26/06/2010 07:30 GMT+7

Mùa hè... 1 tuần

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Cuối tháng 5: nghỉ hè. Đầu tháng 6, học sinh (HS) lại phải đến trường. Với nhiều HS THCS, mùa hè năm nay chỉ còn có... bảy ngày. Và với bậc THPT, nhiều HS hầu như chẳng còn hè.

A1hNk3fW.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM đi học trong những ngày hè (ảnh chụp sáng 25-6)- Ảnh: Minh Đức

Ở bậc tiểu học, nhiều ngôi trường vẫn mở cửa, vẫn hoạt động bán trú, phụ huynh vẫn đưa đón con sáng và chiều như những ngày... không hè. Ở Hà Nội, HS chưa kịp cảm nhận không khí mùa hè đã phải tựu trường. Mùa hè của HS thành phố đang ngày một ngắn hơn.

TP.HCM: học hè từ cuối tháng 5

Từ 14-6, các lớp bán trú với hơn 100 HS đăng ký đã khai giảng tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, lịch học năm buổi/tuần, kéo dài từ 7g-16g hằng ngày. Mọi hoạt động phục vụ bán trú, giáo viên, bảo mẫu đều được huy động làm việc đúng như nề nếp sinh hoạt chính khóa.

Học hè bắt buộc

Ở nhiều trường ngoài công lập, hoạt động học hè càng được tổ chức một cách quy củ và bắt đầu từ rất sớm. Đây là hoạt động bắt buộc nếu phụ huynh muốn con em mình được học tại trường trong năm học mới.

Trường tư thục Nguyễn Khuyến nhận hồ sơ học hè từ ngày 7-6, với thời gian học hè 8-10 tuần tùy khối lớp cho đến ngày học chính thức. Đây là căn cứ giúp nhà trường tuyển chọn những HS có khả năng thích nghi học tập để nhận hồ sơ nhập học chính thức.

Trường tư thục Duy Tân tổ chức học hè tháng 6 và 7 từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần để chuẩn bị các môn chính của năm học mới. Phụ huynh phải nộp mức học phí bán trú hoặc nội trú bằng với mức học phí trong năm học.

Đại diện ban giám hiệu cho biết: “Tổ chức hoạt động bán trú trong thời gian hè rất cực. Nhưng nếu không tổ chức thì phụ huynh gặp khó khăn trong việc giữ con. Nhiều phụ huynh phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tư nhân với mức phí cả triệu đồng/tháng”. Tại trường này, từ ngày 1-7 sẽ khai giảng lớp học hè ba buổi/tuần cho tất cả HS đến khi có lịch tập trung vào năm học mới.

Trước đó, nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hóa (TTBDVH) trực thuộc các trường THCS, THPT đều đồng loạt khai giảng từ đầu tháng 6 với lịch học 3-5 buổi/tuần, bồi dưỡng các môn toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Thậm chí tại TTBDVH Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, khóa học hè đầu tiên đã được khải giảng từ ngày 25-5. Các TTBDVH tại Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình), THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh)... khai giảng lớp hè từ ngày 7-6, chỉ một tuần ngay sau khi các em kết thúc năm học cũ ở trường.

Chị Bích, một phụ huynh có con học lớp 7 tại Trường THCS Ngô Mây (Q.Phú Nhuận), tâm sự: "Học xong chương trình hè là vào chương trình chính thức của năm học mới luôn nên gia đình yên tâm cho cháu đi học”.

Với T.P., năm nay lên lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, kỳ nghỉ xả hơi chỉ được đúng một tuần. P. kể: “Tranh thủ tháng 6 để học thêm ở ngoài vì từ ngày 12-7 phải tập trung và học hè theo chương trình của nhà trường. Ba năm cấp ba năm nào em cũng phải có mặt ở trường từ đầu tháng 7 để học hè theo lịch bắt buộc”.

Hà Nội: cực hơn chính khóa

Tại một lớp học hè trong khu Bách khoa Hà Nội, chủ nhà cho thuê lớp học cho biết: “Từ tháng 4-5 nhiều phụ huynh đã đến hỏi thuê để tự tổ chức, mời thầy cô giáo dạy. Phụ huynh cũng hợp đồng với chủ nhà nấu ăn trưa cho các cháu luôn”. Vậy là khổ hơn cả trong năm học, nhiều HS những lớp bán trú như thế này bị "nhốt" trong những lớp học chật chội, nóng nực. Còn nội dung dạy học, theo một số phụ huynh: “Được chữ nào hay chữ đó vì mục tiêu chỉ là cần giữ con”.

Một số trường phối hợp tổ chức các lớp học văn hóa dưới dạng câu lạc bộ toán học, văn học, ngoại ngữ... Chị Hoàng Mai Phương, đang có con theo học các lớp học hè như trên ở Trường THCS Thái Thịnh, nói: "Thay vì nhốt con ở nhà thì cho cháu đi học. Mỗi ca học năng khiếu chỉ một tiếng rưỡi nhưng phải đăng ký cho cháu học 2-3 ca/ngày, có buổi phải mang cơm hộp ở nhà đi để ở lại trưa vì bố mẹ không đón được".

Trong khi đó, không đợi đến thời điểm các trường học chính thức mở cửa, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng cho con học thêm ngay sau khi kết thúc năm học.

Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái thời điểm này đã cho nhiều giáo viên trường khác thuê để mở lớp dạy văn, toán, ngoại ngữ. Có lớp học phụ đạo cho HS học yếu, có lớp học nâng cao, có lớp chuyên luyện thi vào trường điểm THCS. Một số HS học liên tục cả ngày với các môn toán, văn, ngoại ngữ.

uSMRUD2R.jpgPhóng to
TS Nguyễn Thị Quy - Ảnh: H.HG.
Cần giảm tải chương trình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN THỊ QUY - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - đánh giá:

- Khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm ba tháng hè đối với học sinh ở nhiều đô thị lớn đã không còn. Thường các em sẽ được nghỉ một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục đi học (gọi là học hè).

* Theo bà, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

- Do chương trình bậc phổ thông quá nặng nề; phương pháp thi cử vẫn theo lối cũ, phần lớn nhằm kiểm tra kiến thức mô phỏng, tái hiện chứ không kiểm tra tư duy, sự sáng tạo của học sinh. Tình trạng này đã gây áp lực không chỉ cho học sinh mà cả nhà trường vì phải dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, phải giữ chỉ tiêu tốt nghiệp, chỉ tiêu lên lớp... Nếu gói gọn chương trình giảng dạy trong chín tháng của năm học chính khóa, học sinh sẽ ít có thời gian ôn thi. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi, tỉ lệ tốt nghiệp. Bởi vậy, nhiều trường buộc tất cả học sinh phải đi học trong hè với mục đích giảng dạy trước chương trình chính khóa của năm học sau, để đến cuối năm học học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi.

* Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bộc bạch rằng cho con đi học hè là giải pháp an toàn, vì nếu để ở nhà trẻ dễ bị hư trong môi trường quá nhiều phức tạp như hiện nay?

- Để học sinh có được mùa hè đúng nghĩa, tôi nghĩ cần sự góp sức của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Trước nhất cần giảm tải chương trình, cải cách phương pháp thi cử. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng sau khi đổi mới, giáo viên, học sinh vẫn than chương trình quá nặng nề và ôm đồm. Bộ GD-ĐT cũng đã thực hiện giảm tải chương trình của một số bậc học nhưng tình hình vẫn chưa khá hơn.

Những góp ý của người trực tiếp dạy và học vẫn chưa được quan tâm nhiều. Ví dụ: môn lịch sử học sinh vẫn phải học thuộc lòng ngày tháng năm diễn ra sự kiện, trận đánh này, trận đánh kia ta tiêu diệt được bao nhiêu quân địch, thu được bao nhiêu vũ khí...

Thật sự tôi cũng thấy môi trường sống bây giờ quá nhiều phức tạp. Nhưng vấn đề quan trọng là phải giáo dục - rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống để các em biết tránh xa cái xấu. Có thể suy nghĩ của tôi mang tính chủ quan nhưng tôi thấy một số phụ huynh thời nay lo làm ăn, lo kinh tế mà lơ đãng nghĩa vụ làm cha mẹ. Hơn ai hết, phụ huynh phải là những người bạn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ tất cả những điều con trẻ quan tâm. Từ đó mới định hướng cho các em về một quan niệm sống đúng đắn.

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên