Lại lên kế hoạch thanh tra ĐH Hồng Bàng!
TT - Tình trạng lạm thu, tăng học phí trong các cơ sở giáo dục, vấn đề Trường ĐH Hồng Bàng... là những nội dung được tập trung chất vấn tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ GD-ĐT diễn ra chiều 28-9 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Là trường công lập nhưng trường này được thu nhiều khoản “ngoài học phí” - Ảnh: H.BÌNH |
Trong cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng thông báo sơ bộ về một số nội dung khác như tình trạng học sinh bỏ học đầu năm học mới, những vấn đề sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Luật giáo dục. Ông Trần Quang Quý - chánh văn phòng Bộ GD-ĐT - cho biết trong số mười nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong tháng 10, bộ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại một số sở GD-ĐT và trường ĐH, CĐ về tình hình triển khai nhiệm vụ năm học mới. “Đối với các sở GD-ĐT sẽ kiểm tra tình hình học sinh bỏ học, triển khai thực hiện “ba công khai” và thực hiện “ba đủ” đối với học sinh bao gồm “đủ ăn, đủ quần áo mặc, đủ sách vở” trong việc phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực năm học 2009-2010” do bộ phối hợp với một số bộ ngành, tổ chức khác thực hiện. Đối với khối ĐH, CĐ sẽ kiểm tra việc quản lý thu chi học phí mới và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh”- ông Quý cho biết.
Ngay sau đó, đại diện các báo đã tập trung chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các vụ chức năng của bộ về hai chủ đề nóng đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay: tình trạng lạm thu tiền trường đầu năm học mới và những vấn đề xung quanh hoạt động của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng.
Đề nghị sửa đổi 19 nội dung trong Luật giáo dục
Tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Kim Dung cho biết trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3-10, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi 19 nội dung liên quan đến 22 điều trong Luật giáo dục 2005. So với đề xuất ở kỳ họp Quốc hội trước, nội dung sửa đổi được đề xuất lần này tăng thêm chín vấn đề; trong đó quy định về sách giáo khoa đã được bổ sung. Ngoài ra còn có những vấn đề quan trọng khác như: đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục ĐH, kiểm định chất lượng giáo dục, hợp tác quốc tế trong giáo dục...
* Khung học phí mới chỉ áp dụng đối với các trường công lập, còn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không bị ảnh hưởng gì từ khung học phí mới và được quyền tự quyết định mức học phí đã công bố?Ông Nguyễn Văn Ngữ (vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính): Theo cơ chế tài chính giáo dục mà Chính phủ ủy quyền cho Bộ GD-ĐT xây dựng và trình Chính phủ sẽ áp dụng từ năm học sau (2010-2011) có quy định rõ hơn về học phí đối với đào tạo theo tín chỉ. Còn hiện nay chưa có quy định nên mức học phí theo tín chỉ do các trường tự xác định.
Học phí các trường ngoài công lập tăng so với con số đã công bố vì cuốn Những điều cần biết... làm từ tháng 3, nhưng đến tháng 5 mới có quy định về thực hiện “ba công khai”. Các trường không thực hiện được là do... quy định ban hành chậm(!). Trường tư thục theo Luật giáo dục được quyền quyết định mức học phí và tự chịu trách nhiệm với người học về mức thu đó. Còn cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phải công khai chất lượng để người học tự lựa chọn.
Nhưng bộ sẽ tổ chức đi kiểm tra việc các trường bị phê phán nhiều xem các trường đã thực hiện công khai tài chính, thu, sử dụng học phí như thế nào và sẽ xử lý những trường không làm đúng quy định.
* Vì sao Trường ĐH Hồng Bàng liên tục năm nào cũng phát hiện có sai phạm trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh..., thậm chí đã có kết luận thanh tra nhưng chưa bị xử lý? Cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng vẫn được mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh và còn được đổi tên thành “trường ĐH quốc tế”?
Ông Ngô Kim Khôi (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH): Tôi muốn nói rõ việc mở ngành của ĐH Hồng Bàng có ồ ạt, khuất tất, gây ngỡ ngàng như báo chí phản ánh không... Trước khi cho phép trường mở ngành như điều dưỡng, y sinh học, Bộ GD-ĐT đã thành lập đoàn thẩm tra, trên cơ sở thẩm định của Bộ Y tế mới quyết định cho mở ngành. Vì vậy việc mở ngành đào tạo của ĐH Hồng Bàng là chính xác, khoa học, đúng quy trình! Bộ chỉ có thẩm quyền cho mở ngành, còn đối với những ngành đào tạo như spa, võ thuật... là các chuyên ngành đào tạo. Việc mở chuyên ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng!
>> “Tôi không hề biết sinh viên không muốn mua đồng phục”>> “Chúng tôi thấy hổ thẹn với hai chữ quốc tế”>>ĐH quốc tế Hồng Bàng: Những khoản thu kỳ dị!>> Sinh viên Hồng bàng "chóng mặt" vì tăng học phí>> ĐH Hồng Bàng: học phí tăng>> Từ ĐH Hồng Bàng, nghĩ về sự dễ dãi>> Bộ GD-ĐT: ĐH Hồng Bàng đủ tiêu chuẩn quốc tế - Tăng học phí do qui định chậm
* Vì sao Trường ĐH dân lập Hồng Bàng được đổi tên thành trường ĐH quốc tế: vì trường liên kết với quốc tế, đạt tiêu chuẩn quốc tế hay đó chỉ là tên gọi? Những trường ĐH khác nếu cũng muốn đổi tên, cho thêm chữ quốc tế vào cho dễ tuyển sinh thì có được phép không?Bà Lê Thị Kim Dung (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế): Đổi tên trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo Luật giáo dục 2005, trường ĐH ngoài công lập không bắt buộc phải có chữ “dân lập”. Còn để có chữ “quốc tế”, Trường ĐH Hồng Bàng đã xây dựng đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành thẩm định...
Trong đề án, trường có giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế... Các trường muốn đổi tên cũng phải thực hiện theo quy trình, đủ điều kiện thì được Chính phủ cho phép.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp báo, ông Trần Quang Quý khẳng định “những quy định và khoản thu của ĐH Hồng Bàng về đồng phục sinh viên, mũ bảo hiểm... là không thể chấp nhận được. Trước những dư luận phản ánh về Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch thanh tra trường. Tuy nhiên, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng xin được lùi đợt thanh tra thêm vài tháng để nhà trường tập trung chuẩn bị năm học mới. Vì vậy bộ sẽ sắp xếp kế hoạch thanh tra trường vào cuối năm nay”.
THANH HÀ
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ý kiến bạn đọc
* Tôi có em gái vừa mới đậu Đại học Hồng Bàng. Mấy ngày nay em cứ lo lắng mãi về những khoản phụ thu, không biết phải xin mẹ tôi như thế nào khi vừa mới xin 10 triệu đóng học phí. Tôi hết sức bức xúc.
Tôi từng là sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Trường không hề bắt mua đồng phục, cặp sách, nón bảo hiểm hay đóng bất kỳ khoản tiền nào cho các câu lạc bộ (tự nguyện, ai muốn thì tham gia), vậy mà thế hệ nào ra trường cũng thành công, năng động, sáng tạo. Thay vì cứ sáng tạo ti tỉ thứ để buộc sinh viên sử dụng nhằm khuếch trương hình ảnh "Đại học Hồng Bàng", nhà trường nên chăng tập trung nghiên cứu và nâng cao chất lượng giảng dạy để xứng đáng với tên gọi Trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
Hồng Hạnh
* Thật buồn cho một thế hệ cử nhân tương lai, lực lượng chủ lực trong sự nghiệp phát triển đất nước lại được đào tạo, nhào nặn bởi một tổ chức như ĐH Hồng Bàng. Tôi luôn quan niệm nhìn vào người đứng đầu một tổ chức sẽ biết tổ chức đó hoạt động ra sao, văn hóa và giá trị tổ chức thế nào.
Trở lại với Trường ĐH Hồng Bàng, tôi thất vọng về những câu trả lời của ông hiệu trưởng. Thứ nhất, ông không có năng lực của một nhà quản lý vì chẳng biết nhân viên mình đang làm gì và khi sự việc vỡ lở thì ông nói là không biết, sẽ điều chỉnh nhân viên. Chẳng biết ông không biết thật hay giả vờ không biết.
Thứ hai, ông không thể là một nhà kinh doanh vì không hiểu gì về thương hiệu, chỉ chạy theo phù phiếm mà người ta gọi là "đẳng cấp quốc tế" và thực hiện theo cách làm ăn tạm bợ, chụp giựt. Nhưng tai hại hơn, người chịu hậu quả của lối làm ăn chụp giựt đó lại là thế hệ sinh viên.
trang.nguyen06@...
* Là một người lãnh đạo, quản lý một trường đại học mà hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng lại có những câu trả lời rất không trách nhiệm. Tại sao không đi sâu sát, không quản lý được những hành động của cấp dưới, chỉ có trách nhiệm đặt bút ký chứ không quản lý rõ ràng…
Nghe thật phi lý và không hề có thiện chí nhận lỗi về mình mà đổ trách nhiệm xuống cấp dưới. Hi vọng Bộ Giáo dục và đào tạo có những biện pháp rõ ràng hơn để khắc phục những việc làm như vậy.
Trần Văn Tân
* Ông hiệu trưởng nói việc đổi tên Trường ĐH dân lập Hồng Bàng thành trường ĐH quốc tế vì nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân võ thuật cho quốc tế, tiếp cận với châu Âu và Mỹ. Nếu lấy lý do này để đưa tên trường thành trường ĐH quốc tế thì thật là nực cười.
Hoài Bảo
* Xin chào báo Tuổi Trẻ cùng toàn thể bạn đọc! Tôi đã theo dõi vấn đề của Đại học Hồng Bàng trong thời gian gần đây. Lẽ ra tôi chỉ muốn đọc để cập nhật thông tin cho biết nhưng sau khi nghe được những lời phát biểu của ông hiệu trưởng, tôi thật sự bức xúc nên viết vài dòng góp ý kiến.
Tôi thật sự rất bất ngờ khi biết được trong hệ thống giáo dục Việt Nam có một trường mang tên Đại học quốc tế Hồng Bàng. Nếu theo lời giải thích của ông hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nào là chương trình võ thuật, nào là chương trình 2+2 thì xin hỏi tại sao có bao nhiêu trường đại học công lập lẫn dân lập trên toàn quốc đã và đang rất thành công trong việc triển khai các chương trình liên kết với nước ngoài lại không hề tự cho mình cái mác "quốc tế".
Còn về vấn đề tăng học phí lại càng thấy vô lý. Tôi phải khẳng định một điều là đối với các trường quốc tế, tài chính là vấn đề rất quan trọng, còn lý do tại sao tôi nghĩ không cần nói mọi người cũng hiểu.
Vì vậy, giáo dục hiện nay trở thành một trong những ngành kinh doanh là điều rất đỗi bình thường, đặc biệt là đối với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Singapore... với chính sách visa ngày càng dễ dãi để thu hút sinh viên quốc tế. Đã gọi là kinh doanh thì phải có uy tín.
Các trường quốc tế luôn đảm bảo mức học phí cố định trong quá trình học theo thời điểm sinh viên đăng ký khóa học. Nếu Hồng Bàng thật sự là trường quốc tế thì càng phải tôn trọng nguyên tắc này.
Hi vọng các cơ quan chức năng xem xét lại việc quyết định Đại học Hồng Bàng là trường quốc tế, vì như vậy có khiến giáo dục nước ngoài nhìn vào nền giáo dục Việt Nam với nụ cười đầy ẩn ý hay không?
Phạm Hoàng Phúc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận