29/04/2010 04:25 GMT+7

Giáo viên bị cắt thu nhập

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Giáo viên bậc phổ thông đang “kêu trời” vì thông tư mới của Bộ GD-ĐT áp dụng từ đầu học kỳ II này đã cắt đi phần thu nhập chính đáng mà giáo viên được hưởng từ việc chấm bài.

Cụ thể, thông tư 28 quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông (thay thế thông tư 49 được sử dụng suốt hơn 30 năm qua) đã cắt việc quy đổi chấm bài thành tiết học khiến hoạt động này của giáo viên phổ thông vốn rất nặng nề lại không được hưởng lương nữa.

6v1DkA9T.jpgPhóng to
Chấm bài là công việc đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức nên cần phải có chế độ phụ cấp thỏa đáng - Ảnh: Lưu Trang

"Trong quá trình soạn thảo thông tư, chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của các nhà giáo, nhà quản lý và sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến, kiến nghị. Ngoại trừ những vấn đề mang tính nguyên tắc, những việc khác liên quan đến quyền lợi giáo viên chúng tôi sẽ xem xét, kiến nghị, điều chỉnh các quy định"

Ông Trương Đình Mậu (phụ trách Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục)

Thông tư 49 (ban hành năm 1979) quy định: “Mỗi tháng, giáo viên ngữ văn trường trung học phổ thông phải chấm số bài kiểm tra loại 15 phút và loại từ một tiết trở lên không quá 90 bài cho mỗi loại. Nếu chấm số bài quá số quy định trên thì cứ 45 bài loại 15 phút tính ba tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ một tiết trở lên tính bảy tiết tiêu chuẩn.

Giáo viên dạy các bộ môn còn lại thuộc các cấp học mỗi tháng phải chấm số bài kiểm tra không quá 135 bài cho mỗi loại. Nếu quá số quy định đó, cứ 45 bài loại 15 phút tính hai tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ một tiết trở lên tính bốn tiết tiêu chuẩn”. Nhưng ở thông tư 28 thay thế thông tư 49, có hiệu lực từ 6-12-2009, không có phần quy định về chế độ quy đổi nói trên.

Chấm 1.600 bài/ học kỳ

Giáo viên dạy các môn phụ như sử, địa, công nghệ, giáo dục công dân... - những môn không thể tăng tiết hay dạy thêm - vốn vẫn “trông cậy” vào khoản tiền quy đổi từ chấm bài để tăng thêm thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi. Trên thực tế, giáo viên dạy môn phụ phải dạy rất nhiều lớp nên số bài kiểm tra phải chấm cũng nhiều hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Nhưng theo thông tư mới, lao động chấm bài của giáo viên không được tính thành tiết học để hưởng lương nữa. Học kỳ I vừa qua, cô T.M. - dạy môn địa Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM - dạy tổng cộng 12 lớp, với tổng số học sinh là 531. Như vậy với mỗi bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, giáo viên này đều phải chấm 531 bài. Cuối học kỳ I, tổng số tiết quy đổi từ chấm bài của giáo viên này là 123,2 tiết, tính thành tiền lương hơn 8,3 triệu đồng. Nhưng kể từ học kỳ II, khoản thu nhập từ việc chấm bài này không còn nữa.

Cô Mỹ Hạnh, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, nói: “Tôi phải đảm nhiệm dạy ba lớp, hai lớp 6 và một lớp 9. Cứ nhân số học sinh trung bình/lớp là 55 em với số bài kiểm tra một tiết, hai tiết, kiểm tra cuối kỳ trong một học kỳ, tôi chấm gần 1.000 bài. Chưa kể mỗi lớp sẽ phải làm ba bài kiểm tra 15 phút và một bài kiểm tra cuối học kỳ.

Tổng cộng gần 1.600 bài/học kỳ. Theo quy định về giờ làm việc của giáo viên THCS, định mức dạy 19 tiết/tuần, chưa kể công tác chủ nhiệm, hoạt động giáo dục khác, thêm khoản chấm bài khiến chúng tôi quá tải. Giáo viên hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi vì phải tranh thủ ngày nghỉ, thức đêm để chấm cho xong bài”.

Anh M., giáo viên dạy môn sử ở Trường THCS Chi Lăng, quận 4, TP.HCM, cũng cho biết: “Đồng lương và phụ cấp hằng tháng của tôi chỉ gói gọn trong 1,6 triệu đồng. Nhờ có tiền quy đổi từ việc chấm bài 5-7 triệu đồng/ học kỳ nên mới đắp đổi được cuộc sống. Nay số tiền này bị cắt giảm, những giáo viên mới ra nghề và dạy môn phụ như tôi chưa biết lo cho gia đình như thế nào”.

Đang đề xuất điều chỉnh lương

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Thập, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT, cho biết:

- Đối với giảng viên đại học, định mức giờ dạy là 280- 320 tiết/năm. Có ý kiến đã thắc mắc như vậy là quá nhiều, lấy đâu ra tiết dạy cho giảng viên hoàn thành định mức. Nhưng thực chất, trong tính toán của chúng tôi một tiết dạy thực tế ở đại học phải có thêm 4-8 tiết nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị bài giảng, kiểm tra, đánh giá sinh viên...

Tương tự ở phổ thông, định mức là 17-19 tiết/tuần, thực tế đã cộng vào đó cả những hoạt động trước và sau giờ dạy (nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, chấm bài). Vì thế, không thể tách chấm bài ra ngoài để tính thù lao riêng bởi đã nằm trong nhiệm vụ của giáo viên.

* Về lý thuyết thì điều ông nói là đúng, nhưng thực tế giáo viên phổ thông đang phải làm nhiều việc, trong đó có chấm bài là một lao động thực tế vất vả, tốn thời gian, công sức. Việc gộp vào lao động quy ra tiết dạy với mức lương thấp là không công bằng, không khuyến khích giáo viên...

- Không tách chấm bài ra khỏi lao động của giáo viên ở mỗi tiết dạy, nhưng chúng tôi cũng đã và đang tính tới việc đề xuất điều chỉnh lương, các phụ cấp cho giáo viên. Chúng tôi đã đấu tranh để giáo viên có phụ cấp đứng lớp, đang cố gắng đề xuất để đưa quy định phụ cấp thâm niên cho giáo viên vào Luật giáo dục sửa đổi bổ sung (trình Quốc hội vào tháng 7-2010 tới). Nói chung phải cố gắng điều chỉnh dần dần, với mục đích để giáo viên có thể sống được bằng nghề.

* Trước đây từng có quy định về việc trả tiền chấm bài cho giáo viên. Như vậy, việc tách chấm bài ra khỏi tiết dạy có thể thực hiện được. Tại sao khi xây dựng thông tư về giờ dạy của giáo viên phổ thông việc này không được duy trì, nếu Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo đuổi mục tiêu vì quyền lợi của giáo viên?

- Trước có quy định, nhưng thực tế rất ít địa phương thực hiện được do kinh phí cho giáo dục vẫn do các địa phương điều tiết. Nhiều nơi còn không có đủ kinh phí trả tiền thừa giờ cho giáo viên. Các trường phổ thông phần lớn hoạt động nhờ kinh phí bao cấp, không có nguồn thu. Trường nào cố gắng tiết kiệm chi tiêu thì còn có một khoản nho nhỏ hỗ trợ giáo viên, còn thường thì không có gì hết.

Nếu trường phổ thông có cơ chế tự chủ như đại học, chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện tách bộ phận khảo thí riêng để giáo viên chỉ lo dạy học, không phải lo kiểm tra, đánh giá. Còn như hiện tại, tách ra giáo viên sẽ bị thiệt hơn, vì không những giáo viên không được thu thêm mà còn phải chia bớt tiền lương hiện tại để chi trả cho lao động của bộ phận khảo thí.

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên