khẳng định giấy xác nhận trên là giả

Thực tế có thể nhiều hơn

Chiều qua, thượng tá Đặng Thị Bền, trưởng phòng PA83 Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết phòng đang thụ lý điều tra về một đường dây làm bằng giả xuyên quốc gia. “Do việc làm bằng giả này liên quan đến nhiều địa phương, thậm chí cả Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh khác, nên chúng tôi đang tiến hành phối hợp điều tra khẩn trương, cẩn thận và vụ việc chưa kết thúc”.

Trước con số được phòng khảo thí Sở GD-ĐT Cần Thơ đưa ra trên 100 trường hợp ở tỉnh này bị phát hiện bằng tốt nghiệp giả, thượng tá Bền cho biết thực tế có thể còn nhiều hơn, PA83 đang tiếp tục xác minh. Riêng các cán bộ sử dụng văn bằng giả, thượng tá Bền khẳng định các địa phương không cơ cấu những cán bộ này vào danh sách ứng cử đại hội đảng bộ cơ sở, cũng như bố trí chức danh và việc xử lý vẫn đang được các cơ quan chức năng làm tiếp thời gian tới.

Không biết có công văn giả xác nhận bằng cấp giả

Ngày 29-3-2010, ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên (An Giang) gửi đến phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ bản sao tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT số hiệu 3360318/BTTH do Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cấp cho ông Lâm Thanh Tùng, hiện là cán bộ ở huyện Tịnh Biên.

Đồng thời đề nghị xác minh việc cấp bằng tốt nghiệp đối với ông này. Theo thông tin trong bằng tốt nghiệp, ông Tùng sinh ngày 9-10-1970 tại Tịnh Biên, là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Thủy, trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp ngày 18-8-2007 tại hội đồng thi Trường tiểu học Trần Quốc Toản.

Qua xác minh, trưởng phòng khảo thí Nguyễn Thị Thuận, thừa lệnh giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, ký công văn trả lời ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên khẳng định bằng tốt nghiệp của ông Tùng là giả. Khóa thi ngày 18-8-2007 tại TP Cần Thơ không có hội đồng thi Trường tiểu học Trần Quốc Toản, ông Tùng không có tên trong danh sách dự thi và tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, không được cấp bằng tốt nghiệp...

Ông Lâm Thanh Tùng hiện đương chức chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên. Tiếp xúc với chúng tôi tại UBND xã Tân Lập, ông Tùng cho biết trước đây học xong THCS, ông đi học ở Trường trung học Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ và tốt nghiệp năm 1996.

Giai đoạn 2002-2003 ông học bổ túc văn hóa lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Tri Tôn. Hai đợt thi tốt nghiệp năm 2004 và 2005 tại An Giang ông đều thi rớt. Với tấm bằng tốt nghiệp THCN tại Trường trung học Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ năm 2005, ông đăng ký học Đại học Mở TP.HCM tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang rồi nhận bằng tốt nghiệp đại học hồi tháng 3-2010.

Về tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT, ông Tùng cho hay do thi hai lần tại An Giang không đậu nên ông về thi tại Cần Thơ. “Tôi thi tốt nghiệp ở hội đồng thi Trường Trần Quốc Toản và đậu khóa thi này” - ông Tùng khẳng định.

Ông nói mới đây ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên có mời ông làm việc, sau đó cho rằng tấm bằng tốt nghiệp bổ túc của ông là không hợp lệ. Còn chuyện công văn xác nhận bằng cấp cho ông là thật thì ông hoàn toàn không hề hay biết, ban tổ chức huyện ủy cũng chưa có ý kiến hay thông báo gì.

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên