Phóng to |
Truy cập một địa chỉ như universaldegrees.com và tham gia trò chuyện trực tuyến vào buổi sáng 27-7, phóng viên Tuổi Trẻ được một người trực tổng đài của trang mạng này xưng danh là Dan Hauss tiếp chuyện. Hauss tự nhận là một đại diện của Đại học Corllins và khẳng định có thể cung cấp mọi thứ bằng cấp với “giá cả phải chăng”.
600 USD là thành tiến sĩ!
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một bằng tiến sĩ về kinh tế học, Hauss ra giá luôn là 599 USD, đồng thời sốt sắng chào mời: “Nếu anh trả tiền ngay bây giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 10%!”.
Khi chúng tôi bày tỏ về giá bằng tiến sĩ quá rẻ như thế thì không biết chất lượng ra sao, Hauss lập tức bảo đảm như đinh đóng cột: “Chúng tôi cam kết bằng này là thật (!), có thể dùng để xin việc ở mọi nơi dù là tại Đức, Ireland, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản hay VN”. Điều kiện duy nhất để nhận tấm bằng tiến sĩ Đại học Corllins, ngoài số tiền gần 600 USD, là có hai năm kinh nghiệm làm việc, và ngay cả điều kiện này cũng chỉ được Hauss kiểm tra... miệng qua trò chuyện trực tuyến!
Sau đó để làm tin, Hauss còn cung cấp một tài khoản đăng nhập trên trang Universal Degree để chúng tôi có thể kiểm tra các phôi bằng mẫu, bao gồm một bằng tiến sĩ, một bằng thạc sĩ, một bảng điểm, một giấy chứng nhận hoàn tất khóa học và thậm chí cả một giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên Đại học Corllins. Tất cả việc còn lại chỉ là điền tên, năm sinh và ngày nhận bằng còn để trống. Còn trang web của Đại học Corllins: corllinsuniversity.com dù được xây dựng khá công phu nhưng không hề có địa chỉ liên lạc hay địa chỉ học hiệu, học xá, mà chỉ có vỏn vẹn một số điện thoại liên hệ, giống hệt số điện thoại trên trang bán bằng Universal Degree.
Vì sao dễ mua bằng tiến sĩ Mỹ?
Nếu ở một số nước như Úc, Canada hay New Zealand, các cụm từ “bằng cử nhân”, “bằng tiến sĩ”, “bằng đại học”... chỉ được sử dụng tại những cơ sở đào tạo đã qua kiểm duyệt ngặt nghèo của cơ quan giám định giáo dục quốc gia, thì ở Mỹ cụm từ “bằng đại học” không được pháp luật liên bang bảo hộ. Điều đó khiến quốc gia này trở thành một thiên đường của “các nhà máy sản xuất bằng”. Những cố gắng hạn chế nạn mua bằng tràn lan chỉ được thực hiện riêng lẻ ở từng bang, chứ chưa bao giờ là một nỗ lực ở cấp liên bang.
Hệ quả là “những nhà máy in bằng” mọc lên như nấm, đặc biệt là trong thời đại Internet. Truy cập một trang mạng tương tự Universal Degree như cooldegrees.com chẳng hạn, việc ngã giá còn trắng trợn hơn. Mỗi loại bằng đều có giá tương ứng được niêm yết công khai: asscociate degree (phó giáo sư?): 120 USD, bachelor degree (cử nhân): 130 USD, masters degree (thạc sĩ): 155 USD, doctorate degree (tiến sĩ): 180 USD, professorship degree (giáo sư): 210 USD và fellowship (nghiên cứu sinh): 210 USD. Bên cạnh các mức giá nêu trên là mức giá cũ cao hơn bị gạch bỏ với lời chú thích “mùa khuyến mãi (thời gian có hạn)!”.
Nắm bắt nhu cầu khách hàng, cooldegrees.com còn liệt kê sáu tiện ích khi xài bằng tiến sĩ của họ, bao gồm: được người lạ và cả bạn bè ngưỡng mộ hơn, có ưu thế khi xin việc, khi làm việc có thể đòi mức lương cao hơn, dễ thăng tiến, ít tốn kém và đặc biệt thu hút người khác giới khi cần hẹn hò.
Trang mạng này cũng in cả các phản hồi của khách hàng. “Tôi dùng bằng tiến sĩ của cooldegrees và in học vị của mình lên danh thiếp. Trong hầu hết trường hợp, tôi luôn làm quen được với những phụ nữ xinh đẹp mình thích” - một khách hàng tên M.T. đã mua bằng tiến sĩ phản hồi.
Ở ngay nước Mỹ, tình trạng bằng cấp lẫn lộn cũng đã gây ra những vụ bê bối lớn. Chẳng hạn năm 2004, bà Laura Callahan đã phải từ chức ở Bộ An ninh nội địa Mỹ sau khi bị phát hiện xài bằng tiến sĩ dỏm của đại học Hamilton (Hamilton University, một trường nhái của trường thứ thiệt danh tiếng Hamilton College tại Clinton, New York). Nhờ tấm bằng mua đó, bà Callahan đã leo lên tới chức vụ trưởng một vụ ở Bộ An ninh nội địa, sau đó được chuyển sang làm quản lý ở Bộ Lao động dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Vụ việc chấn động tới mức Quốc hội Mỹ phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập. Cuộc điều tra kéo dài suốt 11 tháng, dẫn tới việc phát hiện thêm 463 công chức liên bang sử dụng bằng mua, bao gồm nhiều quan chức cộm cán như Charles Abell, phó vụ trưởng vụ nhân sự và sẵn sàng tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng hay Daniel P. Matthews, giám đốc thông tin của Bộ Giao thông.
Tuy nhiên, trong khi việc mua bán bằng cấp ở Mỹ diễn ra tưởng chừng như vô tội vạ thì cũng có những giới hạn. Khi chúng tôi hỏi Hauss liệu có thể mua một bằng từ trường trong nhóm Ivy League, nhóm tám trường đại học hàng đầu nước Mỹ hay không thì anh này từ chối. Ngoài ra, luật pháp Mỹ cũng cấm ngặt việc sử dụng các bằng cấp giả liên quan đến y tế hay dược.
* Từ nghị sĩ đến doanh nhân Theo ABC News, tháng 6-2010 Tòa án tối cao Pakistan đã ra lệnh kiểm tra lại bằng cấp của toàn bộ 1.170 nghị sĩ và thành viên hội đồng dân biểu địa phương ở nước này, sau khi báo chí phát hiện ít nhất 46 vị đã xài bằng tốt nghiệp đại học giả. Kết quả của một cuộc điều tra độc lập cho thấy một số nghị sĩ, thậm chí còn chưa học hết cấp III, đã mua bằng từ những trường đại học “ma”. Việc xài bằng giả được coi là bình thường đến mức tỉnh trưởng tỉnh Balochistan, ông Nawab Muhammad Aslam Raisani, đã thản nhiên tuyên bố: “Bằng nào cũng là bằng, thật giả có khác nhau là bao”. Hội đồng dân biểu Punjab thậm chí còn ra một nghị quyết lên án báo chí vì đã phanh phui câu chuyện. Các nhà báo Pakistan đã tuần hành phản đối khiến chính quyền Punjab phải xin lỗi. Ông Nawab Muhammad Aslam Raisani cũng phải đấu dịu và nói báo chí là hiểu lầm “tính hài hước“ của ông! * Đầu tháng 7, Đường Tuấn, một doanh nhân tiếng tăm từng giữ cương vị giám đốc điều hành Microsoft tại Trung Quốc giai đoạn 2002-2004, bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả của Trường Western Pacific University (Đại học Tây Thái Bình Dương, có lẽ là một phân hiệu của Đại học Nam Thái Bình Dương!). Trường này từng nổi tiếng bán bằng giả cho cả các quan chức Mỹ, nhưng với giá cao hơn nhiều so với “hàng chợ”: từ 2.295-2.595 USD cho bằng cấp từ cử nhân tới tiến sĩ, theo mạng tin Asia One. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận