Phóng to |
TS Trần Thị Hương - Ảnh: Như Hùng |
Tuổi Trẻ vừa có cuộc trao đổi với TS Trần Thị Hương, trưởng bộ môn giáo dục học, khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. TS Hương nói:
- Đã làm giáo dục thì phải đặt mục đích giáo dục lên trên hết. Đó là phát triển nhân cách con người. Trong khi đó, các trường vì chạy theo thành tích nên vô tình “bỏ quên” công tác giáo dục học sinh cá biệt, học sinh yếu. Vì sao các trường bỏ quên? Đó là vì giáo dục học sinh cá biệt, học sinh yếu là một quá trình khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức, lại ảnh hưởng đến lợi nhuận, uy tín, thương hiệu và lợi ích riêng của nhà trường...
Như vậy ở góc độ nhà trường, mục đích giáo dục đã bị đặt xuống hàng thứ yếu thay vì phải là hàng đầu.
* Chẳng lẽ chúng ta phải chấp nhận thực tế là các trường sẽ tiếp tục loại học sinh để có thành tích và lợi nhuận?
- Hiện chúng ta chưa thể khắc phục ngay những hạn chế và bất cập trong cơ chế quản lý giáo dục, cũng chưa thể chữa ngay “bệnh” thành tích trong giáo dục. Vấn đề thi cử ở nước ta vẫn nặng nề khiến nhà trường, gia đình và xã hội bị cuốn theo thành tích. Tôi nghĩ trước hết các cấp quản lý không nên tạo ra sức ép lớn về chỉ tiêu, thi đua, thành tích cho các trường. Các trường không nên đặt nặng thành tích cho giáo viên, học sinh. Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những trường hợp phát hiện vi phạm về loại học sinh yếu kém ra khỏi trường.
* Phải chăng cách kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như việc đặt ra những chỉ tiêu cao như hiện nay đã khiến bệnh thành tích ngày càng trở nên nặng nề trong giáo dục phổ thông?- Kiểm tra, đánh giá là bộ phận hợp thành và là khâu cuối của quá trình giáo dục, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một trong những biểu hiện của tính khách quan trong kiểm tra, đánh giá là phải phù hợp với yêu cầu, mức độ quy định của chương trình và đối tượng học sinh.
Việc đặt ra những chỉ tiêu cần phải đạt tới trong giáo dục là đúng, nhưng khi đặt ra chỉ tiêu quá cao mà năng lực một bộ phận học sinh của trường có hạn thì chỉ tiêu này sẽ không khả thi và buộc các trường phải đối phó.
Thực tế hiện nay nhiều trường đặt chỉ tiêu học sinh phải đỗ tốt nghiệp quá cao. Để đạt được, họ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Loại học sinh yếu là một trong những biện pháp đó. Chính xã hội đã gọi thành tích là “bệnh”.
Hệ quả của nó như mọi người đều biết: chất lượng giáo dục không thực chất, sản phẩm của giáo dục chính là những con người với thành tích ảo, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Như vậy chúng ta đạt chỉ tiêu nhưng kết quả không thực chất.
* Thế nhưng cái khó của trường ngoài công lập là lấy tuyển sinh làm nguồn sống. Họ phải loại học sinh để có thành tích cao, để dễ tuyển sinh và tăng lợi nhuận. Làm sao giải quyết bài toán này?
- Cơ chế hiện nay rất khó cho các trường dân lập, tư thục thực hiện đúng mục đích của mình. Các trường này phải đầu tư kinh phí để mở trường và phát triển nhà trường. Do vậy, bên cạnh mục đích giáo dục còn có mục đích về lợi nhuận.
Để tạo ra một ngôi trường có thương hiệu về giáo dục không phải một sớm một chiều. Cho nên một số trường chọn cách tạo thương hiệu nhanh nhất là loại học sinh yếu để kết quả thi cử được trọn vẹn, làm yên lòng gia đình và xã hội khi họ đầu tư cho con em vào học những trường đó.
Giáo dục có tính nhân văn là giáo dục không chỉ đem đến cho con người những điều hay lẽ phải, những giá trị chân, thiện, mỹ mà luôn phải vì lợi ích của con người, phải dành những gì tốt đẹp nhất cho con người.
Làm giáo dục nhưng lại loại bỏ những học sinh yếu như là loại bỏ những phế phẩm thì có vẻ lạnh lùng và nhẫn tâm quá. Sao lại coi sản phẩm của giáo dục như là những phế phẩm để rồi cái nào tốt thì giữ lại, không tốt thì bỏ đi. Vậy ai sẽ gánh chịu những phế phẩm đó? Lại là xã hội thôi.
Tuy nhiên, xã hội cũng sẽ nhận ra chỉ những ngôi trường làm giáo dục đích thực, đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu, tạo thương hiệu bằng chất lượng giáo dục đích thực mới có thể tồn tại lâu dài.
* Nhưng phụ huynh làm sao biết thực chất của các trường ngoài những con số thành tích? Nhiều người cho rằng chính tâm lý phụ huynh khi chọn trường đã góp tay đẩy “bệnh” thành tích đi xa hơn?
- Chính tâm lý kỳ vọng quá cao ở con của một bộ phận phụ huynh đã làm con cái phải chịu nhiều áp lực. Vì vậy khi chọn trường, phụ huynh nên tìm trường vừa sức con mình. Nhiều phụ huynh nhìn vào thành tích của trường rồi đưa con mình vào nhưng sức học của em không theo nổi các bạn cùng lứa cũng dẫn đến chán học, học kém...
Nếu phụ huynh chọn trường phù hợp năng lực của con em, nhà trường có sự đầu tư giáo dục cá biệt tốt cho học sinh thì các em sẽ được phát triển đúng năng lực của mình.
Chú trọng sự tiến bộ Tạp chí Time số ra gần đây có bài viết về kế hoạch cải cách giáo dục phổ thông Mỹ. Trong đó, Tổng thống Barack Obama đưa ra một cách nhìn khác về gia tăng chất lượng giáo dục. Đó là thay đổi mục tiêu quản lý giáo dục, chú trọng sự tiến bộ của học sinh từ một lớp dưới lên dần lớp trên, thay vì trường chỉ được đánh giá như hiện nay là dựa vào thành tích tuyệt đối. Sẽ không còn cách đánh giá trường có 90% học sinh đậu tốt nghiệp THPT kém hơn trường có tỉ lệ 100%. Thành phố New York đã tiên phong trong cách đánh giá này cách đây ba năm. Nhờ vậy, New York đã cải thiện rõ rệt tình hình học tập của người da đen và người gốc Mexico. Số bỏ dở việc học đã giảm đến một nửa so với trước đây. Giáo dục và quản lý giáo dục không bao giờ bất biến. Nếu chúng ta giữ, có khi còn cố giữ nguyên trạng cung cách giáo dục và biện pháp quản lý lạc hậu thì sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho xã hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận