Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam:
Các trường đại học cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo
TTO - Nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chưa cạnh tranh. Khi vươn ra quốc tế buộc các đại học Việt Nam phải quan tâm vấn đề này và mỗi trường phải tự giải quyết vấn đề chất lượng của mình để cạnh tranh.
Đây là ý kiến của một số học giả dự Hội thảo Giáo dục So sánh lần thứ ba năm 2009 với chủ đề: “Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học VN: Cơ hội và Thách thức” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, Chương trình Fulbright tại VN và báo Tia sáng phối hợp tổ chức ngày 16-10, có sự tham gia của hơn 50 giáo sư, giảng viên của VN và quốc tế.
Tại hội thảo các học giả cùng thảo luận những cơ hội và thử thách đang đặt ra cho giáo dục VN trong việc tăng cường hợp tác quốc tế và tìm kiếm những giải pháp thực tiễn trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động giáo dục của các nước.
Nhiều người cho rằng, nền giáo dục đại học Việt Nam còn thua kém nhiều nước trên thế giới, muốn quốc tế hóa trong vài thập kỷ tới cần có lộ trình: kiểm tra đánh giá lại chất lượng đào tạo của từng trường; tìm hiểu tình hình và chất lượng của các trường đẳng cấp quốc tế, so sánh để thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu của trường đại học Việt Nam, tìm cách phát huy hay khắc phục.
Cũng có ý kiến cho rằng cần huy động nhanh hơn nữa hợp tác quốc tế bằng các nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài, các trường đại học Việt Nam tăng cường tính chủ động và có sự quản lý của nhà nước. Ngoài ra, nhiều học giả còn cho rằng cần phải nâng cao kỹ năng nắm bắt thông tin, lựa chọn trường ĐH của người học để tự bảo vệ mình trước những ĐH kém chất lượng…
Theo Ban tổ chức hội thảo, có 45 bản báo cáo khoa học, trong đó có 18 bài của các học giả quốc tế (Mỹ, Pháp, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel) và 25 của học giả trong nước và các công trình hợp tác của tập thể tác giả.
TRẦN HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận