07/08/2010 07:20 GMT+7

Những chương trình "ngoại" trôi nổi

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Ngoài những chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) với nước ngoài được Bộ GD-ĐT công nhận, hiện trên thị trường còn trôi nổi nhiều CTLKĐT khác mà đối tác nội - ngoại đều “đôi lứa xứng đôi”.

Tại sao các CTLKĐT này có thể ngang nhiên công khai thông báo tuyển sinh, lôi kéo người học trả hàng ngàn đôla cho những tấm bằng không được công nhận?

Vàng thau chương trình nước ngoài: Ồ ạt liên kết

jqLg8Zj2.jpgPhóng to
Lễ ký kết hợp đồng giữa Trường FTU và LaviEdu - Ảnh: trang web Sara

Bản tin trên trang nhất của website Công ty cổ phần Sara VN - công ty chủ quản Trường LaviEdu - viết: “14g ngày 17-3-2010, tại Bộ Giáo dục đã diễn ra lễ khai giảng chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), học trực tuyến tại VN và một số nước châu Á, do Trường ĐH Frederick Taylor (FTU) Hoa Kỳ cấp bằng. Là một trong những đơn vị đi đầu trong hình thức đào tạo trực tuyến cũng như hợp tác đào tạo quốc tế, LaviEdu đã đạt được rất nhiều thành công trong công tác tuyển sinh và giáo dục...”.

ĐH “dỏm” khai giảng tại Bộ GD-ĐT!?

Một chương trình đào tạo được khai giảng tại Bộ GD-ĐT thật hoành tráng, ấn tượng. Nhưng điều đặc biệt gây ấn tượng cho chúng tôi hơn nữa là Trường ĐH Frederick Taylor (FTU) Hoa Kỳ - đối tác nước ngoài của CTLKĐT này - đã được xác định là một trong những trường ĐH “gà rừng”, không được công nhận ở Hoa Kỳ.

Liên kết với một trường ĐH không được công nhận tại Hoa Kỳ, chương trình lại chưa được Bộ GD-ĐT cho phép nhưng Công ty cổ phần Sara VN và Trường LaviEdu vẫn quảng bá rầm rộ, tuyển sinh ồ ạt đào tạo cả cử nhân và thạc sĩ. Ngoài những khóa học được khai giảng ở VN học theo hình thức trực tuyến, Sara còn lách quy định bằng cách tổ chức đào tạo tại cơ sở mang tên LaviEdu tại... Lào. Vậy nhưng CTLKĐT của Sara và FTU đang thu hút hàng trăm học viên, trong đó có không ít cán bộ các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhận bằng Hoa Kỳ mà không cần biết tiếng Anh, có lẽ đó chính là điểm hấp dẫn nhất của chương trình này khiến không ít người sẵn sàng bỏ ra 3.500 USD “theo học” để lấy một tấm bằng MBA không được cả Hoa Kỳ lẫn VN công nhận.

Không chỉ thế, CTLKĐT của Sara và FTU còn thông qua nhiều chương trình hợp tác, liên kết khác để mở rộng chân rết tuyển sinh ở VN, như liên kết với Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác doanh nghiệp của Trường trung cấp nghề Công đoàn VN tổ chức các lớp đào tạo MBA “quốc tế” ngay tại trụ sở trung tâm...

Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về các CTLKĐT không phép, thậm chí trái phép, trôi nổi trên thị trường hiện nay. Các CTLKĐT này có đặc điểm chung là đối tác phía VN không phải là một trường ĐH, CĐ mà chỉ là các doanh nghiệp, trung tâm, tổ chức xã hội... không có chức năng, thẩm quyền tổ chức đào tạo đến trình độ ĐH, sau ĐH. Nhưng họ lách bằng cách chỉ đứng ra làm đầu mối tuyển sinh, tổ chức đào tạo..., còn toàn bộ chương trình, bằng cấp do phía đối tác nước ngoài cấp.

Mập mờ thông tin

Ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) - đã cảnh báo những người có nhu cầu học chương trình ngoại ở VN: “Người học cần cẩn trọng kiểm tra những thông tin quảng bá về các chương trình liên kết đào tạo”.

Nhưng điều đáng lo ngại là những chương trình đào tạo không phép hoặc lách quy định quản lý về liên kết đào tạo với nước ngoài như kiểu của Sara và ĐH “gà rừng” nước ngoài lại đang xuất hiện ngày càng nhiều với các thông tin quảng cáo tuyển sinh công khai. Trong đó, không ít tổ chức liên quan đến giáo dục cũng tổ chức các CTLKĐT với nước ngoài không đúng theo quy định, thậm chí Bộ GD-ĐT cũng được lôi vào cuộc để tăng thêm sức thuyết phục với người học.

Chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh của ĐH Columbia Southern đào tạo và cấp bằng do Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế của Hội Khuyến học VN đứng ra tổ chức đã thông báo tuyển sinh đến khóa 19. Trong thông báo tuyển sinh của chương trình có nêu rõ: “Được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT tại công văn số 8621/GDTX ngày 27-9-2002”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm 2002 chưa có nghị định số 18 của Chính phủ quy định về việc lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa giáo dục nước ngoài tại VN theo hình thức phi lợi nhuận và thông tư 15 hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định. Do vậy, chương trình đào tạo này đã xin giấy phép của Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) do đào tạo theo hình thức trực tuyến, được coi là đào tạo không chính quy. Nhưng sau đó, từ năm 2005, các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài đều phải quản lý theo các quy định mới.

Vụ Quan hệ hợp tác (Bộ GD-ĐT) - đầu mối quản lý về hợp tác đào tạo với nước ngoài - cũng đã nhiều lần hướng dẫn nhưng Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế (Hội Khuyến học VN) vẫn lờ đi và tiếp tục mập mờ sử dụng văn bản đồng ý từ năm 2002 của Vụ Giáo dục thường xuyên không còn phù hợp với quy định quản lý hiện hành.

Một trường ĐH “ngoại” là Trường ĐH Anh quốc VN (British University Vietnam) được thành lập tại VN vào tháng 9-2009 theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục. Đầu tháng 5-2010, trường đã tuyển sinh xong đợt 1 các khóa đào tạo liên kết với Trường ĐH Staffordshire và ĐH London, trong đó mức học phí của một số khóa lên tới hơn 500 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này, theo Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Anh quốc VN chưa đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động đào tạo.

Các CTLKĐT không phép, chưa phép hoặc chưa có đủ các căn cứ pháp lý theo quy định hiện hành còn tồn tại ở cả những trường ĐH công lập như một loạt CTLKĐT ĐH, thạc sĩ với Trung Quốc, CĐ với Úc... của ĐH Điện lực. Hiện trường đã thông báo tuyển sinh công khai trên trang web nhưng lại không có trong danh sách chương trình được Bộ GD-ĐT cấp phép.

Không cần phải nghi ngờ, các CTLKĐT trái phép, không phép hoạt động rõ ràng vì mục đích lợi nhuận. Trong số hàng ngàn người học đã và đang trả tiền cho những tấm bằng không có sự bảo đảm về chất lượng, có những người vì mục đích cá nhân nhưng cũng có không ít người là nạn nhân.

Từ thực tế này cần đặt ra câu hỏi: tại sao các CTLKĐT trái phép như đã nêu vẫn ngang nhiên tồn tại và diễn ra công khai nhiều năm liền? Với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, bao giờ Bộ GD-ĐT mới ra tay chấn chỉnh những CTLKĐT trái phép này?

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên