18/05/2010 04:38 GMT+7

Vô tư "xào" sách!: Gốc rễ từ chất lượng giáo dục

Nguyen Quoc Vinh (quocvinhvn@...)
Nguyen Quoc Vinh (quocvinhvn@...)

TT - Trước vấn nạn “mượn” sách của người khác để biên soạn mà thực chất là biên dịch đang diễn ra khá phổ biến, nhiều chuyên gia đã đưa ra lý giải và bày tỏ thái độ của mình.

BXM8XZGZ.jpgPhóng to
Sinh viên tham khảo tài liệu tại thư viện. Trong số sách do các tác giả có tên tuổi chủ biên, nhiều cuốn là sản phẩm “biên dịch” từ sách nước ngoài - Ảnh: MINH ĐỨC

*PGS.TS Phạm Văn Năng(hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Phải rõ ràng, trung thực

Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường nhập khẩu chương trình đào tạo của nước ngoài nếu phù hợp. Thực tế không chỉ riêng kinh tế, nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác cũng cần phải có sự kế thừa từ các nước phát triển. Chúng ta đi sau nên phải học tập của người ta là tất yếu. Chính kho kiến thức mới mẻ này, những tinh hoa tri thức của nhân loại nếu được kế thừa và vận dụng sáng tạo rồi phổ biến cho mọi người tham khảo, học tập là việc làm tích cực.

Trong việc viết giáo trình nhất thiết phải tham khảo tài liệu của nước ngoài. Tuy nhiên, khi trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo cần phải rõ ràng, trung thực. Đặc biệt phải tôn trọng vấn đề tác quyền, tôn trọng tác giả. Chúng ta không thể viết sách bằng cách biên dịch từ sách nước ngoài rồi “lờ” đi tác giả của sách gốc và tự coi như phát minh của mình.

Không thể chấp nhận

* Những người từng đọc sách chuyên ngành tiếng nước ngoài chẳng lạ gì vấn đề “xào” sách. Trong hoàn cảnh khan hiếm tài liệu tham khảo như ở VN, sách dịch là cách nhanh nhất để sinh viên không có ngoại ngữ tốt tiếp cận tri thức thế giới. Nhưng việc dịch sách cần tôn trọng bản quyền cũng như chất lượng dịch. Có nhiều giảng viên còn giao cho sinh viên dịch từng chương trong sách (làm tiểu luận), rồi gom lại làm bản dịch của mình cho xuất bản, chất lượng dịch thế nào thì mọi người cũng hiểu.

* Không thể chấp nhận việc "copy" hay thiếu chữ "biên dịch" trong những cuốn sách đó được. Bởi vì người làm sách ở đây là những giảng viên, giáo sư, tiến sĩ chứ không phải những người không có trình độ. Họ phải chịu trách nhiệm cho những "đứa con" được họ cho ra đời. Ngành giáo dục cần phải nghiêm minh, chịu trách nhiệm làm tới cùng thì việc "copy" tác phẩm người khác hoặc nạn sao chép đĩa lậu, đạo nhạc mới có thể đẩy lùi.

* TS Vũ Thị Phương Anh(giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM):

Không biết rõ những quy định về bản quyền

Chuyện “chép” của nhau không dẫn nguồn không chỉ có trong chuyện viết sách mà rất nhiều lĩnh vực khác hiện đang rất phổ biến ở VN. Có thể lý giải việc này dưới hai khía cạnh: đạo đức và pháp luật.

Văn hóa phương Đông khuyến khích tính ẩn danh (khiêm tốn), điều này thể hiện rõ trong văn hóa truyền khẩu. VN ảnh hưởng của văn hóa này nên chưa có thói quen coi tài sản trí tuệ là tài sản. Tuy nhiên, với người làm khoa học khi đưa ra (sáng tạo) điều gì, họ không chỉ được quyền sở hữu mà còn phải chịu trách nhiệm về thông tin đó. Việc ẩn danh, truyền khẩu, tam sao thất bản tồn tại thì khoa học sẽ lộn xộn, xã hội không phát triển được.

Có rất nhiều định nghĩa về đạo văn đã được đưa ra. Nhưng dù có những khác biệt tất cả đều xem đạo văn là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận trong giới trí thức.

Hiện pháp luật VN đã quy định chặt chẽ về vấn đề luật bản quyền nhưng chính bản thân tôi là một giảng viên ĐH cũng không biết rõ về những luật này. Chỉ qua vụ này tôi tìm hiểu mới biết. Điều này cho thấy tính cưỡng chế của pháp luật và việc phổ biến luật hiện nay ở VN còn kém.

* TS Quách Thu Nguyệt(hiệu trưởng Trường quản trị cuộc đời LiMA):

Chưa gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy

Việc nghiên cứu, tham khảo tài liệu nước ngoài để du nhập tri thức của thế giới là cần thiết. Bản thân các giáo sư giảng dạy ĐH cần đẩy mạnh việc mang kiến thức khoa học mới để trang bị cho sinh viên, thay vì cứ bám những giáo trình cũ với thông tin không được cập nhật. Việc giảng viên có ý thức sử dụng những kiến thức mới, phổ biến trong sinh viên là việc làm đáng ghi nhận.

Nhưng vấn đề là thái độ nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên ĐH hiện nay thiếu nghiêm túc. Tinh thần nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học là khi sử dụng tư liệu, công trình nghiên cứu, tri thức của người khác phải trích dẫn, dẫn nguồn. Đây là việc phải làm rất nghiêm túc nhưng đáng tiếc là các nhà khoa học VN không có thói quen này. Qua đây thấy được gốc rễ của vấn đề chính là chất lượng giáo dục ĐH VN hiện nay còn hạn chế.

* TS Đinh Thế Hiển (giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng):

Cần có sự “lột xác” trong việc viết sách

Chúng ta không nên phủ nhận toàn bộ quá trình xây dựng giáo trình trong giai đoạn quá độ vừa qua dù có nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, hiện nay VN đã hội nhập với thế giới nên phải đòi hỏi cao hơn với những người làm khoa học. Việc viết sách cũng cần được “lột xác”.

Việc xây dựng hệ thống giáo trình cần phân định rõ sách ứng dụng và sách lý thuyết. Với sách lý thuyết nên tuyển chọn những sách chuẩn của nước ngoài do các giáo sư nổi tiếng viết và được các ĐH lớn sử dụng cho sinh viên tham khảo chính.

Tùy mỗi trường có thể chọn mỗi môn học vài sách, bên cạnh đó giảng viên có thể bổ sung thêm. Tuy nhiên, sách này phải dùng nguyên bản hoặc mua bản quyền để dịch. Còn sách ứng dụng, cần khuyến khích các giáo sư, giảng viên tập trung viết, trong đó đưa những thực chứng của VN và quan điểm của mình để giúp người đọc có thông tin thực tiễn sinh động.

Nguyen Quoc Vinh (quocvinhvn@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên